Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Tăng nhanh cà phê tái canh ở Bảo Lâm

VĂN VIỆT
Huyện Bảo Lâm là một địa bàn tái canh cà phê khá sớm của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích đã hoàn thành gần 16.000ha, trong đó có nhiều diện tích đạt năng suất vượt trội từ 7- 8 tấn nhân/ha. So với kế hoạch tái canh cà phê hàng năm, huyện Bảo Lâm luôn đạt đến tỷ lệ 120%.

Nhân rộng 45 vườn cà phê đầu dòng
Đầu tháng 12/2015, tôi đến một trong những khu vực cà phê ghép tái canh hiệu quả cao của huyện Bảo Lâm đang vào đầu mùa thu hoạch ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức. Gặp ông Lê Quang Linh, chủ hộ gia đình với 10ha cà phê tái canh đang thuê khoảng 5 lao động thu hái mỗi ngày khoảng 1,5 tấn trái tươi ( khoảng 3,7 tạ nhân). Thu hoạch đến đâu phơi bóc vỏ đến đó rồi cất trữ trong nhà kho, chọn thời điểm có giá tốt nhất mới bán. “Mỗi hecta cà phê ghép tái canh của hộ gia đình chúng tôi năm ngoái thu hoạch được 8 tấn nhân, năm nay ước giảm xuống còn 7 tấn/ha. Thường theo chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê tái canh, năng suất năm này thu đạt mức đỉnh cao nhất thì năm sau hạ xuống một phần và ngược lại.”-ông Linh chia sẻ hiểu biết về nghề chăm sóc cà phê tái canh của mình. Theo đó, hộ gia đình ông Lê Quang Linh bắt đầu thực hiện ghép tái canh từ năm 2008 với diện tích 3ha, đến năm 2010 thì hoàn thành trên tổng diện tích 10ha. Hình thức chủ yếu là ghép chồi cao sản trên gốc cà phê vối trên 20 năm tuổi. Chăm sóc đến năm thứ 2, thứ 3 thì thu trái bói trên cà phê cây ghép đạt khoảng 4 tấn nhân/ha và tăng dần đến 7 – 8 tấn nhân/ha từ năm thứ 4 trở đi.
Cũng như những hộ nông dân khác ở Bảo Lâm lúc bấy giờ, hộ ông Lê Quang Linh được cung cấp nguồn mầm chồi cà phê ghép cao sản từ các khu vườn do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng thí điểm thành công trên địa bàn đầu những năm 2000. Đến các giai đoạn năm 2007- 2010 và năm 2013- 2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm nhân rộng lên tất cả 45 vườn nhân giống cà phê đầu dòng cao sản với tổng diện tích ổn định gần 17ha, tọa lạc trên khắp các địa bàn sản xuất cà phê tập trung trên địa bàn, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thẩm định và công nhận. Thông qua nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án mục tiêu, nguồn vốn hỗ trợ tín dụng của nhà nước và nguồn vốn tự huy động của nông dân, tính đến thời điểm tháng 12/2015, toàn huyện Bảo Lâm đã sử dụng nguồn giống cà phê đầu dòng sản xuất ở địa phương để thực hiện tái canh trên gần 16.000ha với hình thức ghép cải tạo và trồng mới, chiếm 58,5% trên tổng diện tích cà phê hiện có. Trong đó tính riêng 3 năm vừa qua, diện tích cà phê tái canh ở huyện Bảo Lâm đạt gần 5.520ha và được hỗ trợ nguồn vốn tái canh của ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng. Năng suất cà phê bình quân trong huyện đạt 4 tấn nhân/ha, cao hơn gấp đôi so với cây cà phê già cỗi trước khi tái canh.     
Đạt 80% diện tích cà phê tái canh
UBND huyện Bảo Lâm cho biết thêm: “ Sau khi có Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 09/5/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn năm 2013- 2015, UBND huyện Bảo Lâm đã tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị chức năng. Đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay, UBND cấp xã được giao trực tiếp chủ trì triển khai chương trình tái canh cà phê… ”Kết quả hàng năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm đều tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cà phê ký cam kết đảm bảo chất lượng, chủng loại, số lượng cây giống cà phê phục vụ chương trình tái canh trên địa bàn. Tất cả địa chỉ vườn ươm, cơ sở kinh doanh cây giống đảm bảo chất lượng qua kiểm tra đều cung cấp cho chính quyền địa phương trong huyện Bảo Lâm thông báo rộng rãi đến người nông dân. Với nông dân, giai đoạn năm 2013- 2015, ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã tổ chức hơn 180 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê theo quy trình hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thu hút 9.100 lượt người tham gia.  
Mục tiêu đến năm 2020, huyện Bảo Lâm tiếp tục tăng diện tích cà phê tái canh để đạt tỷ lệ 80% trên tổng diện tích cà phê hiện có. Những giải pháp trọng tâm đã được thông qua ở đây gồm: Hàng năm lồng ghép các nguồn vốn tái canh cà phê để đầu tư phù hợp trên từng diện tích; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tế sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm soát chất lượng cây giống, tăng cường công tác khuyến nông, phổ biến kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương…/.
THANG 12/2015