Bút ký VĂN VIỆT
(
Giải Nhì ( không giải Nhất) viết Người tốt Việc tốt tỉnh Lâm Đồng
năm 1999)
Sáng
hôm nay hoa đào xuân hé nở mà từng đợt
gió mùa đông bắc buốt lạnh vẫn đi về, tôi hẹn gặp được dược sĩ bên vườn thuốc
Cam Ly, Đà Lạt. Ngày cuối năm, chị lại càng bận bịu ngược xuôi lúc đang ở Hà
Nội, lúc về thành phố Hồ Chí Minh, về các tỉnh miên Đông, miền Tây Nam Bộ. Chị
đi lại như con thoi, lo lắng, chăm chút cho sự sống còn của từng cây thảo dược.
Mấy ai trong đời hiểu hết công việc của chị, công việc lặng lẽ chợt đi qua
hai mươi mùa xuân rồi…
Tôi
quen chị chưa lâu, chỉ tình cờ được làm người hàng xóm của chị. Nhà tôi dưới
con hẻm sâu, mỗi bận đi làm về đều đi ngang “nhà” chị. Không biết từ lúc nào,
căn nhà có dạng kiến trúc đặc biệt ấy, nó như một con thuyền nằm chênh vênh giữa
đường Trần Bình Trọng lại in vào tâm trí tôi, gợi lên trong tôi một điều kỳ
diệu mà gần gũi, thân thuộc. Chẳng vì thế mà cái tấm bảng hiệu lờ mờ, cũ kỹ
kia: “Trung tâm Giống cây thuốc Lâm Đồng” được khắc lên cổng đá vô hồn lại
thôi thúc tôi tìm hiểu. Gặp tôi lần đầu,
chị Phan Thùy Mỹ chỉ muốn khép mình. Tôi biết, đối diện với riêng tôi, chị đâu
phải vậy.
Đồng nghiệp của chị đã chán nản, bỏ khỏi Trung tâm đi làm riêng lâu
rồi. Có người mở những quày thuốc Đông, Tây sang trọng; người khác chưa xoay xở
ra vốn liếng, cũng “rao bán” tấm bằng dược sĩ của mình đứng tên trên bảng hiệu
cho thuê vẫn có thu nhập hàng tháng gấp bội lần, trong khi chị - người đứng đầu
Trung tâm, ngày đêm vắt óc, đầu tư cho những đề án khoa học bảo tồn nguồn gien,
phát triển cây thuốc quý trên đất Lâm Đồng- Đà Lạt lại gặp cuộc sống vô cùng
khó khăn. Chị say mê nghiên cứu lắm và cũng tự hào với những công trình thành
công, nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường này, cái nghèo vật chất khiến người
ta mặc cảm, ít khi bày tỏ cùng ai. Rất may cho tôi, dần dần chị đã cởi mở.
Chị
Mỹ bắt đầu làm việc ở Trung tâm từ năm 1979. Lúc đó chị vừa tốt nghiệp Đại học
Dược ở miền Nam .
Chị- một sinh viên vùng sông nước Cửu Long vừa mới ra trường với tuổi xuân ngập
tràn ước mơ cống hiến đã chọn vùng rừng núi Lâm Đồng – Đà Lạt làm quê hương thứ
hai. Tên gọi Trung tâm mới có sau này, bấy giờ gọi là Trại Nghiên cứu dược liệu
thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam .
Thành công đầu tiên của chị và đồng nghiệp dược sĩ, kỹ sư là cấy mô trong ống
nghiệm cây sinh địa ( Rehmannia glantinora libosch), một loài thảo dược hiếm
quý. Năm ấy về thăm Lâm Đồng, ghé qua thăm Trại nghiên cứu của chị, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Bộ Y tế tỏ ý khen ngợi, động viên tinh thần lao động
sáng tạo của chị và tập thể. Lòng say
mê, gắn bó với thảo dược Lâm Đồng dấy lên trong chị từ đây.
Hai
mươi năm tuổi xuân ở chị đi theo những thăng trầm với Trại Nghiên cứu dược liệu
Lâm Đồng. Núi rừng Lâm Đồng hào phóng nuôi dưỡng hàng trăm loài dược liệu
hoang. Vậy mà bàn tay vô tâm con người ngày đêm tàn phá nó chỉ vì những món lợi
nhãn tiền. Người ta quản lý rừng nghiêm ngặt mà máu rừng vẫn chưa ngớt đổ,
huống hồ những cây thảo dược vô chủ kia, sống bơ vơ trong rừng sâu thi thân
phận hẩm hiu làm sao tránh khỏi. Nguy cơ tuyệt chủng thảo dược dự báo cách đây
vài thập kỷ. Phái cứu lấy giống loài cây thuốc, đó là bức thông điệp từ lương
tri nghề nghiệp của dược sĩ Phan Thùy Mỹ
và đồng sự của mình.
Đến năm 1986, dù nâng cấp thành “Trung tâm Giống cây thuốc cấp 1 Lâm Đồng” nhưng lại xác định là đơn vị sự nghiệp có thu. Cái mốc thời gian nghiệt ngã này kéo dài mười hai năm. Trung tâm phải đối phó với cơ chế thị trường là tiền, là lợi nhuận để tồn tại. Được cấp đất trồng, nghiên cứu cây dược liệu ở khu vực cạnh quả đồi Cam Ly, diện tích 70.500 mét vuông và khu vực lòng chảo xã Tà Nung, diện tích 88.481 mét vuông, Trung tâm phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách sản xuất cao Artichaut, rượu vang dâu, các loại trà Artichaut, Dương cam cúc, sâm quy, hà thủ ô…để bán kiếm tiền nuôi sống các đề tài khoa học. Tư nhân bên ngoài mạnh vốn, năng động hơn về giá lại đủ cách tiếp cận thị trường, nên sản phẩm của Trung tâm của chị dù đảm bảo dược tính cũng chỉ mang lại những doanh thu vô cùng bé nhỏ. Có còn hơn không, bởi mục đích của chị Mỹ còn lớn lao đang chờ. Vâng, chị đã rất lạc quan.
Nhớ
lại những năm 1980- 1985, thời kỳ mà người ta thường gọi là “tập trung quan
liêu bao cấp”, ấy vậy mà ngành dược liệu Lâm Đồng lại “hoàng kim” nhất. Chẳng
phải vì mục tiêu kinh doanh lỗ lãi, song Trung tâm đã nhân giống hàng vạn vạn
cây sinh địa, hà thủ ô cung cấp cả vùng sản xuất dược liệu Đà Lạt. Phong trào
trồng chế biến thuốc Nam phát triển đến Trạm Y tế xã, đến mọi nhà. Ở trong nước
từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sông Bé đến Đắc Lắk thời ấy luân phiên lên Đà Lạt-
Lâm Đồng nghiên cứu nhận về hàng trăm chuyến xe hàng chở bạc hà, quế…mở rộng
vùng dược liệu. Sau cơ chế mở, dược liệu từ Trung Quốc tràn vào trong nước, giá
thành vô cùng rẻ, sản xuất dược liệu không chỉ riêng Lâm Đồng- Đà Lạt tự khắc
lâm vào tình trạng phá bỏ đến ngày nay. Trung tâm có chức năng lưu giữ, bảo tồn
và di thực các loài dược liệu quý, phải ngậm ngùi nhìn những cây thuốc của mình
chết dần, chết mòn vì không còn đất sống. Nhiều loài dược liệu trong nước hoạt
chất cao hơn dược liệu Trung Quốc, mình không làm được ở giai đoạn sơ chế nên
khi nâng lên thành hàng hóa không bảo đảm được giá trị. Lỗi này thuộc về các
nhà quản lý chiến lược, quản lý vĩ mô từ
trung ương. Kể cả bây giờ, hàng trăm dược sĩ Việt Nam cứ nghĩ đến dược liệu Trung
Quốc hiện diện ồ ạt trong nước lại chạnh lòng, xót xa.
Cũng
như đồng nghiệp trong nước, vượt lên tâm trạng ngậm ngùi, dược sĩ Phan Thùy Mỹ
ngày ngày quần cùng cán bộ, dược sĩ, kỹ sư Trung tâm nhân giống cấy mô thành
công ngoài cây sinh địa, còn có cỏ ngọt ( Stevia rebaudiano Betoni), bạc hà (
Mentha arvensis), cà Úc (Solaniem lacinatum),
ba gạc Ấn (Solanniem lacina tum), tam thất (Panax pseudo giseng wall). Trung
tâm còn thuần hóa nhiều giống dược liệu hoang như lão quang thảo, sài hồ, xuyên
khung, bạch chỉ…
Tôi đồng cảm với những kết quả khiêm tốn, vô giá của chị. Còn nhớ năm 1993, trông thấy cảnh nghèo ở Trung tâm, các nhà khoa học Ấn Độ đã tặng hệ thống thiết bị hiện đại xây dựng phòng sinh trưởng thực vật, giá trị 30 ngàn đô la Mỹ thông qua Đại Sứ quán tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị mừng lắm vì nhờ thế mà làm thêm được nhiều việc. Bạn ưu ái mình không thể phụ lòng, nhưng ngặt nỗi lại thiếu dây chuyền phối hợp đồng bộ nên chị lại lo âu, trăn trở…
Ngày
20/12/1996, một “kỷ nguyên” mở ra với Trung tâm, với cuộc đời dược sĩ Phan Thùy
Mỹ khi Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định sáp nhập đơn vị của chị trực thuộc Viện
Dược liệu trung uơng. Không thu bù chi nữa mà kinh phí nghiên cứu khoa học được
cấp từ Trung uơng, dẫu chưa nhiều (200 triệu đồng một năm), nhưng đã khép lại
gần hai thập kỷ lao đao, khốn khó.
Thiếu biên chế, thiếu nhân sự, chị tìm lại những đồng nghiệp cũ, họ đã ổn định, giàu có hết rồi, không ai đành bỏ lỡ cơ nghiệp đang lên. Chị quay về với các Trường Đại học thử việc, tuyển dụng những sinh viên mới ra trường gắn bó với sự nghiệp khoa học. Đến giờ chị vừa định biên 7 kỹ sư sinh học và kỹ sư nông nghiệp cùng 3 dược sĩ, tạm đủ cho nhu cầu nghiên cứu dược liệu đến năm 2000.
Thiếu biên chế, thiếu nhân sự, chị tìm lại những đồng nghiệp cũ, họ đã ổn định, giàu có hết rồi, không ai đành bỏ lỡ cơ nghiệp đang lên. Chị quay về với các Trường Đại học thử việc, tuyển dụng những sinh viên mới ra trường gắn bó với sự nghiệp khoa học. Đến giờ chị vừa định biên 7 kỹ sư sinh học và kỹ sư nông nghiệp cùng 3 dược sĩ, tạm đủ cho nhu cầu nghiên cứu dược liệu đến năm 2000.
…Hai
mươi năm miệt mài nghiên cứu, thực nghiệm giữa nghèo khó, chật vật, Trung tâm
Dược liệu Lâm Đồng lưu giữ nguồn gien 70 loài thảo dược quý hiếm. “Thổ nhưỡng, khí hậu Lâm Đồng
mình phù hợp lắm!”- chị Mỹ không giấu nổi niềm vui. Tôi kể với chị số liệu mà
tôi thu thập được: Lâm Đồng tiêu thụ mỗi
năm trên dưới 50 ngàn tấn dược liệu từ
Trung Quốc, chị Mỹ không lấy làm bất
ngờ, lại còn nói thêm : “Đó là thu mua đã qua sơ chế, nếu quy ra thành tươi
phải nhân đến 7, 8 lần. Nước mình chưa làm được, nhưng tin chắc sẽ có một
ngày…”
Vâng,
một ngày tốt đẹp đang mở ra trên vùng dược liệu Lâm Đồng khi ngày 18/12/1998,
Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định phê duyệt dự án 3.560 triệu đồng để đầu tư, cải
tạo nâng cấp hai Trại nghiên cứu trồng, chế biến dược liệu của Trung tâm tại
Cam Ly và Tà Nung, bắt đầu khởi động đầu xuân 1999 và khánh thành vào năm 2000. Tôi chúc mừng niềm
vui đến chị Mỹ, đến Trung tâm. Bất chợt tôi nhận ra dược sĩ Mỹ, người nữ Giám
đốc Trung tâm này chưa phải già nhưng đã không còn trẻ trung nữa. Xuân Kỷ Mão,
xuân thứ hai mươi trên đất Lâm Đồng, chị
có kinh nghiệm của một thời trẻ trung ấy để tiếp tục công việc lặng lẽ của
mình.
Đà
Lạt đầu xuân Kỷ Mão 1999