VĂN VIỆT
Một buổi sáng trời đông Đà Lạt, lão
nông Nguyễn Văn Thứ ở Làng hoa
Vạn Thành vừa bước ra khỏi cửa vườn hoa hồng cắt cành thì bị tôi “chặn đường”. Khi
biết công việc của nhà báo, ông Thứ cười xòa : “ Bây giờ hoa hồng Vạn Thành đã tăng
năng suất hàng năm đến triệu triệu cành. Trong khi ngày xưa ghép trồng được mấy
luống hoa hồng trong hộ gia đình là cả một quá trình dài…”
Ghép hoa hồng theo kỹ thuật xứ Hàn
Ông Thứ dẫn tôi quay ngược vào trong vườn hoa hồng nhà
kính để tham quan từng nhành cây, ngọn lá, búp nụ…tươi xanh. Đã sắp đến ngưỡng
tuổi 70, nhưng ông Thứ vẫn nhanh nhẹn đưa tôi đến từ bên luống cây này rẽ sang
luống cây khác, rổi sải bước lên xuống nhiều bậc cấp gồ ghề, trơn ướt do vừa tưới
nước phun mưa tự động. “ Hoa hồng ở Làng hoa Vạn Thành sản xuất trong nhà lồng
ni lông là nhằm che mưa, che nắng, ngăn chặn dịch hại xâm nhập từ bên ngoài,
chủ động được lượng nước tưới, phân bón, phòng trừ sâu bệnh…Ở đây quen gọi sản
xuất hoa hồng trong nhà kính là chưa đúng lắm đâu. Vì nhà kính phải lắp đặt các
vật liệu mái che bằng kính, khung sườn bằng nhôm, sắt không gỉ…với hệ thống
điều hòa nhiệt độ tự động như trang trại của các doanh nghiệp trồng hoa xuất
khẩu ở Đà Lạt và các vùng phụ cận …”- lão nông Thứ phân biệt rõ 2 hình thức “thiết
kế” nhà sản xuất khác nhau.
Nhớ lại những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nông
dân Đà Lạt bắt đầu dựng lên nhà kính (ông Thứ gọi là nhà lồng) rải rác ở các vùng sản xuất rau, hoa. Không thể có đủ vốn
để đầu tư nhà kính với thiết bị vật tư hiện đại nhập về từ nước ngoài, ông Thứ đi
tiên phong thử nghiệm từ nhà lồng ni lông khung tre lồ ô (rỗng ruột) đến khung tre
tầm vông (đặc ruột) để canh tác hoa hồng, sau đó bổ sung dần tỷ lệ kết cấu
trước khi phổ biến rộng rãi cho khá nhiều hộ nông dân trong Làng hoa Vạn Thành
lắp đặt sử dụng cho đến tận bây giờ. Đáng kể, bên trong từng nhà lồng “cốt
tre”, người trồng hoa hồng Vạn Thành còn được ứng dụng khá hiệu quả kỹ thuật
ghép mầm chồi giống hoa hồng có nguồn gốc từ nước Pháp với gốc hoa tường vi Đà
Lạt mà lão nông Thứ đã tiếp cận, chuyển giao từ các chuyên gia nông nghiệp ở
Hàn Quốc cách đây khoảng nửa thế kỷ. Ông Thứ kể: “Hồi đó tôi thường tranh thủ sau
những giờ học cấp trung học, cùng bố mẹ ra vườn thực hành ghép hoa hồng theo sự
cầm tay hướng dẫn trực tiếp của những kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc. Lúc triển
khai ghép sản xuất đại trà, hộ gia đình chúng tôi đạt tỷ lệ cây sống từ 50- 60%
là thành công lắm rồi….” Năm ấy- năm đầu tiên thu hoạch hoa hồng ghép thương
phẩm trên diện tích 1.000m² ngoài trời, hộ
gia đình bố mẹ ông Thứ ước đạt lãi gấp 2 lần trồng rau xanh các loại.
Nhân rộng triệu triệu đóa hoa hồng các giống
từ trời Âu
Sau
này khi ổn định kỹ thuật sản xuất hoa hồng chất lượng cao trên hàng chục ngàn
mét vuông nhà lồng ở Làng hoa Vạn Thành, ông Thứ chính thức khuyến cáo nông dân
trong vùng về các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hoa hồng cây ghép sinh trưởng đạt
theo mong muốn còn thấp là: thao tác cắt ghép không ăn khớp giữa mắt ghép mầm
chồi với mắt ghép từ vị trí gốc; sử dụng mắt ghép không khỏe mạnh, tiềm ẩn nhiều
mầm bệnh; cột buộc bao ni lông không kín, dẫn đến nước thấm chỗ ghép gây úng
thối; chưa sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng để phòng trừ kịp thời các loại
bệnh hại như nhện đỏ hút nhựa cây, nhiễm mốc sương rụng lá, mọt đục khô cành…
Từ niềm đam mê kỹ thuật ghép, chăm sóc các loài hoa
hồng - loài hoa của tình yêu, đã tạo động lực cho ông Thứ luôn giữ vững diện
tích tối thiểu để mở rộng chuyên canh đến ngày nay - dù trải qua nhiều giai
đoạn thăng trầm chuyển đổi sang trồng rau các loại đến trồng cà phê chè. Hiện với
quy mô diện tích 2,5 ha hoa hồng ghép giống mới từ châu Âu nhập về như: đỏ Hà
Lan, đỏ son, xác pháo, trắng xoáy, vàng ánh trăng…,ông Thứ đang “khoanh nuôi”
gần 0,2ha; còn lại diện tích hơn 2,3ha đã “chuyển giao” kỹ thuật sản xuất cho 5
người con lập gia đình ở riêng. Trung bình trên diện tích 1.000m² cứ 2 ngày thu cắt 1 lần khoảng 1.500 cành, nhân trên
tổng diện tích 25.000m² mỗi năm, gia đình
ông Thứ cung cấp ra thị trường trong nước hơn 6,5 triệu cành hoa hồng các loại
chất lượng cao, nhiều sắc màu rực rỡ đặc trưng của xứ lạnh Đà Lạt.
THÁNG 12/2015