Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Từ đồng hoa bước đến lễ hội tôn vinh

VĂN VIỆT
Đêm đầu tiên của năm mới 2016, đại diện 126 tổ chức, đơn vị, hộ gia đình tiêu biểu được bước lên bục tôn vinh công sức đóng góp xây dựng và phát triển nghề trồng hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận. Để có được vinh hạnh này, 126 tấm gương ở đây đã phải nỗ lực lớn vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, dồn hết tâm sức cho nghề hoa.

Chuyển đổi từ trồng rau giống cũ sang trồng hoa hồng
Gần 3 năm trước, tôi đến thôn (buôn) Măng Lin, phường 7, Đà Lạt gặp chủ vườn K’Long Char để tìm hiểu về quy trình canh tác hoa hồng đạt hiệu quả cao. Là chủ hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của buôn Măng Lin trồng hoa hồng nhà kính, anh K’Long Char đã tích cực học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của những nhà nông đi trước ở làng hoa Vạn Thành, sau đó về áp dụng phù hợp trên thửa vườn của mình. Lúc này đã bước sang năm thứ 8 của nghề trồng hoa hồng trong diện tích 0,4ha nhà kính, gia đình K’Long Char có đủ thu thập để chi phí cho 3 người con tốt nghiệp đại học và 1 người con tốt nghiệp phổ thông trung học. Vợ chồng K’Long Char cùng tâm sự: “ Khi các con đến tuổi đi học, vợ chồng chúng tôi hàng đêm suy nghĩ phải trồng cây trồng nào khác hơn, có tiền nhiều hơn, không chỉ chi tiêu ngày 3 bữa ăn, sinh hoạt, mà còn mua sách vở, áo quần, nộp học phí, đi lại… Nên chúng tôi bắt buộc chặt bỏ từng hàng cà phê già cỗi để trồng rau ngoài trời, rồi thu mấy vụ rau lại để dành tiền làm nhà kính trồng hoa….” Với cách làm “của ruộng đắp bờ” lâu dài như vậy, đến ngày 01/01/2016, anh K’Long Char được chọn tôn vinh với 11 năm nghề trồng hoa hồng, hiện đang chuyên canh diện tích 0,5ha nhà kính, thu nhập bình quân 800 triệu đồng/ha/năm.
Cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, qua rất nhiều năm trồng rau ngoài trời, anh Păng Ting Sin ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương mới tiết kiệm một khoản tiền nhất định, cộng với nguồn vốn vay ngân hàng và huy động nguồn vốn người thân mới hiện thực hóa ước mong lập vườn hoa hồng. Đầu năm 2014, tôi gặp anh Păng Ting Sin ở vườn hoa hồng khi đang canh tác 0,5ha trong nhà kính, đạt thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Đến thời điểm được tôn vinh trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2015, hộ gia đình anh Păng Ting Sin đã tăng diện tích sản xuất hoa hồng nhà kính lên 1ha, lợi nhuận ước thu về 1 tỷ đồng/ha/năm. “Cái cây hoa hồng mình rất thích là chỉ xuống giống cây ghép một lần, nhưng thu hoạch đến 6 năm sau mới trồng lại. Chịu khó hàng ngày nhìn kỹ từng luống hoa hồng để biết sớm các bệnh hại để bơm phun thuốc phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp ở xã, ở huyện…”- Păng Ting Sin chia sẻ.      
Và nhân rộng nhiều loài hoa cao cấp khác
Ở Tổ Hợp tác Đất Mới, Đà Lạt, tôi thường hay đến vườn hoa của anh Vũ Đình Phúc và anh Cao Minh Chí để thu nhận nhiều “chất liệu” mới về kỹ thuật canh tác gắn với thị trường tiêu thụ. Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, anh Phúc, anh Chí đều được bình chọn là tấm gương trồng hoa tiêu biểu với thu nhập trung bình 2 tỷ đồng/ha/năm. Các loại hoa của anh Phúc, anh Chí sản xuất theo quy trình kỹ thuật mới kết hợp với những kinh nghiệm đúc kết từ 7- 9 năm gồm cẩm chướng, cát tường, đồng tiền…thay phiên nhau trồng trong nhà kính, thu hoạch đều đặn hàng tuần. Và ở các huyện lân cận sản xuất hoa gắn nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt ”, có không ít nơi tôi đã đến và còn nhiều nơi tôi sẽ đến, đêm ngày 01/01/2016 được tôn vinh đại diện hộ gia đình nhiều nhất là 10 người ở huyện Lạc Dương; các huyện còn lại gồm Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương, mỗi huyện có 5 người. Trong đó nhiều hộ gia đình sản xuất hoa hồng môn, lan hồ điệp, hoa chậu cảnh, bonsai, lan vũ nữ…đạt thu nhập vượt trội từ 1,5 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Với 14 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu chọn tạo, nhân giống cấy mô được tôn vinh trong đêm 01/01/2016, đáng kể trước hết là Công ty Đà Lạt Hasfarm có 21 năm trồng hoa thu nhập 3 tỷ đồng/ha/năm, đồng thời liên kết thu mua sản phẩm hoa cho 150 hộ nông dân Đà Lạt đạt tổng giá trị 50tỷ đồng/ha/năm. Hoặc như Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Đức Trọng sau 11 năm hoạt động, đã phát triển 10ha hoa lan các loại, thu nhập bình quân lên đến 5tỷ đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho 100 lao động với mức lương 4,5triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã hoàn thành 7 đề tài lai tạo, chọn lọc nhiều giống hoa đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, mang bản quyền Việt Nam như cúc, đồng tiền, cẩm chướng…Ở Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đã chọn lọc 65 chủng loại cây hoa đầu dòng, hàng năm nuôi cấy mô hàng triệu cây giống cung cấp cho nông dân…
Đánh giá chung về 126 tấm gương trồng hoa được tôn vinh dịp Festival Hoa Đà Lạt 2015, ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt nói: “ Tấm gương của họ sẽ có tác dụng lan tỏa ở không gian rộng lớn hơn, tiếp tục khẳng định về tiềm năng và lợi thế của nghề trồng hoa mang nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” trong trước mắt cũng như lâu dài…”./
THÁNG 12/2015