Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Trên những vườn rau hợp tác

VĂN VIỆT
Tròn một năm đi - về trên những vườn rau hợp tác ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, tôi nhận ra những thuận lợi mới của người nông dân khi từng bước rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của mình…    

Rau hợp tác không lo thừa…
Một ngày cận kề Festival Hoa Đà Lạt 2015, tôi ghé lại HTX Xuân Hương, Đà Lạt thì bất ngờ gặp Chủ nhiệm Trần Đức Quang đang nhiệt tình đón đoàn khách du lịch tham quan, nghiên cứu đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Với phong cách thân thiện và mến khách, chủ nhiệm Quang thuyết minh từng công đoạn kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trong sự chú ý theo dõi của khách. Đây là vườn rau của Chủ nhiệm Quang liên canh sản xuất hợp tác với hơn 20 vườn rau của hộ gia đình thành viên HTX, tổng diện tích 7ha nhà kính quanh năm thu hoạch sản phẩm các loại đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đã mười mấy năm sản xuất theo hợp đồng trên từng khoảnh vườn của thành viên trong HTX, phần lớn sản phẩm rau xuất bán theo đơn đặt hàng phân phối trên khắp thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam, thu về lợi nhuận bình quân từ 500- 600 triệu đồng/ha. “Theo các yêu cầu khắt khe của hệ thống siêu thị trong nước, rau các loại của HTX Xuân Hương phải đầu tư ứng dụng canh tác công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai hiên có, nên luôn an tâm về đầu ra không bao giờ phải thừa hàng, dội chợ, thậm chí có thời điểm đơn đặt hàng tăng lên ngoài dự kiến, các hộ thành viên chúng tôi không kịp tổ chức sản xuất cung cấp đủ từng chủng loại sản phẩm….”- một hộ gia đình thành viên HTX Xuân Hương chia sẻ.
Nếu kết quả tìm đường sản xuất hợp tác đối với Chủ nhiệm Trần Đức Quang xuất phát từ một nông gia đã qua ngưỡng tuổi 60 thì đối với Giám đốc Vietfarm, Nguyễn Đông Hải khởi nghiệp từ một chàng sinh viên mới hơn tuổi đôi mươi. Điểm chung của 2 “nhân tố” này là không ngại vượt qua khó khăn, chấp nhận mọi thử thách khắc nghiệt của thương trường để “hiện thực hóa” ước muốn gắn kết ngày càng nhiều nông dân sản xuất các sản phẩm rau mang lợi thế của xứ lạnh Đà Lạt. Một ngày cuối năm 2015, vào những vườn rau đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP trong nhà kính và ngoài trời của Vietfarm nằm bên hồ Chiến Thắng, Đà Lạt, tôi thu nhận thêm nhiều “tư liệu sống” khi gặp một đoàn nhà nông, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đến trao đổi, học tập kinh nghiệm canh tác, xây dựng các hình thức hợp tác mới. 
Giám đốc trẻ Nguyễn Đông Hải kỳ vọng: “ Tính đến hết năm 2015, Vietfarm đã triển khai hợp tác với 20 hộ nông dân Đà Lạt sản xuất 18ha rau GAP nhà kính và 12ha rau an toàn ngoài trời, tiêu thụ ổn định hàng năm trên 4.000tấn sản phẩm, trong đó chiếm tỷ lệ 40% xuất khẩu sang các nước láng giềng và tỷ lệ 60% cung ứng đến các siêu thị trong nước. Trong năm mới 2016, Vietfarm dự kiến hợp tác với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận mở rộng thêm khoảng 10ha sản xuất rau GlobalGAP và VietGAP thành một chuỗi sản phẩm ổn định từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, cố gắng đạt lợi nhuận trung bình trên mỗi hecta từ 1 tỷ đồng trở lên…”   
Nhiều hơn nữa những vườn rau hợp tác
Khi tìm hiểu về mục tiêu trong năm mới 2016, anh Nguyễn Hồng Phong, chủ doanh nghiệp Phong Thúy, Đức Trọng nói sẽ mở rộng sản xuất rau theo hợp đồng với khoảng 20 hộ gia đình sản xuất tập trung từ 15- 20ha. Cộng chung lại, doanh nghiệp Phong Thúy sẽ nâng diện tích những vườn rau hợp tác với nông dân các huyện Đức Trọng, Đơn Dương  lên đến 80 – 85ha rau an toàn các loại. Tương tự, bên cạnh việc “vận hành” hơn 270ha đất của hơn 130 hộ gia đình thành viên, HTX Anh Đào, Đà Lạt đã và đang thực hành ổn định các quy trình sản xuất hợp tác với 150 hộ nông dân bên ngoài HTX trên tổng diện tích khoảng 80ha. Chủ nhiệm HTX Anh Đào, Nguyễn Công Thừa đã nói: “Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hợp tác ở HTX Anh Đào đã góp phần chuyển đổi tập quán sản xuất của người nông dân Đà Lạt từ canh tác theo kinh nghiệm cũ, quy mô hộ gia đình sang theo hình thức sản xuất liên canh theo hướng mở rộng thành những cánh đồng lớn, thuận lợi cho việc ứng dụng các quy trình công nghệ mới để tăng khả năng cạnh tranh hiệu quả cao của rau, củ, quả Đà Lạt trên thương trường trong nước và quốc tế …”
Năm 2015 đi qua cũng đã xuất hiện nhiều vườn rau hợp tác sản xuất mới mà tôi được “ghi chép” ở Đà Lạt như HTX Nông nghiệp Minh Thúy ở phường 8 với năng lực tiêu thụ ổn định mỗi tháng cho hộ gia đình thành viên từ 50- 60 tấn rau và đang tích cực khai thác thị trường mới để tăng lên 80- 100tấn; Tổ Hợp tác Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Đức Bình là 2 trong hơn 20 Tổ Hợp tác ở xã Xuân Thọ đang thu hút hơn 200 hộ nông dân sản xuất tổng cộng khoảng 200ha các loại giống rau mới, đạt năng suất và chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, khi tôi cộng tất cả vào bức tranh tổng thể của đồng rau Đà Lạt và các vùng phụ cận thì tỷ lệ sản xuất hợp tác đã và đang phát triển chỉ chiếm khoảng 20%; tỷ lệ 80% số hộ nông dân còn lại vẫn sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thị trường giá cả đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào mức ấn định của các khâu trung gian…
Để nhân rộng ngày càng nhanh và càng nhiều hơn nữa những vườn rau hợp tác mang nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách công nghệ, nông nghiệp, thương mại ở Lâm Đồng đã thông qua nhiều giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài, chọn các mô hình tiêu biểu để đánh giá, hoàn chỉnh quy trình canh tác gắn với thị trường tiêu thụ, phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái khác nhau, đề xuất các cấp thẩm quyền tiếp tục ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi giống mới, đào tạo kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại, khảo sát và cập nhật thông tin thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng lứa rau…
Thiết nghĩ, đây là những giải pháp phản ánh từ đòi hỏi của thực tiễn sản xuất mà tôi được tiếp cận trong năm cũ 2015 đã qua, nên hy vọng trong năm mới 2016 sẽ sớm đi vào thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và gặt hái những hiệu quả thiết thực./.
THÁNG 12/2015