VĂN VIỆT
Trước nhu cầu chất lượng nguồn giống cây
công nghiệp dài ngày như chè, cà phê…ngày càng cao, Trung tâm Nghiên cứu thực
nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đang đề xuất những giải pháp về tăng cường quản
lý nhà nước kết hợp với hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các cơ sở vườn ươm đáp ứng các điều
kiện về quy mô diện tích, kỹ thuật chăm sóc, khắc phục những bất cập đang tồn
tại hiện nay…
Mới hơn 55% cây giống có chứng nhận nguồn
gốc
Điều tra của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm
nghiệp Lâm Đồng cho thấy: Hầu hết vườn ươm cây giống công nghiệp trong tỉnh Lâm
Đồng sản xuất trên diện tích tập trung chủ yếu ở 2 địa bàn huyện Bảo Lâm và
thành phố Bảo Lộc. Các địa bàn còn lại phần lớn cơ sở vườn ươm với diện tích
phân tán, nhỏ lẻ, thậm chí không ít cơ sở sản xuất tự phát kéo dài liên tục
nhiều năm liền.
Chưa kể, việc chọn lựa các mầm chồi, hạt giống gieo
cây gốc ghép từ những diện tích, năng suất thấp đưa về vườn ươm đại trà, thực
hiện các chế độ đầu tư chăm sóc theo kinh nghiệm lỗi thời, nhưng vẫn đang diễn
ra ở nhiều cơ sở sản xuất, dẫn đến chất lượng cây giống công nghiệp cung cấp
trên thị trường Lâm Đồng không đồng đều, người nông dân vẫn thường nhầm lẫn khi
chọn lựa những cây giống tốt thành cây giống xấu, không phù hợp với các điều
kiện canh tác của mình.
Trung tâm này cũng đã dẫn chứng những tỷ lệ đánh giá
về cơ sở sản xuất cây giống công nghiệp đáng quan tâm trên địa bàn Lâm Đồng. Đó
là tỷ lệ đạt cao nhất mới hơn 55% cơ sở sản xuất cây giống công nghiệp được
công nhận nguồn gốc đạt tiêu chuẩn đầu dòng. Rồi số cơ sở đăng ký sản xuất kinh
doanh cây giống hợp pháp lại chỉ đạt tỷ lệ trung bình 47%, trong đó 2 địa bàn
sản xuất cây công nghiệp trọng điểm là Bảo Lộc và Di Linh còn hạ thấp tỷ lệ này
xuống còn 16 - 40%.
Trong khi đó, chiếm tỷ lệ hơn 50% thuộc về những
khuyến cáo trong sản xuất cây giống công nghiệp cần khắc phục như: hơn 61% mầm
chồi cà phê vối khai thác từ những khu vườn chưa đăng ký chứng nhận cây đầu
dòng; 63,5% số cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp thiết kế bầu đất ươm có
kích thước chiều rộng 10- 12cm, chiều cao 19-21cm, nhỏ hơn so với tiêu chuẩn
10TCVN- 479 lần lượt là 2- 3cm và 4cm. Riêng 2 địa bàn Bảo Lộc và Bảo Lâm, kích
thước bầu ươm cây giống trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu
chuẩn lên đến tỷ lệ từ 62- 90%.
Đáng lưu ý thêm, nguồn gốc giá thể đất đóng bầu ươm giống
cây công nghiệp chiếm tỷ lệ 10- 23% sử dụng đất cũ bạc màu trong vườn cà phê và
vườn chè; thậm chí có đến 63,5% sử dụng giá thể đất đang bỏ hoang. Đây là một
trong những nguyên nhân phát sinh nhanh chóng các loại tuyến trùng và nấm nhiễm
bệnh lở cổ rễ, thối rễ với mức gây hại nặng trong vườn ươm mùa mưa, mật độ cây
giống gieo ươm quá dày, không tạo ra các rãnh thoát nước kịp thời…
Chất lượng cây giống kém, thiệt hại đến
3 năm
Từ thực trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm
nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã nhận định những bất cập trong hoạt động sản xuất-
kinh doanh giống cây công nghiệp trên địa bàn là: “Các cơ sở sản xuất- kinh
doanh giống cây công nghiệp tư nhân phân bổ phần nhiều ở 2 địa bàn Bảo Lộc và
Bảo Lâm; phần ít hơn tập trung ở 3 địa bàn Di Linh, Đức Trọng và Lâm Hà. Ở đây
đang bộc lộ những bất cập phổ biến trước hết ở cơ sở ít chú trọng kiểm tra nấm
bệnh hại rễ trước khi đưa ra sản xuất, dẫn đến nhiều nguy cơ lây bệnh từ vườn
ươm cây giống ra ngoài vườn sản xuất. Hơn nữa, do đầu tư ngắn hạn và có tính tạm
thời, khiến nhiều vườn ươm hiện đang hoạt động trong điều kiện không đảm bảo
các chỉ tiêu kỹ thuật về độ ẩm, ánh sáng, hệ thống thoát nước…Và nghịch lý với
các cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất đúng chủng loại, đạt tiêu
chuẩn chất lượng cây giống thì sản phẩm cạnh tranh lại rất khó khăn do chi phí
đầu tư lớn… ”
THÁNG 12/2016