VĂN VIỆT
Hàng tuần với 50.000 cành hoa cẩm chướng
thu hoạch tại thôn Ấp Lát, xã Đạ Sar, Lạc Dương đạt chất lượng xuất khẩu sang
thị trường Nhật Bản, đã nâng doanh thu trên đơn vị diện tích đất Nông trại Việt
Lạc lên đến 3- 3,5 tỷ đồng/ha/năm.
Giống, công
nghệ và khách hàng Nhật
Trong chuyến làm việc với tỉnh Lâm Đồng cuối tháng
10/2016 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng dẫn
đầu Đoàn Công tác đã đến thăm Nông trại Việt Lạc chuyên canh hoa cẩm chướng bản
quyền của nước Nhật. Nông trại với diện tích 2ha tọa lạc dưới sườn đồi Ấp Lát qua
nhiều giai đoạn thâm canh từ các loại cây rau, màu ngắn ngày đến cây cà phê
catimor dài ngày theo kinh nghiệm đã cũ, nên thường mang lại hiệu quả kinh tế
thiếu ổn định. Sau hơn 2 năm (2015- 2016) chuyển đổi toàn bộ 2ha diện tích đất này
sang trồng hoa cẩm chướng nhà kính theo công nghệ và thị trường Nhật Bản, Nông
trại Việt Lạc đã tạo ra một bước đột phá cả 3 tiêu chí về năng suất, chất lượng
xuất khẩu và lợi nhuận. Đoàn Công tác đánh giá cao về tinh thần sáng tạo khởi
nghiệp từ hoa cẩm chướng Nhật ở Nông trại Việt Lạc, đồng thời đặt ra hướng tiếp
cận, chuyển giao công nghệ cho nông dân trồng hoa trên vùng đất địa hình cao thuộc
các huyện ngoài thành Hà Nội.
Anh Vương Việt Nam
(sinh năm 1978), chủ Nông trại Việt Lạc chia sẻ: Giữa năm 2014, Nam cùng những
người thân trong gia đình huy động một nguồn vốn tương đối rồi quyết định vào vùng
phụ cận Đà Lạt làm nghề trồng hoa. Bước vào sản xuất, Nam đầu tư tất cả 2,5 tỷ
đồng xây dựng 2 căn nhà kính và các thiết bị “phụ trợ” trên diện tích 1ha trồng
các giống hoa cẩm chướng “phổ thông” như những hộ nông dân khác ở thôn Ấp Lát,
xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Sau hơn một năm đầu tiên thu hoạch đạt một khoản lãi
nhất định, Nam chuẩn bị cải tạo đất trồng lứa hoa cẩm chướng tiếp theo thì gặp
một đối tác người Nhật bày tỏ mong muốn liên kết. Nắm bắt cơ hội làm ăn mới,
Nam tích cực trao đổi với đối tác người Nhật, sau đó nhanh chóng đi đến thỏa
thuận chuyển đổi sang trồng hoa cẩm chướng bản quyền theo hướng ổn định, lâu
dài.
Theo đó, các điều kiện cam kết giữa Nam với đối tác người Nhật gồm: sản xuất nguồn
giống hoa cẩm chướng bản quyền, công nghệ canh tác và khách hàng tiêu thụ đều
là của người Nhật; phần diện tích đất, vốn đầu tư, tổ chức lao động…là trách
nhiệm của bên Nam .
Bắt tay thực hiện liên kết, Nam phải đầu tư thêm 500 triệu đồng nữa, nâng tổng
số kinh phí 3 tỷ đồng mới hoàn chỉnh khu nhà kính 1 ha sản xuất hoa cẩm chướng theo
bản quyền và đúng quy trình của Nhật. “ Với tất cả gần 20 giống hoa cẩm chướng
nhập từ Nhật Bản, Nông trại Việt Lạc thực hành kỹ thuật dưới sự hướng dẫn và
giám sát trực tiếp của chuyên gia người Nhật. Khi thu hoạch 100% sản phẩm hoa
đều xuất sang thị trường Nhật. Nếu vì một lý do nào đó để những cây giống hoa cẩm
chướng bản quyền người Nhật đem ra trồng ở những hộ nông dân khác; hoặc những
bó hoa cẩm chướng của Nông trại Việt Lạc bán ra thị trường nội địa thì phải
chịu phạt vi phạm hợp đồng một khoản tiền rất lớn…”-Chủ nông trại Vương Việt
Nam cho biết.
Hợp đồng năm đầu tiên triển khai đạt được những kết
quả quan trọng, Nam
đầu tư thêm 3tỷ đồng xây dựng mới 1ha nhà kính trồng hoa cẩm chướng bản quyền
theo công nghệ Nhật, nâng tổng số diện tích đến nay 2ha. Hiện năng suất thu
hoạch hàng tuần 50.000cành hoa cẩm chướng đạt các tiêu chuẩn chất lượng xuất
khẩu sang thị trường Nhật, giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với những giống
hoa cẩm chướng đang trồng phổ biến ở địa phương.
Mua bản
quyền và liên kết nông dân
Tiếp cận một vòng 2ha hoa cẩm chướng nhà kính bản
quyền ở Nông trại Việt Lạc, tôi ghi nhận nhiều công đoạn sản xuất theo kỹ thuật
người Nhật khác biệt với những vườn hoa cẩm chướng thông thường ở Đà Lạt và các
vùng phụ cận. Đó là 2 giàn tưới nước tiết kiệm gồm 1 giàn đặt ngầm dưới đất để
tưới nhỏ giọt và 1 giàn treo trên cao để tưới phun mưa. Nam “thuyết minh” 2 giàn tưới
thường xuyên vận hành cùng lúc ở tháng đầu tiên xuống giống trồng mới. Những
thời điểm còn lại trong năm thì 2 giàn tưới xen kẽ với nhau, kết hợp bón phần nhiều
lượng phân hữu cơ, vi sinh; phần ít hơn còn lại bón phân hóa học.
Bên cạnh đó, bao quanh 4 bức tường nhà kính bên trong
đều giăng 4 đường bẫy sinh học dẫn dụ côn trùng, nhằm góp phần hạn chế thấp
nhất lượng thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng. Và mật độ trồng trung bình 150.000
cây/ha, trên mỗi luống đất đắp cao cho khô ráo, trên đó đan kết từng hàng ô
lưới giữ từng hàng hoa cẩm chướng phát triển thẳng tắp theo yêu cầu xuất khẩu
sang Nhật.
Ở khu vực phân loại, đóng gói sản phẩm hoa cẩm chướng
của Nông trại Việt Lạc khá nhịp nhàng và thành thục. Nhờ chăm sóc tỷ mỷ từng
ngày sinh trưởng của cây, đến khi thu hoạch hầu hết đạt độ cao, thẳng của cành,
kích thước và độ nở của hoa, màu xanh mướt của lá… đã giúp người lao động sơ
chế khá nhanh chóng trong buổi sáng mỗi ngày.
“Nông trại Việt Lạc chúng tôi đang duy trì việc làm
quanh năm cho 20 công nhân. Mục tiêu trong những năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư
mua bản quyền dài hạn từng loại giống hoa cẩm chướng, sản xuất theo quy trình
công nghệ Nhật Bản để liên kết nhân rộng đến nhiều hộ nông dân quanh vùng nói
riêng, nông dân các vùng chuyên canh hoa trong nước nói chung, góp phần tạo
thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương…”- chủ nông trại Vương
Việt Nam định hướng.
THÁNG 11/2016