Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

An toàn thực phẩm ở Đà Lạt - Bước chuyển tích cực

VĂN VIỆT
Sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt đã tăng cường tuyên truyền kết hợp với công tác kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm, tạo ra những bước chuyển tích cực về ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Tuyên truyền kết hợp với đào tạo nghề
Đến nay, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP Đà Lạt thì: “…nhận thức và hiểu biết của người dân về đảm bảo ATTP ngày càng được nâng lên thông qua các hình thức tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh ATTP…” Cụ thể, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã thực hiện đầy đủ những thủ tục hành chính bắt buộc như: giấy phép kinh doanh, xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe, chứng nhận đủ điều kiện ATTP…
Để đạt những ưu điểm nêu trên, ghi nhận đầu tiên ở công tác phối hợp tuyên truyền do Phòng Y tế Đà Lạt chủ trì trong 5 năm qua. Đó là hàng năm tổ chức hàng chục lớp tập huấn những kiến thức cơ bản và thực hành kỹ năng đảm bảo vệ sinh ATTP đối với hàng trăm người phục vụ tại các bếp ăn tập thể và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên từng địa bàn phường, xã. Bên cạnh đó, đã phát hành 2.500 tờ gấp chuyển tải các nội dung đảm bảo vệ sinh ATTP. Riêng từng cơ sở kinh doanh bánh mì trên địa bàn thành phố Đà Lạt ( bao gồm kinh doanh bánh mì trên hè phố) không chỉ được tập huấn kiến thức ATTP, mà còn được cấp phát trực tiếp tờ thông báo “ Hướng dẫn phòng chống ngộ độ do ăn bánh mì thịt ” để nâng cao ý thức trách nhiệm trước việc bảo vệ an toàn cho sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, hàng năm bằng hình thức lồng ghép với cuộc họp đoàn thể cơ sở và tổ dân phố, Phòng Y tế Đà Lạt đã tổ chức hơn 800 đợt tuyên truyền ATTP với hơn 22.000 lượt người tham dự. Ở mỗi dịp lễ, tết và trong tháng hành động vì chất lượng ATTP, hàng chục tấm băng rôn tuyên truyền được lắp đặt tại các khu vực trung tâm điểm du lịch, các đường phố chính, trạm y tế cơ sở…
Với Phòng Kinh tế Đà Lạt còn kết hợp các hình thức tuyên truyền với việc tổ chức cho cơ sở kinh doanh hàng đặc sản ký cam kết mua bán hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng ATTP… Đặc biệt đã mở nhiều lớp đào tạo nghề trồng rau theo quy trình VietGAP, qua đó triển khai các hình thức hỗ trợ thành lập mới khoảng 15 mô hình liên kết hàng trăm nông dân sản xuất, tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông phẩm an toàn như: atisô, cà phê, rau…  
Ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm
Đáng nói thêm, cũng qua hoạt động phối hợp, từ năm 2011 đến nay, Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 49 vụ kinh doanh hàng cấm và 9 vụ kinh doanh hàng nhập lậu. Trong đó vào năm 2011- 2013, tịch thu tiêu hủy 1.000kg mứt trái cây các loại, 26 tấn khoai tây không đảm bảo chất lượng và gần 63kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto. Đến năm 2014-2015, tiếp tục tịch thu 144kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và hơn 600kg mứt các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý trong năm 2016, tịch thu, tiêu hủy 16,4 tấn măng tươi ngâm chất tạo màu, không đảm bảo ATTP, tổng trị giá gần 197 triệu đồng.
Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cùng vào cuộc tham gia đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng. Kết quả đã xếp loại theo các tiêu chí B và C, yêu cầu bổ sung các thủ tục và điều kiện sản xuất nghiêm ngặt đối với 6 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và 7 cơ sở sản xuất bì chả, nem chua, bò khô, thịt xông khói…Ở lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của thành phố Đà Lạt (mỗi ngày giết mổ 20 con bò, từ 150- 200 con heo và 2.000 con gia cầm), đoàn kiểm tra phân công cán bộ thú y theo dõi số lượng, chất lượng xuất- nhập gia súc, gia cầm, đồng thời trực tiếp giám sát và đóng dấu xác nhận trên thân thịt thực phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP trước khi phân phối ra thị trường.
Những kết quả nêu trên đã cho thấy “công tác quản lý nhà nước về ATTP tiếp tục được tăng cường, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt việc đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa, lễ hội, đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh ấn tượng của du lịch Đà Lạt đến với du khách trong và ngoài nước… ”./.
THÁNG 10/2016