Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Rau, hoa công nghệ cao- Nhân rộng cách nào ? Bài 2/ Làm sao giảm 30- 50% số ngày canh tác ?

VĂN VIỆT

Thống kê ở vùng sinh thái Đà Lạt và các huyện phụ cận gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà có hơn 5.000ha rau nhà kính công nghệ cao. Nếu không kể giá trị đất thì giá trị đầu tư toàn bộ thiết bị nhà kính đi vào vận hành từ 1,6 tỷ đến 6,5 tỷ đồng/ha; riêng công nghệ thủy canh đầu tư đến 8 tỷ đồng/ha. Tính chung giai đoạn ươm giống và sản xuất rau trong nhà kính hiện nay đã giảm 50- 70% số ngày canh tác so với phương pháp truyền thống.

Qua Thái Lan học trồng rau thủy canh
Gần một năm qua, cả trăm hộ nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã mua giàn rau thủy canh gia đình của Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh (Vạn Thành, Đà Lạt). Chỉ 8 triệu đồng nguồn vốn đầu tư, giàn rau thủy canh gia đình với thiết kế hình chữ A, gắn 10 thanh nhựa tổng hợp từ trên xuống dưới thành đường thẳng song song và đối diện với nhau. Trên đó nhà sản xuất đã cắt sẵn 10 ô trên mỗi thanh nhựa, đường kính bằng chiếc chén cơm để đặt xuống những chiếc giỏ giá thể mini trồng rau thủy canh hồi lưu. Trên đỉnh chữ A lợp mái phủ ni lông hình vòng cung, chức năng che bớt nắng, chắn bớt mưa khi đặt ngoài trời. Hệ thống bơm nước hòa tan phân bón hữu cơ được bố trí nhỏ gọn dưới chân giàn, vận hành tự động 24/24 giờ theo chế độ tiết kiệm tối đa năng lượng điện tiêu thụ.
Nhiều nông dân nhận định, với khí hậu ôn hòa của Đà Lạt, giàn rau thủy canh có thể lưu động mọi vị trí trong nhà, ngoài sân; còn khí hậu nhiệt đới của các tỉnh, thành trong nước nên bố trí trong gian nhà hoặc ngoài hiên, mỗi năm sản xuất liên tục 10- 12 lứa rau, năng suất cao hơn từ 2- 3 lần so với trồng theo phương pháp địa canh truyền thống. “Một giàn thủy canh gia đình mỗi lứa trồng 100 cây rau từ 25- 30 ngày, trọng lượng mỗi cây thu hoạch từ 150- 300gam. Nhân lên thành lượng rau thu mỗi tháng từ 15- 30kg, một con số đáng kể bổ sung thực phẩm rau xanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn gia đình… ”, một nông dân Đà Lạt hạch toán.
Phóng viên tìm gặp chủ nhân lắp đặt giàn thủy canh gia đình, anh Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1980), thạc sĩ tài chính- ngân hàng, hiện đang làm Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh. Đây là công ty đã tạo nên những ấn tượng bất ngờ thú vị đối với khách du lịch và khách địa phương kể  từ  ngày 01/01/2017 – ngày chính thức mở cửa tham quan khu nhà kính 2ha rau thủy canh, bao bọc xung quanh 3ha sản xuất hàng chục loài hoa nguồn gốc từ châu Âu đua nhau khoe sắc hàng ngày giữa làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt.
Mới hay để xây dựng quy mô Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh ngày nay, anh Nguyễn Văn Dương đã mất gần 20 năm mua lần lượt 5ha đất hoa hồng Vạn Thành, Đà Lạt và huy động thêm 100 tỷ đồng xây dựng toàn bộ những hạng mục rau, hoa nhà kính, trong đó “điểm nhấn” là 2 ha rau thủy canh phục vụ khách tham quan, ngày cao điểm đón 4.000 lượt người, ngày trung bình đón 500 lượt người. Trong số đó có nhiều người là khách hàng đến tham quan, thiết lập hợp đồng với Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh để lắp đặt, chuyển giao công nghệ trồng 50 loại rau thủy canh ăn sống và nấu chín.
Thực ra ý tưởng hình thành những khu vườn rau thủy canh đối với thạc sĩ tài chính- ngân hàng Nguyễn Văn Dương từ giai đoạn năm 2013 – 2015. Lúc đó làm công tác thẩm định diện tích đất thế chấp vay vốn ngân hàng, Dương cảm thấy nông dân Đà Lạt trồng rau, hoa theo phương pháp truyền thống ngoài trời tốn nhiều công lao động, nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch nằm ở “mặt bằng thấp”; rau mùa khô thường đạt sản lượng nhiều khiến giá rẻ hơn, rau mùa mưa thì sản lượng giảm xuống, còn chất lượng rau ngoài trời thường bị dập vỡ phần nhiều, không đáp ứng nhu cầu một bộ phận người tiêu dùng. Giữa lúc loay hoay tìm cách chuyển đổi công nghệ trên các diện tích hoa hồng giống cũ thoái hóa của mình ở Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt, thạc sĩ tài chính- ngân hàng Nguyễn Văn Dương gặp một đối tác đến từ Thái Lan mời cơm và liên hệ đến chất lượng rau sạch trên bàn ăn.
Vậy là theo lời hẹn mời của đối tác, Dương “khăn gói” sang Thái Lan học nghề trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel. Tại đây trong thời gian một tuần lễ, thạc sĩ tài chính- ngân hàng Dương tiếp cận và thực hành hơn 10 công đoạn sản xuất rau thủy canh từ tạo giá thể, gieo hạt, ươm cây, pha chế phân thuốc sinh học, vận hành hệ thống nước hồi lưu đến thu hoạch, đóng gói chuyển đi tiêu thụ…Xong khóa học, Dương đưa đối tác trở lại khu đất 5ha của mình ở Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt khảo sát lại một lần nữa rồi triển khai lắp đặt, vận hành thử nghiệm trồng rau thủy canh với 0,5ha. Đến 40 ngày sau, lứa xà lách thủy canh đầu tiên ở Làng hoa Vạn Thành thu hoạch gần 3 tấn/1.000m², đạt kế hoạch cao nhất đặt ra. Và mẫu rau cũng được đối tác Thái Lan và Israel lấy mẫu phân tích nhanh, kết quả 100% đảm bảo yêu cầu chất lượng cao. Toàn bộ lượng rau thủy canh này, Dương gửi đi biếu tặng và chào hàng đến hệ thống siêu thị, cửa hàng trung tâm, chợ đầu mối, nhà hàng khách sạn “hạng sao” trong cả nước. Từ đây thạc sĩ tài chính- ngân hàng Nguyễn Văn Dương quyết định rẽ ngang làm “giám đốc nông dân” kiêm kỹ thuật viên trồng rau thủy canh tại Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt.
Dương tổng hợp số liệu: “Từ năm 2013 đến nay, Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh đã trực tiếp đào tạo, cung cấp vật tư, lắp đặt và chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh trên 40ha, trong đó gồm 25ha ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, còn lại 15ha ngoài tỉnh Lâm Đồng. Thời vụ trung bình một lứa rau thủy canh từ 40- 45 ngày, cả năm tăng gấp 3-4 lần so với thời vụ sản xuất rau địa canh truyền thống. Thời gian thu hồi vốn đầu tư từ 15- 18 tháng, trong khi nhà sản xuất cam kết tuổi thọ của nhà kính và hệ thống dây chuyền thiết bị thủy canh từ 60- 72 tháng… ”
Tính vào thời giá tháng 8/2017, Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh hợp đồng trọn gói hoàn thành hệ thống trồng rau thủy canh bàn giao đến người sản xuất trên 1.000m² ở Đà Lạt và các vùng phụ cận là 800 triệu đồng và 1,2 tỷ đồng ở ngoài tỉnh Lâm Đồng.      
11ha rau Global GAP “kể chuyện”
 Theo khảo sát của ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP ( Nguyên Tử Lực, Đà Lạt): “ Hiện nay Đà Lạt và các vùng phụ cận có 200 vườn ươm một số giống rau, hoa trên giá thể công nghệ cao, cung cấp cho nông dân sản xuất mỗi chu kỳ mùa vụ giảm từ 30- 50% số ngày canh tác so với phương pháp sản xuất truyền thống…”
Riêng “Đà Lạt GAP” đang sản xuất 11ha các loại rau ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong năm 2012, “Đà Lạt GAP” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Từ năm 2010 đến nay, “Đà Lạt GAP” xuất khẩu rau công nghệ cao đến thị trường Nhật Bản từ 600- 800 tấn/năm. Ở thị trường nội địa, chiếm 80% sản phẩm rau “Đà Lạt GAP” tiêu thụ theo hợp đồng với đối tác bao tiêu giá ổn định. “ Rau quả của thương hiệu “Đà Lạt GAP chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng tin cậy… ”, Giám đốc Lê Văn Cường nói.
“Kể chuyện” về những kết quả cụ thể sản xuất theo rau quả thủy canh của mình, “Đà Lạt GAP” dẫn chứng rau pó xôi giảm thời gian canh tác từ 54 ngày xuống còn 35 ngày/vụ, khiến sâu bệnh không kịp tấn công. Giống cà chua ghép trên giá thể ít xảy ra bệnh héo xanh, đạt năng suất 240- 280 tấn/9 tháng/ha, tăng gấp 6 lần so với sản xuất địa canh. Xà lách thủy canh đạt doanh thu hơn 4,3 tỷ đồng/ha/năm…/.
THÁNG 8/2017