Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Mơ một màu lam tím


VĂN VIỆT
Xuân Kỷ Sửu phượng tím Đà Lạt nở muộn. Từng chiếc lá phượng nhẹ rơi trong gió mùa đông bắc, tôi chợt nhớ về một người thiên cổ đã mang theo cả giấc mơ về khoảng trời màu lam tím Đà Lạt.

Tôi thường dạo chơi cuối năm trong mênh mông sắc tím của hoàng hôn dốc phố Đà Lạt. Cái sắc tím vời vợi hình bóng một người đàn ông già nua, ốm yếu bên góc đường phố Bùi Thị Xuân những năm chín mươi của thế kỷ trước. Ông là kỹ sư canh nông tốt nghiệp tại Pháp – kỹ sư Lương Văn Sáu - một cội cây phượng tím giờ đã tan loãng vào những ánh chiều tím Đà Lạt. 
Nửa thế kỷ trước trong những kỷ vật du học về quê nhà, kỹ sư Lương Văn Sáu đã cẩn thận đưa giống cây phượng tím về trồng Đà Lạt. Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẫn và tâm hồn hết mực yêu cây hoa của kỹ sư Sáu, hai cây phượng tím bên đường Nguyễn Thị Minh Khai và phía trước nhà hàng Thủy Tạ đã cống hiến trọn những mùa hoa nhuộm lên một khoảng trời tím Đà Lạt. Cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, kỹ sư Sáu bị căn bệnh hiểm nghèo phải giải phẫu dây thanh quản, ông không nói được bằng lời; chỉ nói được qua phương tiện cây bút và tờ giấy với người đối diện. 
Nương tựa bên người bạn đời trăm năm,  ông phải vật vã chống chọi với bệnh tật lại vừa huy động hết trí tuệ còn lại để nghiên cứu giữ cho được gien loài cây phượng tím Đà Lạt. Căn hộ ẩm thấp, chật hẹp đôi chục mét vuông ở khu chung cư Bùi Thị Xuân - nơi kỹ sư Lương Văn Sáu trú ngụ – nằm hụt sâu bên vệ đường. Ông che mấy tấm áo mưa cũ kỹ trên vách tường ngăn để giâm cành phượng tím. Được nhóm người bạn học cũ ở nước ngoài gửi về mấy chất dung dịch hóa học, ông mở góc phòng thí nghiệm trong góc giường ngủ. 
Nhiều lần lân la trò chuyện gần gũi với ông, ông nói:  “Phượng tím trồng Đà Lạt cây không cao lắm. Rễ bàn rộng, rễ cọc sâu, bám chặt trong lòng đất, nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão rất thấp…” Ông nói rằng sinh thái của cây phượng tím không chỉ khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu mà thế cây, dáng cành, chùm lá kim dài quyện lấy vẻ đẹp mộng mơ của cảnh quan Đà Lạt.
Ông già Lương Văn Sáu thường tâm sự: “…Ở nước ngoài khi đi bên hàng cây phượng tím nở rộ, tâm trạng thường trở về những kỷ niệm sâu kín nhất…Với Đà Lạt, cây phượng tím phủ tán lá rộng, có thể khép từng cụm mái lá che bóng mát trên đường phố. Nếu trồng phượng tím thành những hàng cây trải dài một màu lam tím thì sẽ tôn thêm nét đặc trưng cho Đà Lạt nhiều hơn…” Thời gian đi qua không lâu, kỹ sư Lương Văn Sáu không chỉ giâm cành mà còn được đồng nghiệp của ông ở nước ngoài gửi hạt phượng tím về nhân giống thành công. Nhưng rồi chỉ vài năm nối tiếp, căn bệnh thanh quản ác tính đã vội cướp ông vĩnh viễn đi về nơi thiên thu với những ước mơ màu tím đang còn dang dở…
Trong ý tưởng sau này của Sở Du lịch – Thương mại Lâm Đồng ( nay là Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Lâm Đồng) có nói đến những đường hoa chuyên đề, trong đó có những đường hoa chuyên đề màu tím. Đây là thời điểm mà ông “giám đốc du lịch” Nguyễn Trọng Hoàng hay trăn trở rằng phải giữ được môi trường sinh thái tự nhiên cho các loài hoa dại Đà Lạt, trong đó có những loài hoa ấp e nét tím như loài hoa forget me not đã từng làm bối rối không biết bao tao nhân mặc khách. Đồng tình với lời “ông giám đốc du lịch”, tất cả những khu rừng cảnh quan nội ô Đà Lạt đã chấm dứt việc thu gom thực bì rồi đốt cháy thành tro tại chỗ để phòng chống cháy rừng. 
Nhiều phương pháp phòng chống cháy rừng khác đã được thay thế một cách thiết thực đến bây giờ. Phong trào chủ nhật xanh hưởng ứng rộng rãi trên phố dưới phường. Nhiều khuôn viên hoa gia đình được trao tặng đạt danh hiệu xanh, trong đó bắt gặp những luống hoa, giàn hoa tim tím làm say lòng du khách ghé qua. Ở khu rừng sinh thái Thung lũng Vàng gần 200 ha, ông Trần Đình Lãnh, giám đốc đơn vị cung cấp nước sinh hoạt ở Lâm Đồng lại có tâm hồn rất say mê cỏ cây hoa lá. Rừng thông ba lá thuần loại được “ông giám đốc nước” điều hành không những bảo vệ nghiêm ngặt các tầng thực vật hoang sơ mà còn ươm trồng có kết quả những loài cây đặc chủng quý hiếm của Nam Tây Nguyên và của miền Đông Nam Bộ. Sắc tím ở Thung lũng Vàng bốn mùa hoa nở ngẩn ngơ cùng lữ khách. 
Ấy là màu tím nhung lụa của hoa hồng, màu tím đậm đà của hoa ban, hoa vông. Và thật đặc biệt đó là màu tim tím lặng thầm, thủ thỉ vừa lạ vừa quen của hoa sim. Sim trồng tập trung trên tiểu công viên, tỏa cành lá sum suê và đang mở rộng sum sê thành một khoảng công viên lớn hơn ở Thung lũng Vàng... 
Nhưng giờ đây khi dõi về khoảng trời tím Đà Lạt lập xuân như cuốn theo một vùng bâng khuâng xa vắng. Những triền đồi hoa tím, những con đường dốc phố hoa tím, những mái nhà, góc phố lung linh màu lam tím… vẫn bảng lảng đâu đó như khói, như sương, nao lòng khắc khoải. 
Chợt dìu dặt câu hát “…lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ…” hoài vọng lại một Đà Lạt vẫn mải mê ru mình trong giấc mơ màu lam tím…
Đà Lạt lập xuân Kỷ Sửu 2009