Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Vườn thư pháp Đà Lạt

 MẠC KHẢI
Ở Đà Lạt bây giờ có thêm món quà đặc biệt cho người địa phương và du khách khi lạc vào vườn thư pháp Đà Lạt. Trong vườn được các ông đồ Đà Lạt liền tay bút viết tặng những con chữ rồng bay phượng múa, mang thông điệp của tình yêu, lẽ sống của con người… 

Vườn thư pháp Đà Lạt được chính thức ra mắt với tư cách là Câu lạc bộ Thư pháp Đà Lạt thành lập theo quyết định ngày 18/02/2008 của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Câu lạc bộ ( CLB) quy tụ gần 10 nhà thư pháp “lão làng” của Đà Lạt. Nhà thư pháp Lê Văn Mưu ( Mưu Lê) được bầu giữ chức Chủ nhiệm CLB.
Phương châm của CLB thật dễ gần: “Vui là chính !”. Có lẽ nhờ vậy mà vào ngày mồng một tết Mậu Tý khai bút ở khu vực Trung tâm lễ hội Lâm Đồng, lượng người đến với thư pháp đông vui đến bất ngờ. Ngày khai bút có 6 nhà thư pháp, trong đó có 2 cây cổ thụ thư pháp chuyên viết chữ Hán. Phố đông người qua lại chen vai thích cánh nên cả 6 nhà thư pháp liền tay bút đến gần 12 giờ trưa mới tranh thủ tìm được chỗ ngả lưng. Rồi đầu giờ chiều lại ngồi vào bàn viết cho chữ. Người đến nhận chữ gồm đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Theo yêu cầu của người nhận chữ, người viết thư pháp được viết trên giấy đỏ, giấy dó màu trắng, kích cỡ 25 cm x 60 cm. 
Những câu chữ mà người xin nhiều nhất thuộc về các câu châm ngôn về mối quan hệ gia đình như: “Mỗi đêm con thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con”; “Nước biển mênh mông không sánh bằng tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha ”. Ý nghĩa trong quan hệ giữa con người với con người trong xã hội như “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng !”; “Nhẫn chi bảo. Bất nhẫn chi ương.”  Cũng có những khách hàng đến chỉ xin duy nhất một chữ đầu xuân như: “Nhẫn”, “Tâm”, “Đức”; hoặc xin một lần ba chữ rời nối kết với nhau như  “Phúc”, “Lộc” và “Thọ”…
Ước lượng của nhà thư pháp Mưu Lê, trong thời gian vườn thư pháp Đà Lạt ra mắt ở khu vực Trung tâm lễ hội Lâm Đồng, có ngày mỗi nhà thư pháp phải viết tặng đến 200 bức chữ. Người đến xin chữ gọi là khách hàng nhưng thực chất người cho chữ chỉ cho tất cả tấm lòng của mình trên mặt chữ chứ hoàn không lấy một đồng tiền thù lao nào. Có 2 nhà thư pháp cây đa cây đề có tuổi đời trên dưới bát thập mà mỗi ngày cũng viết được đến 50 - 60 bức thư pháp bằng chữ Hán để tặng cho người. “Cũng thật là mừng. Hai cụ già thư pháp cứ sau một ngày viết chữ tặng cho người bỗng như có…sức khỏe nhiều hơn…” – Mưu Lê nói. 
Còn nhớ Tết Nguyên tiêu Đinh Hợi ( 2007), các nhà thư pháp Đà Lạt đã thả cho gió cuốn đi lên bầu trời đêm 60 câu thơ “họa” bằng thư pháp. Đến nay họ tập hợp lại chung một vườn thư pháp (Câu lạc bộ), đưa bộ môn nghệ thuật thư pháp đến gần với công chúng hơn. Và nay mai vườn sẽ mở một điểm triển lãm nghệ thuật thư pháp thường xuyên ở một khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Đây là một bước chuyển động mới để phát triển nét văn hóa thư pháp Đà Lạt, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch địa phương; tạo một sân chơi chính thống để các nhà thư pháp Đà Lạt biểu lộ tâm trạng trên hoa tay của mình : “Cảm ơn đời mới sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày mới để yêu thương !
Đà Lạt tháng 4.2008