Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Rau, hoa công nghệ cao- Nhân rộng cách nào? Bài 5/ 3 giai đoạn và 6 bài học kinh nghiệm

VĂN VIỆT

Đến cuối tháng 7/2017, Lâm Đồng có 8/28 doanh nghiệp toàn quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 7 doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất hơn 247ha rau, hoa cao cấp, 

tọa lạc trên các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Kết quả này đã hiện thực hóa 3 giai đoạn chỉ đạo, điều hành chuyên đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng.  
Từ phê duyệt chương trình đến Nghị quyết chuyên đề
 Giai đoạn thập niên đầu năm 2000, việc phát triển những sản phẩm rau, hoa, dâu tây đặc thù của Đà Lạt và các vùng phụ cận được thể chế hóa bằng Quyết định số 56, ngày 02/4/2004 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2010. Theo đó, các mục tiêu hướng đến gồm: nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm rau, hoa, dâu tây đặc thù Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất. Sau 7 năm đầu tiên đưa chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến từng hộ sản xuất mô hình điểm, kết quả cuối năm 2010, doanh thu rau, hoa đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, tăng gần gấp 4 lần so với trước năm 2004.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn sản xuất, ngày 11/5/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2015. Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, kết quả giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào cuối năm 2015 đạt gấp 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt đã phát triển 10ha sản xuất giống rau, hoa, cây cảnh, hoa chậu cao cấp…đạt doanh thu trên 3tỷ đồng/ha/năm.
Đến ngày 11/11/2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 20% diện tích ứng dụng công nghệ cao, tầm nhìn năm 2025 có ít nhất 70% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Trong đó tập trung các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nhằm giảm diện tích có doanh thu dưới 50 triệu đồng/ha/năm và tăng diện tích đạt doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm.   
“Đến nay, Lâm Đồng tập trung thực hiện công tác quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách triển khai các chương trình, đề án, dự án thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại…Cụ thể, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện phát triển gần 50.000ha, chiếm hơn 17% tổng diện tích đất sản xuất. Trong đó đáng kể gồm 17.100ha rau và 3.600ha hoa công nghệ cao ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, chiếm tỷ lệ trên tổng diện tích canh tác lần lượt gần 88% và 94%. ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Những vùng rau, hoa công nghệ cao và 6 bài học kinh nghiệm
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch, xây dựng và đang tiến hành các thủ tục chứng nhận 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với gần 4.000ha. Trong đó gồm 5 vùng sản xuất rau với gần 840ha và 3 vùng sản xuất hoa với 180ha. Như địa bàn thành phố Đà Lạt có 2 vùng hoa 100ha ở phường 5, phường 12 và 1 vùng rau 100ha ở xã Xuân Thọ. Hoặc ở địa bàn thôn Lạc Lâm, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương với 2 vùng rau 400ha. Còn lại quy hoạch huyện Đức Trọng 1 vùng rau gần 240ha ở thôn K’Nai, xã Phú Hội và 1 vùng hoa hơn 80ha ở thôn K’Long, xã Hiệp An; quy hoạch huyện Lạc Dương 1 vùng rau 100ha ở xã Đã Sar.
Những vùng rau, hoa công nghệ cao được quy hoạch nêu trên đã và đang trình diễn những mô hình điểm về sử dụng thiết bị, dây chuyền kỹ thuật hiện đại. Đáng kể công nghệ ghép 100% giống cà chua kháng bệnh héo xanh trồng đại trà ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng, đồng thời nhân rộng kỹ thuật ghép đối với các loại cây họ cà khác như cà tím, ớt ngọt...
Tiếp theo với sử dụng công nghệ giá thể trồng trọt, hàng năm 200 vườn ươm Lâm Đồng sản xuất trên 2 tỷ cây giống rau, hoa thương phẩm và hơn 40ha canh tác ổn định các loại rau ăn lá, rau họ cà cao cấp. Hoặc công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng…với tổng diện tích ứng dụng 50ha rau, hoa và cây đặc sản ở Đà Lạt và vùng phụ cận, đã và đang tích cực phát huy hiệu quả. “Ngoài ra, Công ty Dalat Hasfarm đã sử dụng các loài thiên địch nhện bắt mồi Hypro, Amnlyseius sp. tiêu diệt côn trùng gây hại trên 30ha hoa cúc. Và hàng năm, Công ty Huyền thoại Toàn cầu nhập khẩu tuyến trùng về nhân nuôi trừ ruồi nhuế trên 1,5ha cây hoa tiểu quỳnh ở Lâm Đồng…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.
Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 7/2017, diện tích ứng dụng các công nghệ trồng rau, hoa đang phổ biến ở Đà Lạt và các vùng phụ cận đạt gần 3.800ha nhà kính (trong đó 50ha nhà kính nhập khẩu giá trị hơn 20 tỷ đồng/ha); 710ha nhà lưới; hơn 7.440ha màng phủ nông nghiệp; gần 22.200ha tưới tự động.    
Kết quả khảo sát cho thấy lợi nhuận đối với các loại rau nhà kính công nghệ cao Lâm Đồng từ 1,6 tỷ đồng đến gần 5 tỷ đồng/ha/năm; rau nhà lưới “lập đỉnh” hơn 960 triệu đồng/ha/năm. Và hoa nhà kính đạt lợi nhuận từ 1,6tỷ đồng (hoa cát tường) đến gần 5,5 tỷ đồng/ha/năm ( hoa lily); hoa nhà lưới ( hồng môn, địa lan) đạt lợi nhuận trung bình gần 2,7 tỷ đồng/ha/năm. 
Đúc kết kinh nghiệm nhân rộng rau, hoa công nghệ cao đạt giá trị vượt trội vừa nêu, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh 6 bài học. Thứ nhất, xác định vai trò của nhà nước về hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất. Các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ nông dân chủ động thực hiện. Thứ hai, xây dựng và triển khai quy hoạch phù hợp với điều kiện sinh thái, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Thứ ba, từng địa phương tổ chức sơ kết, đánh giá để chỉ đạo triển khai hiệu quả với từng giai đoạn phát triển. Thứ tư, phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp liên kết nông dân mở rộng quy mô sản xuất, định hướng thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu. Thứ năm, tập trung tạo điều kiện cho trang trại và hộ nông dân gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Thứ sáu, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương trong việc định hướng quy hoạch phát triển rau, hoa, tạo điều kiện nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp đặc thù, ban hành các chính sách ưu đãi nhà đầu tư nhập khẩu vật tư nhà kính, nhà lưới và trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận.    
Từ 6 bài học kinh nghiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất mỗi đơn vị hành chính cấp huyện thuộc các tỉnh, thành trong cả nước cần quy hoạch ít nhất 1 vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao khoảng 50ha, trong đó xây dựng 1 mô hình ứng dụng đồng bộ dây chuyền, thiết bị canh tác hiện đại với diện tích 0,5- 1ha để tổ chức hội thảo đầu bờ, thu hút đầu tư, từng bước chuyển giao quy trình và nhân rộng trên địa bàn .../.
THÁNG 8/2017