VĂN VIỆT
Hơn 15 năm, nông dân Lê Văn Hải ở Thái
Phiên đã tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, “nhân bản” thành công gần 10 giống hoa
cúc sạch bệnh, cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng canh tác đạt năng
suất và chất lượng cao…
“Trẻ hóa” từng giống hoa cúc Thái Phiên
Mùa hoa cúc đón tết Đinh Dậu 2017, khách hàng nhà vườn
sản xuất kinh doanh từ các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ đặt mua giống hoa
cúc các loại từ vườn ươm cây cấy mô của anh Lê Văn Hải (sinh năm 1969) ở Làng
hoa Thái Phiên, Đà Lạt liên tục trong 4 tháng 7, 8, 9, 10 âm lịch, trung bình
mỗi tháng thanh toán tiền mua hơn 1 triệu cây. Nếu giống hoa cúc của anh Hải trồng
ở Đà Lạt thu hoạch cắt cành thì hoa cúc trồng ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ
trong chậu đất nhằm giữ hoa tươi đón tết hàng năm kéo dài đến gần hết tháng
giêng.
Theo anh Hải,
đến nay có tất cả khoảng 10 giống hoa cúc được anh chọn tạo trên các đồng hoa
Đà Lạt đưa về làm “đỉnh sinh trưởng” cấy mô và nhân giống bán ra mỗi năm hơn 20
triệu cây, chiếm hơn 80-90% bán ra cho nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận; còn
lại 10- 20% bán ra ngoài tỉnh Lâm Đồng. Đây là những giống hoa cúc định canh
lâu năm ở Đà Lạt, qua công nghệ cấy mô thực vật đã “trẻ hóa” thành dòng cây mới
có khả năng đề kháng nhiều loại sâu bệnh gây hại kinh niên làm cây héo rũ, cằn
cỗi, già nhanh, ra hoa màu sắc nhợt nhạt như: nhện đỏ, bọ trĩ, rỉ sét, héo rũ...,
đồng thời cho hoa thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao hơn nhiều so với các
giống cây cũ đã thoái hóa…
Để đạt kết quả sản xuất ổn định nguồn giống hoa cúc
hôm nay, nông dân Lê Văn Hải đã nỗ lực vượt khó, tự học hỏi nhân giống cấy mô
từ nhiều nguồn tài liệu, sách báo rồi tìm đến những cơ sở cấy mô của nhà nước
và tư nhân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng xin được tiếp cận kỹ thuật hiện đại. Khi
có một kỹ sư công nghệ sinh học nhận lời mời về nhà hướng dẫn, chuyển giao kỹ
thuật cấy mô, cách đây hơn 15 năm, nông dân Lê Văn Hải mới chính thức xây dựng
một phòng cấy mô 50 mét vuông tại nhà riêng ở số 46, Bế Văn Đàn, phường 12, Đà
Lạt (Làng hoa Thái Phiên).
“Tôi học xong phổ thông trung học rồi về nhà làm vườn
trồng chuyên canh hoa cúc các loại trong nhà kính. Trồng nhiều năm bằng cây cách
giâm đọt cây giống hoa cũ đã thoái hóa khiến sâu bệnh phát triển ngày một nhiều,
trong khi ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực
vật. Mong muốn có một nguồn cây giống khỏe mạnh, tôi quyết định đầu tư ra đời
phòng cấy mô đầu tiên 50 mét vuông từ hơn 15 năm trước, đến nay mở rộng thành
100mét vuông. Từ năm 2017 trở đi, tôi dự kiến sẽ tiếp tục xây mới thêm mỗi năm
khoảng 50 mét vuông phòng cấy mô …”- nông dân Lê Văn Hải nói.
Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc nhiều
năm liền
Đáng ghi nhận ở nông dân Lê Văn Hải là sản xuất 10
loại giống hoa cúc theo quy trình khép từ phòng cấy mô đến vườn ươm và vườn sản
xuất đối chứng. Theo đó, một “đỉnh sinh trưởng” được chọn tạo và nhân giống
trong phòng cấy mô phải mất từ 6- 7 tháng, sau đó đưa ra vườn ươm nhà kính trồng
dưới đất thêm 2 tháng mới cắt mầm đọt thương phẩm, ươm lên trên từng khay giá
thể. Thời gian cuối cùng kéo dài 15 ngày tạo rễ cây con sau đó xuống giống
trồng ra vườn hàng loạt.
Với các loại giống hoa cúc đang được thị trường trong
nước ưa chuộng gồm: thọ vàng đỏ, thạch bích, kim cương, lan tím, mai đỏ…, cơ sở
anh Hải bán ra thời điểm cuối năm 2016 với giá 110- 150 đồng/cây giống thương
phẩm và 900 đồng cây giống cấy mô. “ Trong tổng số hơn 20 triệu cây giống hoa
cúc tiêu thụ mỗi năm, chiếm 5% tỷ lệ cây cấy mô và 95% cây thương phẩm. Người chọn
mua cây giống cấy mô là những người có đất vườn ươm nhà kính đạt các yêu cầu kỹ
thuật, mua về chăm sóc thêm một thời gian ở vườn ươm mới đưa ra vườn sản xuất
trồng đại trà. Người mua giống cây thương phẩm thì đưa trực tiếp ra vườn sản
xuất xuống giống trồng... ”- anh Lê Văn Hải cho biết.
Trong mật độ trồng hoa cúc trung bình 500.000 cây/ha,
nhân với sản lượng bán ra 20 triệu cây giống mỗi năm, nông dân Lê Văn Hải đã đảm
bảo nguồn giống hoa cúc chất lượng cao trên khoảng 40ha diện tích sản xuất nhà
kính của nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận. Quy mô sản xuất nhà kính của anh
Hải đến thời điểm cuối năm 2016 gồm: 2,5 ha sản xuất hoa cúc kinh doanh và 4ha
sản xuất mầm giống từ cây cấy mô thương phẩm; giải quyết việc làm thường xuyên
cho 25- 30 lao động. Một năm vừa qua, thống kê chưa đầy đủ, anh Hải tiếp tục
thu về khoản lãi hàng tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt, ông
Hồ Ngọc Dinh đánh giá: “Nông dân Lê Văn Hải là một trong những hộ nông dân
phường 12, Đà Lạt nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất giỏi toàn quốc. Sự tìm
tòi, sáng tạo không ngừng của nông dân Lê Văn Hải đã chọn tạo, nhân giống cấy
mô những nguồn giống hoa cúc sạch bệnh, góp phần giúp nông dân địa phương
chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, từng bước gia tăng giá trị thu nhập trên
đơn vị diện tích đất. Mô hình của nông dân Lê Văn Hải hàng năm thu hút đáng kể
lượng khách trong nước đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học…”/.
THÁNG 12/2016