Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Nông thôn mới với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”

VĂN VIỆT
Từ phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” trong xây dựng hạ tầng cơ sở, liên kết sản xuất khá thiết thực và hiệu quả, Lâm Đồng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2020.

Khi sức dân đóng góp xây dựng hạ tầng thiết yếu  
Kết thúc năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người từ 52 – 52,5 triệu đồng/năm. Riêng Đơn Dương là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Lâm Đồng cho biết, sau 5 năm, Lâm Đồng đã huy động 33.581tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó gồm tỷ lệ các nguồn vốn như: gần 48,4% vốn tín dụng, hơn 27,2% vốn nhân dân đóng góp, hơn 13,7% vốn huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã  và gần 10,7% vốn ngân sách. Với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ ”, giai đoạn năm 2010- 2015, Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thành nhiều công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn. Đáng kể như: nâng cấp, xây mới và cứng hóa hơn 6.200km đường huyện, xã, thôn, xóm, nội đồng; kiên cố hóa 550km kênh mương thủy lợi, chủ động nước tưới gần 59% diện tích sản xuất; cải tạo gần 288km đường dây trung và hạ thế điện; xây mới hơn 1.200 phòng học, 33 nhà văn hóa xã và 38 chợ nông thôn; chỉnh trang nhà ở nhân dân khang trang, sạch đẹp …
Hạ tầng cơ sở phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới từng bước được nhân rộng, phát huy tích cực hiệu quả hoạt động trên từng địa bàn nông thôn. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 760 trang trại, gần 420 đơn vị kinh tế tập thể với hoạt động kinh doanh, dịch vụ đa dạng phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó những đơn vị kinh tế tập thể thể hiện sự năng động kết nối giao thương với nhiều đối tác khác nhau, góp phần hình thành những chuỗi sản xuất, chăn nuôi ổn định giá trị lợi nhuận cho người nông dân như: HTX Xuân Hương, Anh Đào ở Đà Lạt, HTX Tiến Huy ở Đức Trọng, HTX Phi Vàng ở Đơn Dương, HTX Đông Di Linh ở Di Linh; các Tổ Hợp tác đã hợp đồng cùng các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra gồm: Tổ Hợp tác hoa cắt cành liên kết với Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Tổ Hợp tác Suối Thông B cung cấp rau cho siêu thị Metro; Tổ Hợp tác bò sữa Hiệp Thạnh liên kết với Công ty cổ phần sữa Đà Lạt; Tổ Hợp tác sản xuất trà Phúc Thọ liên kết với Công ty TNHH Trà Long Đỉnh; Tổ Hợp tác Hương Sắc liên kết với Công ty TNHH Hoa Mặt Trời…        
Qua việc tổ chức liên kết sản xuất đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ về chọn giống, kỹ thuật canh tác, tăng giá trị thu nhập trung bình các loại cây trồng lên cao như: cà phê từ 95- 100 triệu đồng/ha/năm, rau từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm; hoa trên 500 triệu đồng/ha/năm…   
Những giải pháp đạt tỉnh nông thôn mới
Mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới với 90 xã, 8 huyện hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia, trong đó nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 70- 73 triệu đồng. Thực hiện phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, Lâm Đồng xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn với các giải pháp trọng tâm gồm: đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất hàng hóa nông sản và nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng, mở rộng hệ thống ao, hồ nhỏ, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm...   
Với hệ thống hạ tầng nông thôn được nâng cấp và xây dựng mới hoàn thiện nêu trên, tỉnh nông thôn mới Lâm Đồng duy trì diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 355.000ha với cơ cấu bố trí phù hợp, đạt các tỷ lệ diện tích 100% cơ giới hóa khâu làm đất, 60% chủ động nước tưới, 30% cơ giới hóa đến khâu thu hoạch. Riêng chăn nuôi đạt tỷ trọng từ 20- 25% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 3.100ha,  đạt tổng sản lượng 14.000 tấn, trong đó sản lượng cá nước lạnh khoảng 2.000 tấn. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với việc thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy việc hình thành các mô hình hợp tác, liên kết liên xã, liên huyện, nhằm ổn định sản xuất, tăng giá trị nông sản; khôi phục, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống…
Đặc biệt, Lâm Đồng cũng đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ cấp huyện, cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương đến năm 2020./.
THANG 12/2015