Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Lang thang với núi thẳm, đồng xanh Đà Lạt


Phóng sự VĂN VIỆT
Một ngày giữa thu, mây trời Đà Lạt la đà xuống thấp. Hàng cây lá rộng ven đường từng khóm, từng khóm lác đác trút rơi lá vàng. Những cơn mưa vội vàng đến và đỏng đảnh đi. Tôi “vi hành” du khảo lên rừng, xuống ruộng bên phố hoa giăng kín sắc màu. Bước chân lang thang vào sâu một cánh rừng nguyên sinh duy nhất và những cánh đồng atisô cũng duy nhất sinh trưởng nơi cao nguyên này. Bất giác tôi nhận ra mình bị rừng ruộng mê hoặc tự lúc nào.

“VƯƠNG QUỐC” LÁ RỘNG KEN DÀY
Hôm ấy đang buổi bình minh sương giăng mờ dốc phố, từ trung tâm Đà Lạt, tôi thong dong theo đường nhựa thẳng vòng qua Thác Cam Ly, đến đầu đèo Tà Nung rồi rẽ sang trái chừng trăm mét đường đá cấp phối là chạm chân khu rừng lá rộng. Thoáng ngước nhìn lên đỉnh đồi, hiện ra một nét tranh uốn lượn, vây phủ bởi làn mây mù trắng bạc. Đây là cánh rừng già rộng gần 400ha, chỉ cách khu Hòa Bình trong đường kính từ năm đến mười cây số ; triệu người thấy nhưng ít người biết đến. Chuyện kể rằng sự xâm lấn triền miên hàng trăm năm của rừng cây lá kim đã thu hẹp “vương quốc” rừng cây lá rộng Đà Lạt chỉ còn lại “côi cút” đến giờ.
Một đơn vị khoa học lâm nghiệp thuộc cơ quan lâm nghiệp Việt Nam được giao bảo tồn sự đa dạng của sinh thái rừng già. Đối diện một bên là vực cao rừng lá kim thẳng tắp, một “lãng tử” thuộc thành phần hộ gia đình mê rừng được nhận quản lý, chăm sóc bảo vệ kết hợp với việc xây dựng nông trại chăn nuôi thú điền viên. Thấy khách lạ ngẩn ngơ, người khách lạ tuổi ngũ tuần xăng xái bước ra tiếp  chuyện: “Chừng nửa tháng nữa – tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, đàn khỉ hoang dã kéo về đây đông lắm. Mấy năm gần đây, khách nước ngoài truyền miệng nhau vào rừng du ngoạn chụp ảnh rất nhiều…  ” Qua tiếp xúc mới biết rằng đã vụt nhanh những mùa xuân nối tiếp, vợ chồng người bảo vệ lập trại ở khu vực “vùng đệm”, ngày đêm nghe trỗi lên những âm thanh vi vu của rừng lá kim hòa tấu với giai điệu xạc xào, miên man của rừng lá rộng đã giữ chân họ lưu trú không muốn rời xa.
Từ trên độ cao cả trăm mét, vợ chồng người bảo vệ dẫn đường ống nước suối chảy trong vắt, chảy ngày đêm cho sinh hoạt gia đình mình và phục vụ lữ khách “du lịch bụi” ghé qua. Nguồn nước chảy này chảy xuống dòng suối khá lớn dưới chân rừng lá rộng nhưng đã bị bồi lắng từ lâu lắm rồi. Chỉ còn lại dòng chảy nhỏ vẫn cố trườn mình len qua khe đá, luồn qua lạch hẹp tìm về suối lớn. Bộ đập tràn xây bằng bê tông rêu phong phủ kín theo thời gian. Tôi rẽ từng đám lau sậy, lách qua  cỏ may um tùm cao vượt quá đầu người để  đặt chân vào con đường mòn leo lên rừng rậm âm u. Anh Tùng, cán bộ khoa học lâm sinh, tuổi đã quá năm mươi- người dẫn đường tôi lang thang -  tỏ vẻ ái ngại : “Vì là rừng lá rộng, đa dạng về cấu trúc phân tầng của thảm thực vật, chúng tôi chỉ biết bảo vệ tất cả nguồn gien tự nhiên để nghiên cứu. Chưa có điều kiện mở lối vào rừng tham quan…” Nói vậy thôi, chứ chừng chốc lát sau, bên cạnh tôi đã là cây Trâm ( Syzygium nyrtaceace) cao vút ước đến ước đến 30mét, cành tán xòe rộng lớn như mái nhà. Tôi dang rộng hai cánh tay ôm gốc. Trâm già mà tôi chỉ mới  ôm được quá nửa vòng. “Đường kính của nó cũng phải đến 2 mét ?!”- Tôi dò hỏi. Anh Tùng gật đầu. “Có thể hơn nữa là đằng khác…”
Tôi thả lưng vào gốc Trâm già nhìn  bốn bề cây rừng cổ thụ đan xe dày đặc dây leo. Một cảm giác vừa bí ẩn vừa hoang dã bao trùm. Tiếng chim lanh lảnh trên cành cây hoa lá. Tiếng côn trùng rả rích dưới lớp lá rụng giữa thu. Bất chợt cuốn lấy đôi bàn chân mình những chùm hoa trinh nữ tím trắng, lá khép vào nhau từng đôi, từng đôi quyện chặt. Cũng đã gần trưa, trời nắng đỏ rơi xuống tán rừng từng chùm hoa trắng lung linh. Và gió. Gió mơn man cành lá, ướp cả hương rừng vào nơi thẳm sâu của kẻ lữ hành. Anh Tùng hú giục tôi đi tiếp nữa. Cảm giác rạo rực khám phá rừng già thâm u theo đó càng dâng đầy lên. Đây rồi những cụm cây sim, mua, dẻ, ô mây…ở tầng dưới đi qua trong mắt tôi. Rồi những cụm cây ở tầng trên có năm, sáu chục năm tuổi trở lên như Quế Cương Dài ( Cinnamomum longpetiolatum Kost), Cá Đuôi Kuzz ( Dehaasia Kurzil King), Thạch Châu Có Răng (Pyrenaria serrata Bl), Bời  Lời Da ( Litsea chartacea Hook) nối tiếp hiện ra trong không gian rừng khoáng đãng đến vô cùng.
Mê mải lang thang vào sâu rừng già mà không hay  mặt trời đã  đứng bóng. Ngửa mặt lên hít một hơi thật sâu vào  lồng ngực, bỗng dưng tôi phát hiện ra một góc trời lá cây hình rẻ quạt có màu vàng đỏ nổi bật trên nền xanh thẫm, đẹp đến choáng ngợp mắt mình. Anh Tùng nói “ Cây Tích Thụ ( Acer sp) đó. Đầu tháng 10 lá rậm rịch chuyển màu xanh sang vàng đỏ. Chừng tháng sau, cây trút lá ngập lối đi suốt mùa đông. Loài cây này thường thu vào những bức tranh phong cảnh ở các nước Âu Châu; những chương trình truyền hình khám phá miền đất lạ ở nước ngoài. Họ trồng từng cụm trong công viên, từng hàng thẳng tắp trên những xa lộ rộng lớn… ”
Tôi mở toang vùng liên tưởng của mình về Đà Lạt. Rồi khi trở ra phố lại biết thêm thông tin các nhà  khoa học trong nước đã điều tra trên 20 ha khu rừng nguyên sinh già Đà Lạt đã kết luận có khoảng 200 loài cây gỗ. Trong đó có loài tài nguyên cung cấp nguyên liệu làm nhang lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam như Bời Lời Lá Dài ( Litsa elongata), Két lửa ( Beilschimiedia  fovelata)…Bước đầu còn phát hiện thêm nhiều loài thực vật qúy hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như Kim giao ( decussocarpus wallichianus), Xá xị ( Cimanomum parhenoxylum)…Còn lại là các loài cây thuốc, cây cho  tinh dầu và các loài cây đặc hữu khác…Quả là một loại rừng còn lại rất hiếm của Việt Nam.
ATISÔ TRẬP TRÙNG RUỘNG THỬA
Chiều hôm đó, tôi ngược về hướng đối diện của rừng nguyên sinh đề lang thang trên đất Thái Phiên- “đất thủ đô” của Atisô Đà Lạt. Bấy giờ là tháng 10, Atisô trái vụ vẫn vươn cành lá, đơm kết hoa trên nhiều thửa ven đường lộ quanh khu trung tâm Thái Phiên của phường 12, Đà Lạt. Tôi đưa máy hình lên, một nông gia nói vọng: “ Không biết bao nhiêu lần khách Tây lội xuống ruộng săm soi, hỏi đủ thứ chuyện về Atisô. Rồi đến khách Ta trong nước nữa. Nay lại là khách Đà Lạt. Cứ như nông dân chúng tôi kiêm thêm cả nghề hướng dẫn viên du lịch tại chỗ…”  
Dừng xe bên vỉa đường nhựa, tôi cuốc bộ chỉ ít phút đã lạc vào giữa cánh đồng bậc thang Atisô đang kỳ lên xanh mơn mởn. Lão nông Tràn Xí ( gần 70 tuổi) đang chăm sóc 01 sào đất cây con Atisô xen canh nói “Loại cây Atisô này trông mát mắt nhưng thường hay “làm cao”. Nắng lắm cũng không ưa mà mưa nhiều cũng không chịu !” Tôi ngồi cúi xuống bứt một tảng lá vo tròn đưa lên vùng khứu giác. Mùi hăng hắc của dược liệu và mùi thơm nồng của rau hòa quyện với nhau thành hương hỗn hợp đặc trưng của Atisô Đà Lạt, của duy nhất Việt Nam. “Nhưng được cái là Atisô sống nương nhờ vào các loài cây khác suốt vòng đời sinh trưởng gần cả năm trời…” Lão nông Trần Xí hào hứng giới thiệu. Thì ra các loài rau cao cấp trên vùng ôn đới Đà Lạt thuộc vùng nhiệt  đới của Việt Nam như súp lơ, bắp cải…còn hào  phóng “cưu mang”  Atisô đồng loài nữa. Cây rau cao cấp theo vòng quay của đất hết lứa này  đến lứa khác, không chỉ chắn nắng  che mưa mà còn san sẻ những dưỡng chất có trong tự nhiên và có từ phân bón cho Atisô từ lúc xuống giống cho đến kỳ thu hoạch bông, rễ…   
Tính đến thời điểm này, đại gia đình lão nông tri điền Trần Xí và ba hộ người con trai cùng liên canh đến 4 sào Atisô trái vụ. Lão nông Trần Xí dắt tôi đến tham quan các thửa ruộng bậc thang của con trai ông. Búp hoa Atisô lắc lư trong gió, chen chúc nhau như nấm mọc sau mưa. Từng vòm lá căng rộng ra và dày sum suê liền thửa. Hàng hàng thân cây cao to đến hai bàn tay nắm của người lớn. Lão nông Trần Xí khoe rằng lão và các con của lão đã tự tạo giống cây con, trồng lần lượt từ tháng giêng đến tháng hai năm sau. Do xuống giống vụ mùa nghịch nên phải trồng cạn và “chặt tay” từ phần gốc, đảm bảo cho sự phát triển bình thường của bộ rễ.
Tùy theo thời tiết trong các ngày mưa dầm hoặc khô ráo, phải giữ lượng nước vừa đủ cho cây. Ngày ngày ra đồng chăm chút, tỉ mẩn, cắt bỏ từng  thân lá, hãm chồi xanh, tỉa thưa…thích hợp, ổn định cho Atisô sinh trưởng, hạn chế được số cây chết, ngã đổ  khi mưa bão. Đặc biệt sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu phải  lựa chọn các loại “đặc hiệu” nằm trong danh mục lưu thông, có quá trình sử dụng thử nghiệm. Thời điểm thu hoạch càng chú trọng hơn. Khi thân cây ngả màu đen và lá chuyển màu xanh nhạt chính là lúc cây bắt đầu trổ hoa. Hàng ngày thăm đồng thấy nhụy hoa chuyển sang màu tím là cất bán hoặc xắt phơi khô được rồi. Nếu để bông ngả sang màu tím nâu sẫm trên cành, cành bông sẽ già cứng, giá bán ra sẽ sụt giảm.
Lão nông Trần Xí là một hộ gia đình trong hàng trăm hộ gia đình duy trì vùng nguyên liệu Atisô quanh năm ở Thái Phiên từ 40 ha đến 50 ha, phân bổ ven chân núi Hòn Bồ và giáp cận phía sau khu du lịch Hồ Than Thở. “Mùa trái vụ năm nay ước khoảng 10ha. Nhờ những thông tin khám phá thú vị này, lữ khách phương Tây “tự phát” tham quan vùng Atisô khá phổ biến những năm gần đây. Họ đi xe  ôm, xe đạp thuê  và thường dạo chơi nhiều tiếng đồng hồ…”-“Thủ lĩnh” của Hội Nông dân Thái Phiên, ông Đặng Sanh kể.
SẼ CÓ TOUR ĐỒNG XANH, NÚI THẲM ?
Vỏn vẹn mỗi chuyến du lịch chỉ thêm một ngày thôi, lữ  khách có thể khái niệm một vòng tour ruộng rừng bên phố Đà Lạt tiềm tàng những “kho báu”. Ở thành phố xứ nhiệt đới trong nước và trên thế giới, để hình thành một công viên lá rộng đôi, ba ha, người ta phải mất năm, sáu chục năm, thậm chí cả trăm năm để trồng, chăm sóc cây. Có những đường phố ở Âu Châu phải qua ít nhất một thế hệ mới dưỡng nuôi được những cây Tích Thụ lá vàng đổ rơi ngập đấy lối đi suốt mùa thu. Vậy mà “kho báu” này của Đà Lạt vẫn đêm ngày “ngái ngủ”, mặc dù đó là một lợi thế so sánh đặc biệt, hiếm có vùng miền nào trong nước sánh được. Cây Atisô độc quyền định cư bao đời ở Đà Lạt cũng cùng chung cảnh ngộ. Sao nhà nước không “xắn tay” quy hoạch liên hoàn một vùng sản xuất, chế biến và giới thiệu, buôn bán sản phẩm Atisô ? Quy trình này hiện tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực đã nâng lên tầm nghệ thuật kinh doanh, dịch vụ du lịch rất hiệu quả.
Chợt ước gì mai này trong những dòng nhật ký lữ hành của du khách bốn phương sẽ ghi thêm  một ngày tour ruộng rừng Đà Lạt với những khám phá bất ngờ thú vị…
Đà Lạt giữa thu 2006