Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Dâu tây “hai trong một” trên đèo Trại Mát

VĂN VIỆT
Phan Tuấn Linh, người đàn ông thế hệ “7X” đã làm công việc kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nay quyết định “dừng chân” trên đỉnh đèo Trại Mát để sản xuất dâu tây thương phẩm kết hợp với phát triển khu vườn “dâu tây du lịch”, tạo cơ hội cho du khách mua lẻ hàng đặc sản “thuần Đà Lạt” với giá bán sỉ.

Lập vườn “dâu tây du lịch”
Gần trưa đầu tháng 12/2015, khá nhiều du khách vẫn “dùng dằng” bên vườn “dâu tây du lịch” rộng cả ngàn mét vuông trên đèo Trại Mát, thuộc phường 11, Đà Lạt. Mới hay, khi vườn dâu bước vào 2 năm tuổi (tháng 11/2015) thì được chủ vườn chính thức mở cửa miễn phí cho khách tham quan, khám phá môi trường sinh trưởng của loại trái cây có nhiều lợi thế của đất Đà Lạt này. Chủ vườn Phan Tuấn Linh cho biết: “Trong thời gian một tháng vừa qua, trung bình lượng khách tham quan vườn dâu tây trên đèo Trại Mát mỗi ngày khoảng 500 lượt người, đặc biệt có ngày cao điểm tăng lên cả ngàn lượt người. Với diện tích vườn “dâu tây du lịch” chỉ 1.000m², thu hái mỗi ngày trên dưới 10kg trái tươi, nên phải chuyển một phần sản lượng dâu tây thu hoạch trên 6.000m² diện tích sản xuất cách xa nơi tham quan đến 2km mới đáp ứng nhu cầu mua dâu ăn tươi tại chỗ hoặc đóng hộp đưa về làm quà lưu niệm của du khách…”
Theo chân các nữ hướng dẫn viên trẻ ở đây, tôi bước lên từng bậc cấp phía sau cửa hàng đặc sản Đà Lạt để đến bên từng luống cây “dâu tây du lịch”. Tự tay hái xuống từng trái dâu tươi chín mọng thưởng thức, tôi cảm nhận được vị giòn giòn của lớp vỏ dâu hòa quyện với vị ngọt thanh, thơm đượm và chua chua rất khác biệt của phần ruột trái dâu. “Trung bình hái 50 trái dâu tươi cân nặng 1kg. 
Trong tuần đầu tháng 12/2015, giá bán từ 200- 250.000đồng/kg, nếu khách tham quan buổi chiều muộn đành phải quay lại sáng hôm sau mới có trái dâu đến độ chín để hái…”- nữ hướng dẫn viên “dâu tây du lịch” chia sẻ. Theo đó, nếu so sánh với sản phẩm dâu tây các giống thông thường trồng ngoài trời ở Đà Lạt thì giá dâu tây của “vườn du lịch” Phan Tuấn Linh tăng cao hơn rất nhiều lần, nhưng vẫn chiếm vị trí ổn định trên thị trường nhờ cạnh tranh bằng chất lượng sạch, ngon, giữ tươi tự nhiên lâu ngày khi vận chuyển đường dài đưa về xứ nóng.   
Hạch toán cho cây dâu tây thương phẩm
Được biết, cây “dâu tây du lịch” nói trên là giống nhập từ nước New Zealand, thời điểm đưa về cấy mô rồi trồng những ngày đầu trên đỉnh đèo Trại Mát đã mang đến cho chủ vườn Phan Tuấn Linh…thiệt hại trắng 50% số cây. “Nguyên nhân cây giống dâu tây New Zealand chết héo sau khi xuống giống là do cách chăm sóc của mình chưa đảm bảo theo quy trình kỹ thuật của ngành nông nghiệp địa phương. Chẳng hạn như phối trộn giá thể xơ dừa với các hoạt chất sinh học không theo tỷ lệ phù hợp; không kịp thời tỉa bỏ cành, lá già úa hoặc đang có triệu chứng nhiễm bệnh; hàng ngày tưới nước, bón phân nhỏ giọt thiếu cân đối…”- Linh nhớ lại. 
Để không tái diễn tình trạng thiệt hại do không đạt yêu cầu kỹ thuật vừa nêu, Linh tìm thuê một kỹ sư nông nghiệp và một nhà nông kinh nghiệm ở Đà Lạt về vườn dâu tây New Zealand trực tiếp bổ sung những công đoạn sản xuất còn “khiếm khuyết”, từ đó hoàn chỉnh quy trình canh tác đạt chất lượng sản phẩm an toàn cho đến nay như: hàng ngày hòa tan phân bón tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây khoảng 30 phút buổi sáng; 15 ngày một lần cắt bỏ cành, lá, tạo thông thoáng cho cây; 1 tháng 1 lần bơm thuốc phòng trừ các loại bệnh hại, nhất là loài nhện đỏ gây ra bệnh xì mủ thân, trái; giăng lưới đen xung quanh nhà kính để che chắn côn trùng xâm nhập từ bên ngoài; dựng giàn giá thể trên mặt đất khoảng 70cm nhằm cách ly mầm bệnh có thể phát sinh…
Sau khoảng 6 tháng ứng dụng thành công kỹ thuật sản xuất mới ở vườn “dâu tây du lịch” 1.000m²  trên đèo Trại Mát, chủ vườn Phan Tuấn Linh đến một khu vực nông nghiệp cách xa 2km để nhân rộng thêm 6.000m² vườn dâu tây thương phẩm, kết quả mỗi ngày đạt tổng doanh thu bán trái tươi thu hoạch khoảng 15triệu đồng. “Hạch toán vốn đầu tư sản xuất trên diện tích 1.000m² dâu tây giống New Zealand khoảng 500 triệu đồng gồm: nhà kính, hệ thống tưới tự động, giếng khoan sâu dưới lòng đất 70m, lắp đặt giàn sắt để đặt chậu hoặc máng chứa giá thể…Tuy nhiên, nếu thực hành đúng kỹ thuật thì lợi nhuận trong vòng 3 năm sẽ thu hồi đủ nguồn vốn đầu tư. Trong khi độ bền có thể đến 5 năm đối với mái lợp ni lông và đến 15- 20 năm đối với khung sắt nhà kính …”- chủ vườn Phan Tuấn Linh tính toán.
Hiện nông gia “kiêm” doanh gia “7X” Phan Tuấn Linh đang xây dựng 2 ha nhà kính ở xã Đạ Sar, Lạc Dương, dự kiến hoàn thành và tiếp tục triển khai sản xuất dâu tây New Zealand trong năm 2016. Lúc đó, cửa hàng đặc sản với gần 25 mặt hàng và vườn “dâu tây du lịch” của Phan Tuấn Linh tại địa chỉ số 125, Quốc lộ 20, Tổ Lâm Văn Thạnh, phường 11, Đà Lạt (tọa lạc trên đèo Trại Mát, cách chùa Linh Phước chưa đầy 2 km) hy vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa doanh thu bán ra, góp phần tạo thêm những sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch bốn phương ./.  
THÁNG 12/2015