Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Dalat Hasfarm tìm nông dân liên kết

VĂN VIỆT
Công ty Dalat Hasfarm đang tiếp tục xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận để chủ động nguồn nguyên liệu các loại hoa cắt cành nhà kính, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng mở rộng.

Tăng hơn 6 lần diện tích liên kết
Một ngày lập đông năm 2016, gặp người nông dân đầu tiên sản xuất hoa cúc liên kết với Dalat Hasfarm đã ghi nhận nhiều kết quả đáng kể. Ông là Nguyễn Hữu Tiến, một đối tác chính thức bắt tay trồng hoa cúc theo hợp đồng với Dalat Hasfarm từ năm 2004, trên diện tích gần 1.000m² vườn nhà ở đường Ngô Tất Tố, Đà Lạt. “ Lúc đó, các kỹ sư nông nghiệp và nhân viên thị trường của Công ty Dalat Hasfarm đã tìm đến giới thiệu các quy trình canh tác hoa nhà kính mới gắn với bao tiêu sản phẩm và biết trước được mức lợi nhuận của mình, tôi quyết định chuyển đổi từng diện tích trồng rau ngoài trời sang trồng hoa nhà kính, đầu tiên làm thử nghiệm gần 1.000m², sau đó thấy hiệu quả đã dần dần phủ kín toàn bộ diện tích hiện có khoảng hơn 6.000m². Hai loại hoa mà hộ gia đình tôi chọn thâm canh, tăng năng suất và chất lượng xấut khẩu là hoa cúc và hoa cẩm chướng, mỗi ngày thu hoạch cung ứng trực tiếp cho Công ty Dalat Hasfarm từ 15.000 đến 20.000 cành...”- nhà nông Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ.
Theo kỹ sư nông nghiệp Phan Long An, phụ trách bộ phận hợp tác nông dân của Công ty Công ty Dalat Hasfarm, hộ gia đình Nguyễn Hữu Tiến vừa nêu là đối tác nhà nông đầu tiên liên kết với nhà doanh nghiệp Dalat Hasfarm, đến nay vẫn chọn một trong những mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn. Tính riêng quy mô diện tích sản xuất hoa của hộ gia đình ông Tiến đã tăng hơn 6 lần sau 12 năm liên kết với Dalat Hasfarm. Và cộng chung đến tháng 10/2016, có tất cả khoảng hơn 100 hộ gia đình nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận đang ổn định sản xuất hoa nhà kính liên kết cùng Dalat Hasfarm, tổng diện tích trung bình hàng năm từ 20- 25ha. Trong đó bố trí từ 15- 17ha trồng hoa cẩm chướng, còn lại từ 5-8ha trồng hoa cúc. Kỹ sư An nói: “ Tất cả hơn 100 hộ nông dân liên kết đều do Công ty Dalat Hasfarm chủ động tìm đến khảo sát, đánh giá các điều kiện về đất đai, lao động trước khi trao đổi, thỏa thuận ký hợp đồng hàng năm…. ”
Qua 12 năm triển khai hợp đồng liên kết, lợi nhuận mang lại đã phân phối hợp lý giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông, nên những nội dung ký kết cơ bản hàng năm gần như không thay đổi. Theo đó, bên Công ty Dalat Hasfarm chịu trách nhiệm cung cấp nguồn giống hoa đầu dòng các loại, có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp đồng hành hướng dẫn từng hộ nông dân trên vườn về quy trình kỹ thuật sản xuất, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại, đảm bảo hộ nông dân đạt một khoản lợi nhuận ổn định với mức khá cao so với các hình thức sản xuất phân tán, nhỏ lẻ khác…Bên hộ nông dân với diện tích đất canh tác trong nhà kính tối thiểu 1.000m², có đủ số lượng lao động, có thể chuyển đổi cây trồng khác ngoài hợp đồng trong thời hạn tối đa 1 năm, được thanh toán tiền hoa thu hoạch qua tài khoản cá nhân từ 2 lần/tháng trở lên…   
Thực hiện đầy đủ những thỏa thuận trong hợp đồng liên kết, kết quả hàng năm, Công ty Dalat Hasfarm đã bao tiêu từ 80-90% sản lượng hoa cúc và hoa cẩm chướng của nông dân để phân phối phần lớn cho thị trường xuất, phần còn lại cho thị trường trong nước. Hạch toán với gia thu mua trong thời điểm tháng 10/2016, nông dân trồng hoa cúc và hoa cẩm chướng liên kết cùng Dalat Hasfarm đạt lợi nhuận trung bình từ 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên. Chưa kể sau khi thu hoạch, cung ứng theo hợp đồng, còn lại khoảng 10- 20% sản lượng hoa cúc và hoa cẩm chướng các loại, nông dân được tự do bán ra thu tiền ở các chợ đầu mối trong tỉnh Lâm Đồng…    
Ổn định hoa cúc, nhân rộng hoa cẩm chướng
Thời điểm tháng 10/2016 cũng lá lúc thời tiết thay đổi từ mùa mưa sang mùa khô lạnh, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Công ty Dalat Hasfarm càng phải tích cực bám sát theo dõi vườn hoa nhà kính, kịp thời khuyến cáo từng hộ nông dân liên kết về những biện pháp phòng trừ hữu hiệu các loại bệnh hại phát sinh mới, kết hợp với việc vận hành phù hợp hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển những cành hoa đạt chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước khi bước vào dịp tết dương lịch và âm lịch năm 2017. “Đồng thời trong thời điểm này, kế hoạch tìm kiếm hộ nông dân để hợp tác liên kết mới cũng đang tập trung triển khai theo hướng ổn định diện tích trồng hoa cúc, mở rộng diện tích trồng hoa cầm chướng”- kỹ sư An cho biết.
 Thống kê sơ bộ trong hơn 10 ngày đầu tháng 10/2016, thông qua giới thiệu những hộ nông dân sản xuất hoa liên kết, các nhân viên kỹ thuật của Công ty Dalat Hasfarm đã kết nối hơn 10 hộ dân trồng rau ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận mong muốn chuyển đổi sang trồng hoa cẩm chướng theo hợp đồng, mỗi hộ canh tác từ 2.000 – 3.000m². Trước mắt, Dalat Hasfarm tổ chức khảo sát điều kiện sản xuất hợp tác của những hộ nông dân đã đăng ký, bên cạnh với việc tìm kiếm những hộ nông dân đăng ký mới, nhằm tiến tới thiết lập hợp đồng liên kết trồng hoa cẩm chướng mới trong năm 2017 khoảng 10ha, tương ứng khoảng 30 hộ nông dân chủ vườn.
“Với tiềm năng thị trường xuất khẩu đã và đang khai thác, sau năm 2017 trở đi, Công ty Dalat Hasfarm sẽ tích cực tìm kiếm, xây dựng mối liên kết lâu dài với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận trồng mới diện tích hoa cẩm chướng mỗi năm tăng từ 15-20% diện tích trở lên…”- kỹ sư Phan Long An nêu mục tiêu phấn đấu./.
THANG 10/2016