VĂN VIỆT
Gần 15 năm thụ hưởng các cơ chế, chính
sách thúc đẩy phát triển rau, hoa công nghệ cao, nông dân, doanh nghiệp Đà Lạt
và các vùng phụ cận đã và đang phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật canh tác, tạo
bước đột phá trong thu nhập của mình, góp phần tăng trưởng cao trong ngành nông
nghiệp Lâm Đồng.
LTS: Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp công nghệ cao vừa tổ chức ở thành phố Đà Lạt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao những mô hình mẫu tại Lâm Đồng, cần được nghiên cứu và nhân rộng. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã tiếp cận nhiều khu vườn rau, hoa công nghệ cao vượt trội ở Đà Lạt và vùng phụ cận để phản ánh từng quy trình kỹ thuật canh tác, mong muốn tham khảo, vận dụng đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Khép kính quy trình sinh học
Bắt đầu thời điểm cuối năm 2015- đầu năm 2016, thị
trường rau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh duyên hải miền Trung bất ngờ
khan hiếm hàng dưa pepino mang thương hiệu Định Farm non trẻ, tọa lạc trên
đường Vòng Lâm Viên, phường 8, Đà Lạt. Mới hay người tiêu dùng sành điệu khi
cảm nhận được hỗn hợp của nhiều hương vị trong trái dưa pepino như sa pô chê,
mít, ổi, xoài, chuối…mà Định Farm đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để tạo
nên. Từ đó đến nay- tính đến thời điểm tháng 8/2017, Định Farm tiếp tục bổ sung
chế độ canh tác dưa pepino trên diện tích
mở rộng thành 3.000m², thu hoạch mỗi ngày cung
cấp cho khách hàng từ 150- 300kg. “Dưa pepino là một loại trái cây có nguồn gốc
Nam Mỹ, thu hoạch và giữ tươi trong căn bếp hộ gia đình với nhiệt độ từ 18- 35
độ C. Định Farm đang triển khai kế hoạch tăng diện tích dưa pepino xúc tiến
xuất khẩu theo nhu cầu của đối tác đến tham quan, đặt vấn đề hợp đồng…”, chủ
nhân Nguyễn Định (sinh năm 1986) cho biết.
Để tạo ra sản phẩm dưa pepino đặc
trưng rau ôn đới Đà Lạt, Định Farm đã mất nhiều “học phí” chính sự thất bại của
mình từ những lứa trồng đầu tay. Định nhớ lại: “Hồi đó trồng dưa pepino đến
tháng thứ 4, thứ 5 bước vào thu hoạch chỉ đạt năng suất tương đối trên 1/3 số
cây. Hoa rụng, không đậu trái; lá héo rũ trên cành, bệnh hại… là tình trạng xuất
hiện khá phổ biến hết đợt này đến đợt khác. Qua nhiều phương án đưa ra khắc
phục, Định Farm quyết định chọn phương án trồng thêm nhiều luống dưa pepino mới
với nhiều quy trình kỹ thuật khác biệt, sau đó chọn ra từng giai đoạn sinh
trưởng kết quả cao nhất để nhân rộng ngay trong khu vườn của mình…”
Lời giải canh tác dưa pepino đạt năng
suất và chất lượng cao của Định Farm gồm các yếu tố chính: bón lót phân hữu cơ,
đón nhận đủ lượng ánh sáng tự nhiên, tưới nhỏ giọt dưỡng nuôi đọt chính của cây…Đến
nay, Định Farm thực hành lời giải này thành một quy trình khép kín không chỉ áp
dụng cho cây dưa pepino mà còn áp dụng cho các loại cây rau ngắn ngày và dài
ngày khác như cà chua beef, cà chua siêu ngọt, ớt chuông, dưa leo, cải xoăn…trên
tổng diện tích lên đến 5ha nhà kính đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các loại rau ở đây
thay vì trồng đồng trà đồng vụ, Định Farm trồng theo hình thức cuốn chiếu, vừa tạo
môi trường đối kháng để ngăn chặn sâu bệnh gây hại vừa thu hoạch sản phẩm đa
dạng hàng ngày, hàng tháng theo nhu cầu khách hàng.
Cụ thể Định Farm phối trộn thành công
phân hữu cơ vi sinh từ vỏ trái cà phê với các loại phân bò, gà, dê…hoai mục, cùng
lên men từ chế phẩm sinh học, mỗi năm tự cung tự cấp 30m3 phân thành phẩm bón lót, cải tạo đất
trước khi xuống giống gieo trồng. Chủ nhân Nguyễn Định chia sẻ thêm: “Thu hoạch
xong một lứa rau phải dùng cơ giới cày đất lên tơi xốp phơi ải chừng một tháng,
tiếp theo bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê do Định Farm sản xuất, qua đó phân hủy
hết tàn dư thực vật còn sót lại trong đất, kết hợp cung cấp dinh dưỡng tái sinh
các loại vi sinh vật có lợi rồi mới chính thức bước vào sản xuất lứa rau mới…”
Trong mỗi thời vụ canh tác trong nhà
kính, Định Farm đều bố trí các thiết bị đo nhiệt độ ánh nắng mặt trời hấp thụ trong
ngày hoặc vận hành hệ thống quạt gió để phân phối thích nghi trên từng luống
rau. Đặc biệt đối với các loại rau dài ngày như: dưa pepino, ớt chuông, cà
chua, dưa leo…được áp dụng kỹ thuật “thả đọt chính” rồi treo thẳng phát triển
lên độ cao từ 3,5 - 4m. Những chồi đọt “thứ cấp” yếu ớt đều cắt bỏ, bảo đảm thông
thoáng trong toàn bộ khung cây. Đáng kể mỗi luống rau Định Farm đều theo quy
trình sản xuất VietGAP, trong đó áp dụng biện pháp sinh học phòng trừ dịch hại
xâm nhập bằng cách treo thành hàng bẫy dẫn dụ tiêu diệt sâu bệnh ở khu vực ngọn
rau, đồng thời trồng từng bụi rau mùi các loại xua đuổi côn trùng dưới khu vực
gốc rau như bạc hà, ngò tây, vạn thọ…
Ước tính trong một năm vừa qua, từ
hoa lợi canh tác sinh học khép kín với đa dạng các loại rau công nghệ cao, Định
Farm thu nhập khoảng hơn 2,5 tỷ đồng/ha.
Bỏ vỏ trấu, giữ xơ dừa
Cùng làm nông dân công nghệ cao ở
vùng sinh thái Đà Lạt, với chủ nhân Định Farm (anh Nguyễn Định, sinh năm 1986) thì
học đại học nông nghiệp, còn chủ nhân vườn dâu Tùng Nguyên (anh Nguyễn Thanh
Trúc, sinh năm 1975) làm người nông dân “ gốc sú” từ lúc lên tuổi mười lăm. Đức
tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi của người nông dân Đà Lạt đã được Nguyễn Thanh Trúc phát huy tích
cực, không quản ngại thử thách để tạo bứt phá làm giàu từ cây dâu tây
NewZealand do chính mình “Việt hóa” công nghệ sản xuất.
Kết quả 4 năm khởi nghiệp trở lại từ quê
hương Đà Lạt bằng cách chuyển đổi 2.000m² diện tích cà phê cằn cỗi ở khu vực Tây Hồ, phường 11
sang trồng dâu tây Newzealand theo tiêu chuẩn VietGAP nhà kính, anh Trúc đúc
kết kinh nghiệm nhân rộng diện tích ở phường 10 và xã Xuân Thọ thành một “cơ
ngơi” mới với tổng diện tích 9.000m², thu
lãi ròng trong năm vừa qua khoảng 2,5 tỷ đồng. Trúc cởi mở: “Cả 3 vườn dâu tây Newzealand
phải chấp nhận thất thu ít nhất nửa năm đầu tiên để đánh giá, chọn ra phương
pháp canh tác hiệu quả nhất trên mỗi khu vườn..”
Đến nay nông dân Đà Lạt hoặc khách du
lịch khắp nơi trong nước tham quan các vườn dâu Tùng Nguyên đều được chủ nhân
Nguyễn Thanh Trúc nhiệt tình trao đổi cách thức dưỡng nuôi dâu tây Newzealand đồng
loạt nở hoa, tạo trái ngọt thơm. Đó là loại bỏ chất liệu vỏ trấu, giữ lại xơ
dừa làm giá thể đảm bảo đủ độ ẩm nuôi rễ cây; treo máng giá thể cách ly mặt đất
từ 1,3- 1,5m; chỉ tách ngó cây (cây con mọc ra từ rễ cây mẹ) trong vườn ươm,
không được tách trong vườn sản xuất; ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất để theo
dõi; thu hái trái dâu trước 9 giờ sáng mỗi ngày…Tuy nhiên, 3 vườn dâu tây Newzealand
thuộc 3 khu vực địa hình khác nhau ở Đà Lạt, nên đây chỉ gồm kinh nghiệm chung;
còn kinh nghiệm riêng của từng vườn phải thiết kế nhà kính vừa đủ đón nắng, đón
gió vừa tránh thiệt hại trong mùa mưa lũ, gió lốc; lượng nước tưới nhỏ giọt hòa
tán phân bón tương ứng với mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây …“ Vì sản xuất
theo phương pháp thủy canh tĩnh, cam kết chất lượng sạch, nên dinh dưỡng bón phân
nhỏ giọt của vườn dâu chúng tôi đều mua
từ nguồn nhập khẩu các nước Đức, Hà Lan, Israel…”, Trúc dẫn chứng
Nhưng để kiến thiết những vườn rau công nghệ
cao như Định Farm, Tùng Nguyên nói trên, chủ nhân phải huy động đủ nguồn vốn
đầu tư ban đầu về nhà kính, hệ thống tưới tự động, các giếng khoan, thiết bị
điều hòa nhiệt độ…trên dưới 3 tỷ đồng/ha. Con số này hiện rất khó khăn tích lũy
để có được đối với thu nhập quân bình của người nông dân Đà Lạt nói riêng, nông
dân cả nước nói chung. Bởi vậy vấn đề tín dụng ưu đãi phát triển rau, hoa công
nghệ cao vẫn luôn đặt ra bức thiết, các cấp, ngành chức năng Lâm Đồng đang đề
xuất các phương án tháo gỡ hữu hiệu hơn…
THÁNG 8/2017