VĂN VIỆT
Xác định việc đầu tư tín dụng để tái
canh, cải tạo giống cà phê là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2013- 2015, Agribank
Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo cũng
như trong tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được những
kết quả đáng kể bước đầu.
Giảm lãi suất từ 1,5 – 2%/năm cho người
vay tái canh cà phê
Ngày 17/5/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình
tín dụng tái canh, cải tạo giống cà phê Lâm Đồng, giai đoạn 2013 – 2015. Theo
đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cam kết tái cấp vốn 5.000tỷ đồng để tạo điều
điều kiện cho Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng giảm lãi suất từ 1,5 đến 2%/năm
cho người vay tái canh cà phê so với lãi suất cho vay thông thường. Với mạng
lưới chi nhánh và phòng giao dịch bố trí rộng khắp trên địa bàn, Agribank Chi
nhánh tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ các trang thiết bị ngân hàng hiện đại, cùng với
đội ngũ cán bộ tín dụng phân công phụ trách đến từng khu vực thôn, xã, đã chủ
động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu vốn
vay của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, từ đó xây dựng bản đồ chi tiết tái
canh cà phê giai đoạn năm 2013 – 2015. Đồng thời in ấn, cấp phát tờ rơi đến
từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để kịp thời nắm bắt về quy trình, thủ tục rút
ngắn thời gian thẩm định cho vay; tư vấn khách hàng sử dụng vốn vay tái canh cà
phê đạt hiệu quả cao. Hàng tháng họp giao ban đánh giá kết quả, thống nhất các giải
pháp thực hiện cho tháng tiếp theo. Hàng quý phát động phong trào thi đua hoàn
thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà
phê.
Với những giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, kết
quả theo thống kê của Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, đến đầu tháng 11/2015, đã
giải ngân gần 700tỷ đồng cho hơn 5.100 khách hàng trên các địa bàn Lâm Đồng đầu
tư tái canh, cải tạo giống cà phê trên tổng diện tích khoảng 7.500ha. Hiện với tổng
dư nợ hơn 640 tỷ đồng (hơn 5.100 khách hàng) tại Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm
Đồng, chiếm tỷ lệ gần 88% tổng dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên
địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Báo cáo của Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đánh
giá: “ Trong gần 3 năm triển khai chương trình đầu tư tín dụng tái canh, cải
tạo giống cà phê trên địa bàn, Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng thực hiện đúng
theo cam kết đáp ứng nhu cầu vốn của người dân…”
Tiếp tục “trẻ hóa” hơn 16.250ha cà phê
Chương trình “trẻ hóa” cây cà phê Lâm Đồng bằng các
phương pháp tái canh trồng mới, ghép cải tạo giống mới, từ nay đến năm 2020,
Agribank Chi nhánh Lâm Đồng xây dựng mục tiêu đầu tư hơn 1.765 tỷ đồng vốn vay
tín dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng mới 6.650ha và ghép cải
tạo 9.600ha. Để hoàn thành mục tiêu này, Lâm Đồng tiếp tục áp dụng những chính
sách ưu đãi cho vay tái canh cà phê được trên địa bàn như: rút ngắn một nửa thời gian giải quyết
cho vay theo quy định hiện hành của Agribank; người vay tái canh cà phê còn
được ân hạn tối đa 4 năm đối với diện tích trồng mới và 2 năm đối với diện tích
ghép cải tạo; kể từ ngày 15/9/2015, các khoản cho vay trước đây có lãi suất cao
hơn 7%/năm đang trong thời gian ân hạn đều điều chỉnh về lãi suất 7%/năm; tỷ lệ
đầu tư tín dụng có thể lên tới 80% nhu cầu vốn vay tái canh cà phê; thời gian
vay tái canh kéo dài đến 8 năm; không thu phí khách hàng trả nợ trước kỳ hạn; khách
hàng có thể dùng tài sản hình thành từ vườn cà phê tái canh để bảo đảm vốn vay;
trường hợp khách hàng đã dùng toàn bộ tài sản thế chấp cho ngân hàng nhưng vẫn
không đủ, Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng có thể xem xét cho vay một phần vốn
không có tài sản bảo đảm.
Báo cáo của Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng còn đặc
biệt quan tâm đến giải pháp “ tích cực, chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn từ
các chương trình, dự án, kể cả nguồn vốn FDI, ODA, nguồn vốn ký quỹ của nhà đầu
tư để tăng khả năng cân đối vốn tại chỗ và có điều kiện hạ thấp lãi suất cho
vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn…”./.
THÁNG 12/2015