VĂN VIỆT
Nông dân Bùi Phú Quốc ở Làng hoa Thái
Phiên, Đà Lạt đã tự thực nghiệm có kết quả phương pháp một lần trồng, hai lần
thu hoạch đối với hoa cúc nhà kính, tiết kiệm khá nhiều nguồn vốn đầu tư sản
xuất ban đầu.
Hoa
cúc các loại trồng trong nhà kính ở Làng hoa Thái Phiên nói riêng và vùng
chuyên canh hoa Đà Lạt nói chung, mỗi năm trồng và thu hoạch đến 3 vụ, mỗi vụ từ
khi xuống giống đến khi thu hoạch kéo dài hơn 3 tháng. Cứ sau một vụ thu hoạch thì
buộc phải xuống giống trồng cây con mới cho vụ tiếp theo, nên nông dân Bùi Phú
Quốc (sinh năm 1974) ở Thái Phiên đã rất trăn trở để tìm ra quy trình chăm sóc một
gốc cây cúc sẽ thu được 2 lần hoa nở. Qua nhiều lần thực nghiệm trên nhiều
luống hoa cúc khác nhau, Quốc phát hiện ra một điều đơn giản rằng: “Phải nuôi cho bộ rễ phát triển tốt nhất mới
đủ sức hút dinh dưỡng từ đất, từ đó phân bổ cho cơ thể của cây được tái sinh khỏe mạnh thêm lần nữa…”
Vừa tự nghiên cứu và tự bổ sung kinh nghiệm, đến đầu năm
2011, Quốc bắt đầu dành riêng một diện tích chuyên canh trên 500 mét vuông đất để
trồng hoa cúc “hai lần nở”. Tuần tự trước khi xuống cây giống mới, Quốc đã xử
lý khá kỹ lưỡng các khâu làm đất gần một tuần lễ, gồm từ khâu cày đất, dọn vệ
sinh sạch sẽ những phế phẩm của cây trồng sót lại khi thu hoạch, đến khâu đảo
đất thật tơi xốp, và cuối củng là khâu vun đất lên thành từng luống. Đặc biệt
trong khâu bón lót phân, Quốc đã tăng thêm tỷ lệ chất dinh dưỡng để bơm phun trực
tiếp vào đất.
Kết
quả lần thu hoạch đầu tiên sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc hoa nở lần đầu đạt chất
lượng thương phẩm trên dưới 70 ngàn cành trên mỗi sào. Hoa cắt cành thu bán
xong, Quốc giữ lại phần gốc có chiều cao so với mặt đất trung bình 20cm. Thu
dọn, gom đốt hết những cành, lá, thân cây hoa rơi vãi trên mặt đất rồi rải đều
vôi, rải đều các loại phân vi sinh xung quanh gốc cây, tưới nước một lần. Trong
vòng 1 tuần tiếp theo không tưới nước, từ 19 giờ tối đến 4 giờ sáng hàng ngày,
trong phạm vi 3 mét vuông phải thắp sáng 01 bóng đèn điện. Quốc phân tích : Thắp
đèn điện trong những giờ không có ánh sáng mặt trời nhằm ức chế cây không ra nụ
hoa để tập trung dinh dưỡng phát triển chiều cao của cành; và để gốc cây không
tưới nước một tuần lễ nhằm tạo cho “vết thương” được khô ráo, tự hàn gắn và hồi
phục.
Thời
gian sau hơn nửa tháng “cắt tái sinh”, mỗi gốc cây hoa cúc lứa trước đã nhanh
chóng sinh ra mới từ 3- 5 mầm cây. Quốc chọn 01 mầm cây tốt nhất để chăm sóc
cho hoa nở lứa tiếp theo. Đồng thời để tăng các thành phần dinh dưỡng cho bộ rễ
cây kích thích phát triển nhanh và mạnh, Quốc chọn mua ngoài thị trường các
loại chế phẩm sinh học chất lỏng, phối trộn với các chất lỏng được “chiết xuất”
từ phân chuồng, phân cá và phân rong biển, hòa tan theo tỷ lệ 01 lít nước phân
với 100- 120 lít nước tự nhiên rồi phun đều trên luống cây. Cuối cùng giành
thêm gần 01 tiếng đồng hồ để bơm tưới “nước trong” ngấm đều xuống toàn bộ diện
tích cúc tái sinh lần 2 đang trồng. Chỉ từ 3- 4 ngày sau đó, cây hoa cúc đều phát
triển xanh um, đạt chiều cao từ 40- 50 cm như cây giống trồng lần đầu. Trong hơn 70 ngày tiếp theo, những công đoạn
chăm sóc để thu hoạch hoa cúc lần 2 đều tiến hành theo quy trình như chăm sóc
hoa cúc lần đầu.
Đến
nay sau 4 lứa thu hoạch hoa cúc nở lần 2 với sản lượng và chất lượng hoa cắt
cành đều có kết quả tương đương với lần đầu, Quốc ước tính cứ 01 sào đất đã
tiết kiệm được gần 9 triệu đồng tiền giống và tiền công làm đất - tính theo giá
thị trường cuối tháng 11.2012. Hiện tại Quốc tiếp tục trồng và chăm sóc trên 700
mét vuông hoa cúc “một lần trồng, hai
lần thu” đang lên xanh tốt, dự kiến thu hoạch lần 1 vào tháng 12.2012 và thu hoạch
tiếp lần thứ 2 vào tháng 4/2013.
Ông
Nguyễn Đăng Hiến, Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực, Đà Lạt đã đánh giá phương pháp trồng
hoa cúc một lần, thu hoạch hai lần của nông dân Bùi Phú Quốc, xã viên của HTX như sau: Đây là phương
pháp mang lại 2 lợi ích chính cho nông dân khi trồng. Thứ nhất, đã dành thêm
một lượng cây giống đáng kể để trồng trên diện tích đất mới hàng năm. Thứ hai,
đất không phải cải tạo lại lần 2 mà vẫn được tăng cường nhiều nhất các thành
phần dinh dưỡng. HTX đang dự kiến tổ chức các buổi “hội thảo đầu bờ” tại vườn
hoa cúc thu 2 lần của xã viên Bùi Phú Quốc để phổ biến cho những xã viên khác trong
HTX tham khảo, nhân rộng quy trình.
Đà Lạt tháng
11/2012
***Hoa cúc nở lần 2, đạt năng suất cao
***Hoa cúc nở lần 2, đạt năng suất cao
Ngày 06/5/2013, vườn hoa cúc nở lần 2
trên 700m2 nhà kính của nông dân Bùi Phú Quốc tại Thái Phiên, Đà Lạt đã thu hoạch
với tổng sản lượng khoảng 45 ngàn cành, bằng khoảng 90% sản lượng hoa cúc nở lần
1.
Đây là kỹ thuật cắt gốc, tạo mầm cây hoa cúc mới sau khi thu hoạch lần 1, do anh Quốc tự nghiên cứu, trồng thực nghiệm thành công từ đầu năm 2011 đến nay, gồm 5 lứa hoa đã thu lần thứ 2, mỗi lứa tiết kiệm hơn 6 triệu đồng tiền giống cây trồng mới và tiền vật tư nông nghiệp trên diện tích 700m2.
Thời gian cắt gốc, chăm bón với kỹ thuật riêng của anh Quốc đã cho kết quả hoa cúc nở lần 2 kéo dài gần 3 tháng, tương đương với thời gian chăm sóc hoa cúc nở lần 1. Hiện anh Quốc đang tiếp tục cắt gốc, tạo mầm mới cho hoa cúc trên 700m2 nhà kính khác trong vườn nhà của mình vừa thu hoạch lần 1, dự kiến sẽ thu hoạch lần 2 vào tháng 8/2013.
Đây là kỹ thuật cắt gốc, tạo mầm cây hoa cúc mới sau khi thu hoạch lần 1, do anh Quốc tự nghiên cứu, trồng thực nghiệm thành công từ đầu năm 2011 đến nay, gồm 5 lứa hoa đã thu lần thứ 2, mỗi lứa tiết kiệm hơn 6 triệu đồng tiền giống cây trồng mới và tiền vật tư nông nghiệp trên diện tích 700m2.
Thời gian cắt gốc, chăm bón với kỹ thuật riêng của anh Quốc đã cho kết quả hoa cúc nở lần 2 kéo dài gần 3 tháng, tương đương với thời gian chăm sóc hoa cúc nở lần 1. Hiện anh Quốc đang tiếp tục cắt gốc, tạo mầm mới cho hoa cúc trên 700m2 nhà kính khác trong vườn nhà của mình vừa thu hoạch lần 1, dự kiến sẽ thu hoạch lần 2 vào tháng 8/2013.
VŨ VĂN
( Báo Lâm Đồng , Số Thứ Tư, ngày 08/5/2013)
*Ảnh: Nông
dân Bùi Phú Quốc thu hoạch vườn hoa cúc nở lần 2