VĂN
VIỆT
Dạo phố thị sông
nước miền Tây Nam Bộ vào những đêm đông này, tôi được gặp nhiều đôi bạn nam hát
rong thật đặc biệt. Cả hai mới chớm vào tuổi thanh xuân mười chín đôi mươi, hồn
nhiên hát, say sưa hát để…bán cho thật nhiều những thỏi kẹo kéo thon dài như
ngón tay búp măng. Chỉ cần hai ngàn lẻ, khán giả có thể thong thả nhai kẹo ngọt
thơm và thưởng thức những bài hát theo yêu cầu.
“Ê nhỏ, sao chưa
tới bài dạ cổ…” – người đàn ông trung niên lim dim bảo. “Dạ, ca hết bài này là
tới… ”- cậu con trai đang điều chỉnh âm thanh trả lời gọn ghẽ. Rồi đến lượt
người kế tiếp đưa ra hai ngàn lẻ, nhận lấy thanh kẹo và rối rít…yêu cầu. Đôi
bạn thay thế nhau, người hát, người “phụ trách kỷ thuật” cho đến khi vãn khách
mới di chuyển sang chỗ đông bgười khác. Tôi hỏi đôi bạn bắt chước ở đâu mà sắm
nên cái giàn máy hát rong này thì được trả lời rằng hễ đủ số tiền là có thể mua
đồ cũ về tự lắp đặt.
Một chiếc tăng âm, một chiếc đầu trộn âm thanh, một chiếc
đầu đĩa, một chiếc micro không dây và hai thùng loa cùng đấu kết với nhau trong
chiếc bình ắc quy tích điện một chiều là thành giàn nhạc thôi mà ! Nhưng mua
giàn nhạc này ít nhất cũng phải đủ năm triệu đồng mới nghe được âm thanh nổi,
nghe trầm bỗng không bị “phô” hay bị “chỏi” nhau chan chát. Kế nữa là công đoạn
cố định trong thùng ván ép sao cho chắc chắn, gọn gàng. Thêm năm triệu đồng nữa
để mua chiếc xe máy Trung Quốc ( đã hết bảo hành ) để vận chuyển lưu động. Vị
chi tất cả mười triệu đồng làm phương tiện hành nghề.
Tiếc rằng tôi
không có điều kiện thời gian để theo chân đôi bạn trai hát rong cho hết một đêm
đông. Trở về khách sạn, tiếng hát của đôi bạn trai ấy như cứ cô đọng lại, ám
ảnh bên mình. Dẫu ngoài phố kia bây giờ vẫn còn chớp đèn màu xanh đỏ của những
tụ điểm karaoké, bên trong ấy là những
tiếng cười ngả nghiêng, những giọng hát khàn đặc vì khói thuốc và men cay bia
rượu… Tháng 12/2007