VĂN VIỆT
Gần cả ngàn
câu chữ thư pháp và khoảng trăm mét vuông không gian tạo hình “kỳ quái”, Quán
Cà phê Kỳ Ngộ 2 trên đường Trạng Trình, Đà Lạt đã lôi cuốn hàng chục con người
hàng ngày tìm đến cùng sẻ chia tâm trạng...
10.000 đồng
giải tỏa tâm trạng buồn lo
Sáng cuối tuần Đà Lạt mưa bay, ngồi bên khung cửa Quán
Cà phê Kỳ Ngộ 2 của chủ nhân Ngô Kỳ Vinh (60 tuổi) với nhiều cảm nhận khác lạ. Thành
phố cao nguyên vào đông, mây trắng giăng phủ trên những mái nhà kính nhấp nhô. Xa
xa dãy Langbiang vẫn đang ngái ngủ trong màn sương bạc. Quán mở cửa từ 7 giờ
sáng mỗi ngày nên chủ nhân Ngô Kỳ Vinh quen thức dậy lúc 5 giờ sáng để xay hạt
cà phê nhân nguyên chất thành bột cà phê và bật lửa nấu nước sôi để pha chế theo
yêu cầu của khách. Và không quên lướt qua một vòng thư pháp để kiểm tra, tô đậm
thêm những dòng chữ đã phai mực cho khách dễ thấy, dễ đọc, dễ in vào lòng…Đặc
biệt, chủ nhân Vinh rất tâm huyết với hàng chục hình dáng ma do mình tạo dựng, sắp
xếp theo từng vị trí ăn khớp với từng chủ đề, nhằm kết nối những gam màu ánh
sáng biến ảo theo dòng âm thanh giống như tiếng gió hú, tiếng suối lúc róc
rách, lúc dào dạt sẵn lòng chảy trôi đi những tâm trạng phiền muộn, âu lo của thế
nhân ngồi đây.
Anh Lê Đỗ Hoàng Việt, một người làm công việc kỹ thuật
nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã hơn 3 năm kể từ ngày Quán Cà phê Kỳ
Ngộ 2 ra đời, anh thường hay ngồi thật lâu trước hết vì sự hấp dẫn của vị đắng
đậm 10.000 đồng giá không đổi một ly cà phê không pha trộn hương liệu, không phẩm
màu và không chất bảo quản. Sau nữa, anh kỹ sư nông nghiệp trẻ này bỗng đã trở
thành một người bạn cùng tâm đắc thư pháp với ông chủ quán 60 tuổi lúc nào
không hay. Như những câu chữ trao qua đổi lại giữa kỹ sư Việt và chủ quán Vinh
rồi đồng tình chép lên trên vách tường, dưới chân ghế, bên lối đi…đã dần dần
len lỏi, thấm sâu vào tâm trí của lữ khách: “Làm việc thiện càng ngày càng
phát. Làm việc ác càng lúc càng suy ”; “Một cũng chấp, hai cũng cũng chấp. Chấp
chứa trong lòng chi cho khổ…”; “Thong dong tất dạ dậy mà vui…”
Chủ quán Ngô Kỳ Vinh kể lại, đã có khá đông nam, nữ
thanh niên đến Quán Cà phê Kỳ Ngộ 2 của ông với 10.000 đồng giá một ly cà phê
và tất cả các loại ly nước giải khát khác để đọc chậm, chiêm nghiệm những câu
thư pháp và những cuốn sách nói về đạo làm người, có khi từ sáng sớm đến chạng
vạng tối mới về. Trong đó có trường hợp nữ thanh niên khoảng 30 tuổi, ngồi lại
bên ông Vinh tâm sự: “ Chú ơi. Cháu thật buồn vì công việc làm ăn gặp thất bại này
đến thất bại. Về nhà thì người thân cháu cứ la mắng cháu hoài. Cuộc sống như
vậy, cháu chán quá chú ơi…” Nghe hết từng lời bộc bạch, chủ quán Kỳ Vinh dẫn cô
ấy đến gần bên các câu thư pháp và bảo đọc đi đọc lại nhiều lần: “ Ngoảnh nhìn
lại cuộc đời như giấc mộng. Được, mất, bại, thành bỗng chốc hóa như không…” Tiếp
theo, ông Vinh cầm cuốn sách “Quẳng gánh lo âu và vui sống” đưa trong tay cô ấy rồi bảo “ Cuộc sống này
còn có nhiều người bất hạnh hơn mình, nhưng họ vẫn vui sống đó sao…”
Một tuần sau, cô gái ấy trở lại Quán Cà phê Kỳ Ngộ 2
và gặp chủ quán Kỳ Vinh với tâm trạng phấn chấn hẳn lên: “Cám ơn chú nhiều lắm.
Cháu đã thay đổi suy nghĩ tích cực hơn…” Tương tự, chủ quán Kỳ Vinh đã sử dụng
những câu thư pháp “Con cháu hiếu nghĩa thì gia đình hưng thịnh. Anh em đoàn
kết thì mọi sự vui”; “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Cuộc đời như nước chảy bèo
trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời…” để chữa trị
hiệu quả không ít trường hợp từ người trẻ tuổi vào đời đến người tuổi già cuối
đời bất chợt mắc bệnh tâm lý hoang mang cuộc sống…
“Hãy cứ yêu đời mà sống…”
Với diện tích 200 mét vuông, Quán Cà phê Kỳ Ngộ 2 phân
chia nửa diện tích bán cà phê, nước giải khát giữa rừng chữ thư pháp và một nửa
diện tích phân chia thành 8 phòng ma. “Mời anh vào gặp ma từng phòng. Nếu anh
sợ ma thì vào trong gặp ma là…hết sợ !” Chủ quán Kỳ Vinh tạo sự ngạc nhiên cho
tôi ngay từ lời giới thiệu.
Căn phòng đầu tiên với nhiều hình thù ma quái…phát đi
thông điệp bảo vệ an toàn tính mạng con người: “Mẹ dặn con khi say xỉn không
lái xe, không quậy phá, không làm phiền người khác… ” Đến phòng kế bên gồm
những thây ma cờ bạc với lời nhắn nhủ cho người trần thế hãy tránh xa tệ nạn
“bác thằng bần”: “ Khi còn trẻ, bạn thường đến sòng bài để chơi, thì khi về
già, bạn đến sòng bạc để xin…ở đợ”.
Những phòng ma còn lại gửi gắm giá trị tình nghĩa anh
em, bè bạn, sự hiếu thảo với ông, bà, cha mẹ, tấm lòng thủy chung chồng- vợ…rất
quý báu, mong người đời hãy trân quý, giữ gìn. Minh họa đối ngược những hình thù
ma bị xử phạt tội bất hiếu rất khắc nghiệt là các lời lẽ nhẹ nhàng ghi giữa
dòng điện nhiều màu chớp sáng: “ Ở đời thiếu bạn tri âm. Như cây thiếu nắng như
trầm thiếu hương”; “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”; “Hãy cứ yêu đời mà
sống”; hoặc nhìn nhận về cách ứng xử lịch sự giữa người với người qua câu “Trước
mặt đàn ông chửi thề là một tật xấu. Trước mặt phụ nữ chửi thề thì tự giới
thiệu mình là một người không đàng hoàng. Trước mặt trẻ em chửi thề là một tội
ác…”
Tôi băn khoăn về mục đích đầu tư Quán Cà phê Kỳ Ngộ 2
có ma và bán cà phê, nước giải khát đồng giá 10.000 đồng với bất kỳ một ly nước
nào như vậy, chủ quán Ngô Kỳ Vinh cười hiền: “ Tôi sinh ra ở đất Sài Gòn. Những
năm 80 của thế kỷ trước, tôi có công việc thường xuyên ở Đà Lạt và từ đó tôi đã
yêu thích đất trời và con người thành phố cao nguyên này. Nhưng mãi đến hơn 3
năm trước, tôi mới đủ điều kiện mua căn nhà nhỏ trên đường phố Trạng Trình, sửa
chữa thành quán cà phê thư pháp có hình ma đến nay, mong muốn tạo thêm một điểm
giao lưu cho du khách và người Đà Lạt theo cách riêng của mình…”/.
THÁNG 11/2016