Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Nối dài những đường tơ

Ghi chép VĂN VIỆT
Khi năm mới 2017 dần dần chạm cửa, tôi được tiếp xúc và ghi lại một quãng đường vượt khó khởi nghiệp của nhà nông Lê Sáu ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh- người đã góp phần nối dài con đường tơ lụa từ Việt Nam ra nước ngoài. 

Mua kén dạo, bán tơ trôi nổi
Chuyện kể hơn hai mươi năm trước, trong lúc thị trường tơ, kén đang biến động thất thường thì nhà nông Lê Sáu xuất hiện làm người thu mua, chế biến trên giàn thiết bị bán tự động và lặn lội khắp nơi trong huyện Di Linh tìm mối lái tiêu thụ. Khi hỏi điều gì thôi thúc khởi nghiệp giữa điều kiện khó khăn rất nhiều như vậy, nhà nông Lê Sáu chân chất rằng: “Mong muốn lớn nhất từ ngày ấy…đến bây giờ là được tiếp nối gìn giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ truyền thống nhiều đời của gia chúng tôi từ vùng đất bồi ven sông Thu Bồn, Quảng Nam…” 
Theo đó, những ngày “chân ướt chân ráo” vào định cư ở vùng đất mới Đinh Lạc, Di Linh, nhà nông Lê Sáu huy động mọi nguồn vốn mang theo để mua vừa đủ 5.000m² diện tích đất canh tác cây cà phê kết hợp với trồng xen một phần diện tích cây dâu tằm. Nuôi những hộp tằm, thu hoạch những ký kén đầu tiên khi ông Sáu vượt qua ngưỡng tuổi “tam thập nhi lập” bước vào môi trường tạo quan hệ với các đầu mối thu mua kén. Hình thức hợp tác lúc đó chủ yếu bằng việc thực hiện lời hứa bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén giữa thương lái với người sản xuất, giá cả được thương lái ấn định sau hơn một tuần giao - nhận hàng.
Mốc thời gian khởi nghiệp đáng nhớ vào năm 1995, ông Sáu quyết định đầu tư một giàn máy cơ khí bán tự động để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ kén tằm của hộ gia đình mình và một vài hộ gia đình khác ở huyện Di Linh. Còn thị trường đầu ra của sản phẩm tơ thì ông Sáu lựa chọn cách thức xúc tiến thương mại là … vừa sản xuất vừa đi bán dạo. Ông Sáu kể lại: “ Nhờ chiếc xe máy cơ động với sức khỏe lứa tuổi hơn 30 (ông Sáu sinh năm 1962 - PV), hàng ngày tôi giành một nửa thời gian chạy khắp các vùng trồng dâu nuôi tằm ở xã Đinh Lạc và nhiều địa phương lân cận để mua kén của nông dân trả tiền ngay. Nửa thời gian còn lại trong ngày, tôi điều hành khu vực sản xuất và xuất xưởng 50- 60 kg tơ thành phẩm chở trên chiếc xe máy ngược xuôi bán dạo hết thương lái này đến thương lái khác…”  
Đó là dây chuyền thiết bị cơ khí bán tự động ra đời khá sớm trên đất Di Linh với 20 mối xe tơ, đạt công suất 60kg tơ thành phẩm/ngày. Tất cả từng bộ phận chức năng từ nồi nước nấu sôi chín kén đến dụng cụ bung kén ra mối tơ và đưa lên giàn máy cơ khí thô sơ để xe tơ… đều do ông Sáu lắp đặt và cải tiến dựa theo dây chuyền ươm tơ truyền thống của gia đình. Để vận hành cỗ máy ươm tơ bán tự động thông suốt trong gần 20 năm, ông Lê Sáu đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm ươm tơ, khai thác mở rộng nhiều thị trường tiêu thụ xuống “thủ phủ tằm tơ” Bảo Lộc. Tại đây vào đầu những năm 2000, ông Lê Sáu đã gặp gỡ và thỏa thuận thành công với một đối tác lớn của Nhật Bản về bao tiêu xuất khẩu toàn bộ sản phẩm tằm tơ của mình với mức giá ổn định, lâu dài…
Mỗi tháng xuất khẩu 1,2 tấn tơ  
Nắm bắt, tận dụng cơ hội hợp tác xuất khẩu, năm 2014, ông Lê Sáu với sự hỗ trợ kỹ thuật của người Nhật đã xây dựng một xưởng ươm tơ mới với dây chuyền máy móc tự động, thay thế hoàn toàn dây chuyền bán tự động cũ tại xã Đinh Lạc, Di Linh đạt tổng công suất bình quân 1,2 tấn tơ thành phẩm/tháng.
Một ngày cuối năm cũ 2016, vào nhà xưởng xe tơ của ông Lê Sáu hòa trong không khí lao động khẩn trương để kịp giao đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng nhập khẩu hàng tuần từ phía Nhật. Trong phạm vi 400m² tọa lạc trên tổng diện tích đất 1.200m², nhà xưởng hoạt động nhịp nhàng với từng cỗ máy vận hành từ sấy, trộn, phân loại kén đến đánh mối tơ, thẩm thấu làm mềm sợi tơ trước khi đóng gói, đóng thùng xuất khẩu. Một lao động nữ là người đồng bào thiểu số thật tình: “ Trước đây khi chưa có đơn hàng xuất khẩu, cơ sở ươm tơ Lê Sáu chỉ giải quyết việc làm mỗi tháng cho lao động chúng tôi từ 15- 20 ngày. Trong năm 2016 vừa qua đã có đủ việc làm 30 ngày mỗi tháng, lương nhận trung bình được 200.000 đồng/ngày…. ”  
Chủ cơ sở Lê Sáu thống kê hiện tại đang thu hút 25 lao động địa phương, trong đó chiếm 50% lao động người đồng bào dân tộc thiểu số. Những lao động phổ thông vừa học nghề vừa làm việc ở đây nhận lương tháng đầu tiên khoảng 100.000đồng/ngày; từ tháng thứ 2 trở đi, hầu hết đều đáp ứng yêu cầu công việc và được ký hợp đồng chính thức, nên lương tăng lên 200.000đồng/ngày
Riêng diện tích trồng dâu nuôi tằm ở huyện Di Linh, cơ sở Lê Sáu đang liên kết với 40 hộ nông dân, mỗi hộ canh tác ổn định từ 1.000m² - 3.000m². Trong 3 năm qua, cơ sở Lê Sáu đầu tư ứng trước nguồn giống tằm con cho nông dân nuôi, sau đó trừ dần hoặc trừ một lần (tùy theo điều kiện từng hộ gia đình) khi thu hoạch kén. “Với giá thu mua kén 120.000đồng/kg, trong năm 2016 vừa qua, cơ sở Lê Sáu chúng tôi đã đảm bảo lợi nhuận cho nông dân huyện Di Linh trồng dâu nuôi tằm khoảng 250- 300 triệu đồng/ha, nhiều hơn trồng cây cà phê có giá bán đạt đỉnh 45.000 đồng/kg nhân…. ”- chủ nhân Lê Sáu tính toán.
Cuộc tiếp xúc từ buổi sáng đến đầu giờ buổi chiều phải kết thúc, lý do chủ nhân Lê Sáu đến hẹn phải giao đủ số lượng hàng tơ tằm cho đối tác bên Nhật. Nhưng ông Sáu vẫn kịp dẫn tôi đến tham quan khu vực 2.000m² đang xây mới một nhà xưởng ươm tơ, tọa lạc bên đường Quốc lộ 20, thuộc thôn Đồng Lạc 3, xã Đinh Lạc, Di Linh và nói: “Trong quý 1/2017 sẽ đưa nhà xưởng ươm tơ mới đi vào hoạt động trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật, tổng trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Dự kiến hoạt động sẽ nâng lên tổng công suất ươm tơ của cơ sở Lê Sáu đạt 120kg tơ thành phẩm/ngày….”
Anh Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, Di Linh nhận xét rằng, chính quyền địa phương đã và đng tạo mọi điều kiện giúp cơ sở Lê Sáu hoàn tất nhanh các thủ tục về đất đai, xây dựng nhà xưởng ươm tơ mới nói trên. Trong thời gian tới, hy vọng nông dân xã Đinh Lạc và các xã, thị trấn còn lại trong huyện Di Linh tiếp tục hợp tác với cơ sở ươm tơ Lê Sáu, nhằm nhân rộng nghề trồng dâu, nuôi tằm nâng cao thu nhập, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương…/.   
THÁNG 12/2016