Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Nông nghiệp công nghệ cao – nhìn từ đề tài ứng dụng

VĂN VIỆT
Hàng chục đề tài khoa học về phát triển nông nghiệp công nghệ cao được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn Lâm Đồng.

Từ chọn giống và khảo nghiệm
Thống kê trong 5 năm vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã triển khai 33 đề tài phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật trước hết là nhóm đề tài chọn tạo và sản xuất khảo nghiệm các loại giống cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện từng vùng nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng.
Như Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống cà phê chè đạt năng suất, chất lượng cao tại Lâm Đồng” đã đánh giá tình hình canh tác cà phê chè theo hướng bền vững, qua đó áp dụng các biện pháp chăm sóc hiệu quả 6 mô hình kế thừa và trồng mới tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương. Đến nay đang mở rộng trồng mới 15.500cây giống cà phê chè mới trên địa bàn huyện Đam Rông.
Hoặc Đề tài “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại Lâm Đồng” đã khảo nghiệm, xác định giống cà phê chè TN4 sinh trưởng tốt trên cả 3 vùng sinh thái Đà Lạt, Lâm Hà và Bảo Lâm. Đồng thời xây dựng 2 mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng VietGAP gắn với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 120 lượt nông dân và đào tạo 12 cán bộ khuyến nông cơ sở.  
Đáng kể thêm, qua việc thực hiện Đề tài “ Chọn lọc, di thực, bình tuyển và thử nghiệm”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ra quyết định công nhận 6 cây bơ cây đầu dòng đạt năng suất và chất lượng ổn định, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Trong năm 2015- 2016, 6 cây bơ cây đầu dòng này đã khai thác 10.000 mầm chồi để ghép cải tạo các vườn bơ của nông dân ở Bảo Lâm và Di Linh. Bên cạnh đó, Đề tài đã di thực 2 giống bơ mới với 280 cây trồng trên 4 mô hình ở các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh và Bảo Lâm, hiện đang sinh trưởng với nhiều chỉ tiêu vượt trội.      
    Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã ký hợp đồng với Viện Bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu cải tạo và phát triển một số giống hồng nhập nội bổ sung vào cơ cấu giống hồng tại huyện Lạc Dương”. Kết quả bước đầu đã xây dựng 3 vườn giống hồng giòn nhập nội đạt năng suất và chất lượng cao để cung cấp cho nông dân quanh vùng cải tạo và trồng mới.
Đến xây dựng mô hình kỹ thuật cao  
Cũng trong thời gian 5 năm vừa qua, nhóm Đề tài nổi bật tiếp theo về phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng là “Xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng một số nông sản tại huyện Đơn Dương”. Đề tài này đã xây dựng 4 mô hình trồng cam cara, cam đường, cỏ alfalfa và stylo làm thức ăn chăn nuôi bò, dứa Cayenne… kết hợp với đào tạo 10 cán bộ khuyến nông và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 240 lượt nông dân địa phương. “Nhiều hộ nông dân ở Đơn Dương xây dựng mô hình và tham gia tập huấn, đã nắm bắt các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cam, dứa Cayenne, cỏ alfalfa và stylo, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế…”- Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đánh giá.
Với rau VietGAP Lâm Đồng, một trong những Đề tài đáng quan tâm là đã xây dựng 4 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cà chua, khoai tây, cải bắp và ớt ngọt, đạt lãi cao hơn so với vườn đối chứng từ 31 -  41 triệu đồng/ha/năm.
Về cây hoa với Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số giống hoa cắt cành mới có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu phù hợp với điều kiện vùng Đà Lạt”, đã khảo nghiệm sản xuất và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận các giống hoa mới được phép sản xuất kinh doanh gồm 3 giống hoa cúc (CO7.7, C7.16 và CO7. 24); 3 giống hoa cẩm chướng (DO6.1, DO6.9 và DO6.10); 4 giống hoa đồng tiền (G04.6, G04.7, G05.76 và G05.82) và 2 giống hoa lay ơn (Gla05.40 và Gla09.4).  
    
Ngoài ra còn có Đề tài “Nghiên cứu quy trình canh tác bơ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP” đã xây dựng 9 mô hình trồng xen kẽ những dòng bơ với nhóm hoa khác nhau ( 1ha/mô hình), đến năm 2016 bước vào thu hoạch vụ chính đầu tiên đạt năng suất cao hơn sản xuất theo hình thức đại trà hơn 20%, được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng cấp Chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP…
Theo nhận định chung, những Đề tài ứng dụng hiệu quả vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng nêu trên tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới về nâng cao kỹ thuật canh tác cho người nông dân, đồng thời tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất./.

THÁNG 12/2016