Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Tạo sinh thái mới cho cây điều

VĂN VIỆT
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng sau 2 năm tập trung triển khai các giải pháp tạo sinh thái mới cho cây điều phát triển bền vững, đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước nhân rộng trên địa bàn.  

Chủ động tái canh, ghép cải tạo vườn điều già cỗi
2 năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã mở 3 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây điều (nhân giống, tái canh, ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản..) cho gần 120 học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân tiêu biểu ở các địa bàn Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đam Rông, sau đó tổ chức 3 chuyến tham quan học tập tại những vùng canh tác điều trọng điểm ở Bình Phước. Với người nông dân, Chi cục đã triển khai hơn 100 lớp tập huấn chuyên đề kỹ thuật canh tác điều với hơn 4.300 lượt người tham gia, cấp phát 2.200 cuốn tài liệu…
          Đặc biệt, trong cùng thời gian trên, Chi cục đã chủ trì phối hợp bình tuyển gần 40 cây điều đầu dòng trên 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, sau đó khai thác chồi và tiến hành ghép, nhân lên 420 cây giống đầu dòng cung cấp cho chương trình tái canh cây điều tại địa phương. Kết quả, đã ghép cải tạo hoàn thành hơn 380ha. Nông dân thực hiện mô hình được hỗ trợ chồi giống ghép, công ghép, dây ghép và thuốc bôi vết ghép. Thời điểm nghiệm thu (45 ngày sau ghép), tỷ lệ chồi ghép sống đạt từ 62% đến 75%... Riêng trong năm 2016 còn triển khai ghép bổ sung, ghép dặm gần 140ha, tỷ lệ chồi ghép sống tại Đạ Tẻh 85%, Cát Tiên 50%. 
Ngoài ra, còn hỗ trợ cải tạo hơn 8ha điều tại huyện Đạ Huoai bằng cách cưa toàn bộ số cành trên cây hoặc cưa nửa tán để kích thích mọc chồi, sau 2 -3 tháng tiến hành ghép, tỷ lệ chồi ghép sống sau 5 tháng đạt gần 37%. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tái canh được hơn 2.200ha điều, đạt gần 140% kế hoạch. Tỷ lệ cây điều sống tại các diện tích tái canh khoảng 93%, trong đó sinh trưởng tốt gần 42%. Đến nay cây điều tái canh phần lớn phát triển 10 – 15 cành thứ cấp, chiều cao 1,5m – 2m.
Trước đó, từ tháng 10/2015, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông và chính quyền địa phương triển khai 35 mô hình thâm canh, ghép cải tạo cây điều. Trung bình 5 ha/mô hình, tổng diện tích mô hình 175 ha  với gần  230 hộ tham gia.  Các biện pháp kỹ thuật tác động tại mô hình gồm: tỉa thưa đối với các vườn mô hình điều có mật độ quá dày để đảm bảo mật độ dưới 180 cây/ha. Tỉa bỏ các cành chạm mặt đất, cành nằm trong tán, cành khô, cành sâu bệnh để đảm bảo vườn thông thoáng, đủ ánh sáng cho cây điều sinh trưởng, tạo chồi phục vụ ghép cải tạo.
    Năng suất điều tăng so với đối chứng từ 4 – 11.5 tạ/ha.
Niên vụ điều năm 2015 – 2016, do thời điểm ra hoa đậu trái bị ảnh hưởng của không khí lạnh, nên nhiều vườn bị khô bông, vì vậy năng suất đạt thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên nhờ được đầu tư, hỗ trợ phân bón, các chế phẩm kích thích ra hoa, đậu trái kết hợp với các biện pháp tỉa cành, tạo tán nêu trên, kết quả năng suất các mô hình đều cao hơn so với đối chứng từ 4,0 tạ/ha (Đam Rông) đến 6,5 tạ/ha (Đạ Tẻh),  7,1 tạ/ha (Cát Tiên) và 11,5 tạ/ha (Đạ Huoai), tương ứng với năng suất trung bình từ 7,5 - 16,3 tạ/ha.  
Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hỗ trợ thành lập mới 8 tổ hợp tác trồng điều trên địa bàn 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, bước đầu đã xây dựng liên kết từ khâu cung cấp vật tư nông nghiệp và tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thu mua, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, trong niên vụ 2015 - 2016, 8 tổ hợp tác đã tiến hành sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ 1.600 tấn điều.  
Đến năm 2020, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục đầu tư tái canh, ghép cải tạo đạt diện tích 8.880 ha, năng suất bình quân 12 - 15tạ/ha. Về công tác giống sẽ tiến hành trồng thử nghiệm các dòng ra hoa muộn tại các vùng như Đam Rông, Đạ Huoai để thu hoạch mùa trái vụ. Ở những vườn điều già cỗi (hơn 20 năm), hoặc trồng bằng cây thực sinh, giống cũ, nhiều sâu bệnh, bộ rễ phát triển kém không còn khả năng phục hồi thì tiến hành chặt bỏ, tái canh bằng giống điều mới đúng quy trình kỹ thuật, có thể tiến hành đồng loạt hoặc cuốn chiếu. Đối với vườn điều cây giống thực sinh không đồng đều, năng suất thấp thì nên tiến hành ghép cải tạo bằng giống mới từ các cây đầu dòng hoặc các cây có các đặc điểm tốt được tuyển chọn tại các địa phương.
Đồng thời với việc bố trí các nguồn vay vốn ưu đãi trung hạn để tạo điều kiện cho nông dân thâm canh, Lâm Đồng dự kiến hỗ trợ 80% giá trị cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, được sản xuất từ các đơn vị cung ứng giống có chứng nhận và  100 % chồi giống, dây ghép, công cắt cành và ghép cải tạo những diện tích điều thực sinh, năng suất thấp… nhằm đạt mục tiêu tái canh 8.880 ha điều đến năm 2020 vừa nêu./.
THÁNG 12/2016