Phóng sự VŨ VĂN
Góp nhặt những tin báo rời rạc, tôi về
buôn Lán Mít, vùng sâu của xã Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng để ngược theo những
dấu chân bò “lai xin” đi lại trong 3 năm qua. Nơi đây tháng 5, nắng lên cao,
đồng cỏ vẫn xanh, nhưng hàng chục con bò “lai xin” của dự án giảm nghèo vẫn một
đi không trở lại.
HẾT “LAI XIN”, PHẢI LÀM THUÊ
Chạy theo sau chiếc xe máy của Ha Hứ tung bụi mờ, tôi
đến buôn Lán Mít gần trưa vắng lặng. Ha Hứ bảo:
“Hầu hết dân làng đã đi cuốc đất vườn rẫy cho mình và cuốc đất làm thuê
cho người khác. Thường cuốc đất cho mình thì trưa về nhà nấu cơm ăn, chiều lại
đi đến tối lại về nhà xem ti vi. Còn làm thuê ở những vùng đất khác trong và
ngoài xã Tà Năng thì sáng đi, tối về; hoặc cách mấy ngày mới về lại làng một
lần. Sáng nay, may quá, em ra trụ sở xã có công việc nên mới được gặp nhà báo..”
Ha Hứ, một người đàn ông năm nay bốn mốt tuổi, làm Cụm
trưởng Cụm Lán Mít (thôn Tà Nhiên, xã Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng) từ năm 2008
- năm ghi tên khu định cư mới của 50 hộ gia đình người đồng bào thiểu số từ xã
N’Thol Hạ, Đức Trọng chuyển đến. Ngày vào buôn Lán Mít mới, mỗi hộ gia đình
được nhà nước cấp cho các tài sản gồm một căn nhà xây gạch kiên cố, rộng gần 40
mét vuông, mái lợp tôn để ở, 01 ha đất đã khai hoang vỡ hóa, 01 con bò cái “
lai xin” và nhiều khoản trợ cấp khác…để thêm điều kiện phát triển sản xuất, chăn
nuôi…Buôn mới nối liền với trung tâm xã Tà Năng bằng đường đá cấp phối rộng rãi,
dài hơn một cây số, các loại xe trung tải đều vào ra được dễ dàng. Cảnh Lán Mít
sau 3 năm định cư mới đã phủ xanh màu lá cà phê, nhà cửa quy hoạch liền kề nhau
đẹp mắt; điện lưới thắp sáng đến nơi; chỉ tiếc bây giờ chuồng trại chăn nuôi bò
“lai xin” thì cứ lần lượt dỡ bỏ, trống trơn. “Đã hơn 40 chục con bò cái “lai
xin” cứ nối đuôi nhau đi ra khỏi làng trong vòng hai năm trở lại đây, không về
nữa…Tổng cộng 50 con bò cái “lai xin” ngày đầu nhà nước cho Lán Mít nay chỉ còn
9 con mà thôi…”- Ha Hứ buồn buồn.
Những người Lán Mít không còn bò “lai xin” chăn
thả thường rủ nhau đi làm thuê nhiều vùng khác trong xã Tà Năng và các xã lân
cận như làm cỏ, cuốc hố trồng cà phê, làm ruộng lúa…mỗi ngày công thu nhập từ
70 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng. Trong tháng, người nào kiếm được 10 ngày công làm
thuê là khá lắm; còn đa số thì chỉ kiếm
được năm, bảy ngày có việc mà thôi. Mùa khô này, việc vườn rẫy trong nhà lại
nhàn hơn vì chờ mưa mới gieo giống bắp vườn. Lán Mít chưa có thủy lợi bơm nước
tưới tiêu nên đất trồng mỗi năm chỉ được một lứa bắp trong mùa đủ mưa vừa nắng,
thường vào thời điểm xuống giống tháng 6, tháng 7 đến tháng 9, tháng 10 thu
hoạch. Mỗi hộ gia đình Lán Mít hàng năm trồng từ 3 sào đến 5 sào bắp, ban đầu năng
suất mỗi sào đạt trung bình được mấy tạ. Những hộ luân canh trồng thêm cây mì
thì mỗi năm cũng thu hoạch thêm năm, bảy tạ trên đơn vị một sào đất. Còn cà phê
thì trung bình mỗi hộ đồng bào cũng trồng được trên dưới 5 sào đất, nay đang
bước sang năm thứ ba, cành lá lên xanh là nhờ nước trời. Tính ra mỗi gia đình Lán
Mít hàng năm làm cỏ cà phê, trồng bắp, mì… tối đa chỉ 9 tháng là hết việc. 3
tháng còn lại là thời gian nông nhàn.
BỎ RƠI “LAI XIN ”?
Nông nhàn, bò “lai xin” đã bán, con gái, con rể đi làm
thuê ở các vườn ruộng xa xa, già làng Ha Loan, hơn 80 tuổi, ở nhà giữ máy đứa
cháu ngoại nhỏ, tranh thủ đi kiếm lồ ô về nhà đan gùi bán lấy tiền. Mới chào
hỏi, già làng Ha Loan đã lo lo : “ Nhờ nhà báo nói là cây lồ ô ở Lán Mít bây
giờ khó tìm quá. Mai mốt hết lồ ô rồi, già làng không biết làm gì thêm, buồn
lắm… ” Trông đôi bàn tay nhăn nheo luồn chặt từng sợi nan lồ ô vào nhau, chắc
là già đã biết nghề nông nhàn từ thời còn khá trẻ. Nếu không thì đến khi qua tuổi
qua bát thập này, già làng làm sao có thể đan xong một chiếc gùi lớn trong vòng
một tuần. Giá hiện tại một chiếc gùi bán được khoảng 100 ngàn đồng, người đồng
bào thiểu số và cả người kinh trong xã Tà Năng đặt mua rất nhiều, nhưng lồ ô có
hạn, sức già cũng yếu dần đi, không thể “đủ cung” được.
Cách nhà già làng Ha Loan mấy căn ở đoạn đầu buôn Lán
Mít, một gia đình trẻ (chồng, vợ mới 30 tuổi) đang dở bỏ hết chuồng bò “lai
xin” để nới rộng căn bếp. Chủ hộ, người chồng Ha Thứ thật thà: “Bò cái nuôi hơn
hai năm mà không có bò đực nên không đẻ ra bò con, tôi phải bán đi để mua chiếc
xe máy. Cỡi chiếc xe máy đi làm thuê, tôi kiếm được tiền hơn là để nuôi bò…”
Hỏi bán bò ở đâu, bán bằng cách nào, Ha Thứ cho biết có nhiều người ở trong và ngoài
xã Tà Năng đến tận nơi hỏi mua, người bán cứ nhận tiền xong rồi người mua tự
dắt bò ra khỏi Lán Mít. Mua bán diễn ra cả ban ngày và cả ban đêm. Chính quyền
xã Tà Năng nghe tin, cử cán bộ xuống vận động bà con đừng bán “lai xin”nữa. Bà
con nghe và làm theo nhưng chỉ mấy tháng sau, cán bộ xã không xuống nữa, lại
tiếp tục có hộ gia đình…hết “lai xin”. Hỏi tiền bán bò “lai xin” ngoài mua xe
máy còn dùng làm gì nữa thì Cụm trưởng Ha Hứ chỉ nói có số bà con mua gạo, mì
về nhà để dành ăn thời gian dài; số khác để tiền lại trong nhà hay gửi ở đâu
cũng không biết nữa (?!)
Thấy “lai xin” trong làng bán đến con số 40/50 con, nhiều
người ngoài làng liên tục đến gạ mua, Ha Hứ rất sốt ruột. Khi nghĩ mình là cụm
trưởng, phải làm gương cho bà con nên Ha Hứ đã quyết giữ lại được con bò “lai
xin” trong gia đình mình. Sau đó gặp may có một con bò cái “lai xin” của hộ Ha
Tư trong làng bất ngờ mang bầu. Cái bầu của “lai xin” to rõ dần ra, đến lúc đẻ
ra con bò đực nghé thì cả làng mới vỡ ồ ra, chép miệng tiếc rẻ : “Sao mình lại
bán bò “lai xin” vội quá !” Thắc mắc trong
buôn Lán Mít không có bò đực, làm cách nào giúp bò cái “lai xin” có bầu được,
người vợ của Ha Tư là Ka Phênh cười cười : “Khi thả con bò cái “lai xin” đi ăn
cỏ ven suối, nó chạy sang bờ cỏ ở làng xa bên kia, và gặp con bò đực…” Từ đây biết
xã Đa Quyn cạnh bên có nhiều bò đực, cụm trưởng Ha Hứ mới chính thức đem con bò
cái mẹ “lai xin” của mình sang đổi thành 2 con bò cỏ con, một đực, một cái về
nuôi đến giờ…
Tính ra còn lại 9 con bò cái “lai xin” của dự án giảm
nghèo được triển khai từ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng xuống xã Tà Năng từ ba năm
trước, nay đã có bò đực cỏ phối giống, bà con cũng yên tâm phần nào. Nhiều hy
vọng là bò cái “lai xin” không còn bán ra khỏi Lán Mít nữa. Nhưng khi đặt vấn
đề “hy vọng” này dự báo được bao nhiêu phần trăm thì ông Nghiêu Văn Kỷ, Trưởng
Ban thú ý xã Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng nhận định : “
Lán Mít ước có đến cả trăm
ha đồi cỏ tự nhiên, quanh năm xanh tốt, rất thích hợp cho bò “lai xin” tăng
đàn. Có điều dự án bò “lai xin” giảm nghèo về Lán Mít trong 3 năm qua, thực tế
chỉ mới đi được nửa đường. Người chủ dự án cấp cho toàn bộ 50 bò cái “lai xin” cho
dân Lán Mít rồi gần như không trở lại nữa. Loay hoay tìm lối ra mới, dân làng
mới đổ xô bán hết 40 con bò cái “lai xin” như vậy…”.
Đức Trọng- Đà Lạt tháng 5/2011