VĂN VIỆT
Từ sản xuất
an toàn đến quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ, doanh nghiệp Long Đỉnh ở xã
Phúc Thọ, Lâm Hà đã liên kết nông dân chuyển đổi sản xuất theo chuỗi giá trị
gia tăng đối với cây chè ô long, qua đó ổn định việc làm và cải thiện thu nhập
cho người lao động.
Khởi động
quy trình hữu cơ
Tại hội nghị giới thiệu các tiến bộ ứng dụng nông
nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng mới đây, anh Hồ Tất Và, Giám đốc Công
ty cổ phần Long Đỉnh cho biết đang áp dụng quy trình sản xuất chè ô long theo
hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 60ha ở các xã Phúc Thọ, Hoài Đức, Liên
Hà…thuộc huyện Lâm Hà. Theo đó, bên cạnh việc bón phân hữu cơ chế biến tại chỗ
và áp dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ bệnh hại, Công ty Long Đỉnh
đã có bài tham luận tại hội nghị, trình bày quy trình giám sát tưới tiêu trên
đồng chè hữu cơ bằng hệ thống mạng cảm biển không dây. Qua đó, lượng nước tưới
từng thời điểm đều được hệ thống tự động kiểm soát với các thông số phù hợp
nhất. Kết quả tưới chuẩn xác giúp cây trồng phát triển mạnh hơn, giảm thiểu
đáng kể tình trạng rửa trôi phân bón so với phương pháp tưới tràn vào gốc như
trước đây, đặc biệt hệ thống cảm biến luôn điều chỉnh “tần suất” tưới để đạt
dinh dưỡng cao nhất cho cây, đồng thời còn có hệ thống dự báo thời tiết và
khuyến cáo các giải pháp ứng phó hữu hiệu.
Với nhìn nhận “áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông
nghiệp là chìa khóa của thành công ”, đến nay, Công ty Long Đỉnh đã đầu tư hơn
20 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh dây chuyền nhà máy chế biến chè ô long chất
lượng cao tại xã Phúc Thọ, Lâm Hà, đạt công suất bình quân 4 tấn chè búp
tươi/ngày. Sản phẩm chè ô long chế biến khoảng 80% xuất khẩu sang Đài Loan; 20% tỷ lệ còn lại tiêu thụ thị trường nội địa.
Trong năm 2016, công ty đạt tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, tiếp tục giải
quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Phấn đấu đến năm 2020, Công ty Long Đỉnh liên kết với
nông dân huyện Lâm Hà và các vùng lân cận để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất
chè ô long theo hướng hữu cơ lên đến 100ha.
Xuất phát với 4ha chè an toàn
Công ty TNHH Long Đỉnh đang gần bước vào tuổi thứ 10
ra đời trên đất Phúc Thọ, Lâm Hà. Xuất phát điểm ban đầu với 4ha trồng chè ô
long 5 năm trước đó, tọa lạc trên các vùng đất khác nhau ở huyện Lâm Hà. Giám
đốc công ty, ông Hồ Tất Và nhớ lại: “Sau nhiều năm canh tác các giống chè cành
ô long nhập về từ Đài Loan, chúng tôi thấy rằng các vùng sinh thái đất đồi thấp
ở huyện Lâm Hà rất thích hợp để hợp tác cùng nông dân phát triển thành một vùng
nguyên liệu sản xuất tập trung và sản xuất chất lượng cao với giá trị sản phẩm tương
đương với sản phẩm sản xuất tại Đài Loan. Qua thời gian tiếp cận với các quy
định của pháp luật nhà nước thuộc các lĩnh vực liên quan đến hợp tác đầu tư về doanh
nghiệp, lao động, thuế, an toàn thực phẩm, bảo hiểm xã hội...chúng tôi nắm bắt
được những cơ chế, chính sách thông thoáng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục
cấp phép, chính thức đi vào triển khai đầu tư dự án giúp nông dân chuyển đổi từ
cây cà phê già cỗi, hiệu quả kém sang cây chè ô long lợi nhuận cao ở vùng đất
Phúc Thọ, Lâm Hà…”
Sau khi “vận hành” vài héc ta diện tích liên kết trồng
chè ô long đầu tiên với nông dân Phúc Thọ, Lâm Hà đạt hiệu quả rõ nét, Công ty
TNHH Long Đỉnh quyết định đầu tư dự án “3 trong 1” gồm mở rộng hợp tác sản xuất
với nông dân, hiện đại hóa dây chuyền máy móc chế biến và phát triển thị trường
xuất khẩu sang Đài Loan. Theo đó, hàng tuần, hàng tháng nông dân sản xuất các
giống chè ô long của công ty cung cấp, được đội ngũ kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp
trực tiếp hướng dẫn các quy trình kỹ thuật từ khâu xuống giống, chăm sóc đến
khâu thu hoạch, đồng thời được đầu tư ứng trước nguồn giống, phân bón và các
loại vật tư khác...
Khi vào thời
điểm thu hoạch và bao tiêu sản phẩm chè ô long, công ty còn hỗ trợ nông dân thu
hái và bố trí phương tiện vận chuyển sản phẩm từ đồng chè đến nhà máy chế biến của công ty,
đảm bảo sản lượng chè nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao nhất. “Trong 6 năm
qua, công ty chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn huyện Lâm Hà chuyển giao kỹ thuật sản xuất chè ô long theo hướng VietGAP
cho 55 hộ nông dân các xã Phúc Thọ, Hoài Đức, Liên Hà…trên diện tích 60ha. Đặc
biệt nguồn cây giống chè ô long trồng mới, được vốn nhà nước hỗ trợ 60%; công
ty chúng tôi hỗ trợ 40%...”, Công ty Long Đỉnh cho biết.
Với giải pháp đầu tư “3 trong 1” vừa nêu, kết quả “ ..được
sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, năm
2011, công ty chúng tôi đã áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
VietGAP và được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 cấp Giấy nhận đến
nay gần 18ha chè ô long liên kết với nông dân, đạt sản lượng 320 tấn búp
tươi/năm. Từ khi áp dụng VietGAP đến nay, từng hộ nông dân liên kết bắt buộc ghi
nhật ký sản xuất hàng ngày, nên đã tạo điều kiện cho công ty kiểm soát chặt chẽ
việc sử dụng phân bón đúng liều lượng, thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho
phép, đảm bảo thời gian cách ly thu hoạch sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh
thực …”, bản tham luận đánh giá.
Hạch toán trong vài năm gần đây, Công ty TNHH Long
Đỉnh đã tăng thu nhập cho hộ nông dân liên kết sản xuất chè ô long ở Lâm Hà vượt
lên gấp nhiều lần so với sản xuất cà phê trước đây trên cùng một diện tích./. THÁNG 12/2016