Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Tìm lại chiếc vòng cầu hôn

Phóng sự VĂN VIỆT

Không còn lâu nữa, hàng trăm cặp uyên ương sẽ trao nhau những chiếc vòng cầu hôn trong Lễ Festival hoa Đà Lạt 2005 do hai người Chu Ru ở thôn Ma Đanh ( xã Tu Tra, Đơn Dương) chế tác. Vậy là người ta mới vội nghĩ bao năm vô tình bay vụt qua, nghề kim hoàn của đồng bào thiểu số Lâm Đồng cứ rơi rụng dần rồi chìm vào quên lãng. Bây giờ biết khôi phục thế nào đây?

Đường sá đã lâu vào thôn Ma Đanh không còn khó khăn nữa. Đá cấp phối nén chặt nền đường dẫn lối chạy khắp những dãy sân nhà dân bản. Chưa đến giờ trưa đứng bóng nhưng không gian như ngưng đọng lại, yên bình và lặng lẽ. Người dân làng đã lên rẫy, xuống đồng ruộng hầu hết. Ngày hè lũ con nít càng líu ríu quấn lấy chân người lớn vắng nhà đi sớm về trưa. Ma Quin, người phụ nữ có con mọn đang ẵm bồng trên tay nên phải quanh quẩn ở nhà. Nghe hỏi, chị bảo: “Giờ này muốn gặp được người dân nào ở nhà cũng không dễ đâu, nếu không hẹn trước. Huống chi nói đến tìm được ông thợ đúc nhẫn bạc…” Dẫu vậy, tôi cứ nấn ná chờ đợi. Bỗng nhiên qua chuyện kể chiếc vòng cầu hôn từ Ma Quin ăm ắp lên những nỗi niềm bâng khuâng, canh cánh với sự khắc nghiệt của thời gian…
·       Ngày ấy…xa rồi
Ma Quin là một trong bốn chị em gái trong một gia đình đi cưới chồng có phong phú lễ vật cầu hôn là những chiếc nhẫn bạc xinh xinh. Hồi đó xa rồi-phải hơn mười năm trở về trước, Ma Quin rủng rỉnh trong chiếc hộp đựng 17 chiếc nhẫn bạc-kiểu dáng khác nhau; có cả kiểu trang sức đàn ông và kiểu trang sức đàn bà-trong một buổi lễ thật trang trọng. Dưới sự chứng kiến của hai họ, Ma Quin nhận người thanh niên ấy làm chồng (và ngược lại) bằng nghi thức trao-nhận đeo nhẫn cho nhau. Bên đàng trai nhận các lễ vật, trong đó có 15 chiếc nhẫn bạc còn lại giành đeo trên tay cha mẹ, người thân thích họ hàng…là thể hiện sự đồng thuận cho bên đàng gái rước con trai mình về làm con rể. -Ma Quin nhớ lại: “Nhưng số nhẫn bạc mà tôi đi cưới chồng còn ít hơn 3 người chị gái của tôi trước đó nhiều. Các chị mỗi người từ 20 chiếc trở lên hết đó !” Nếu con trai về nhà vợ thì có cần nhẫn bạc mang theo không ? Ma Quin nói luôn :“Bắt buộc cũng phải có chứ. Ít nhất là một chiếc để tặng cho vợ mình làm bằng chứng với lới hứa sống chung thủy bên nhau trọn đời !”
Lời tâm sự của Ma Quin giúp tôi hình dung phần nào về phong tục, tập quán cưới hỏi qua việc trao-nhận những chiếc vòng cầu hôn đeo vào trong những ngón tay thật đẹp, thật gắn kết. Nhìn rộng hơn, chiều sâu hơn-theo giảng nghĩa của những già làng người Chu Ru- nó mang một yếu tố tinh thần rất đặc trưng trong tình yêu đôi lứa; đồng thời ràng buộc trách nhiệm của vợ chồng bất khả phân ly. Thế còn yếu tố vật chất ? Câu hỏi đột nhiên, hơi khô khốc của tôi không làm cho Ma Quin gợn một chút suy tính gì. Chị nhanh nhẩu: “Trung bình mỗi chiếc nhẫn cầu hôn loại thông dụng mua chỉ trên dưới 20 kg lúa rẫy. Ai cũng có thể sắm được đôi ba chiếc cho con gái mình đi lấy chồng !”
Mong muốn được nghe lời của “một nửa bên kia”, tôi dẫn lại câu chuyện của Ma Quin với Ja Toa, một trung niên tuổi bốn mươi ở cùng làng buôn Ma Đanh. Nhớ lại ngày ấy…xa rồi, Ja Toa như đang còn rạo rực tận hưởng giây phút hạnh phúc đón nhận những…30 chiếc vòng cầu hôn từ người vợ yêu trao gửi. Mười chín năm trước-Ja Toa về làm rể nhà người sau khi cha mẹ, họ hàng của mình sẵn lòng nhận lấy những lễ vật này. Thoáng chốc con cái Ja Toa đủ bề lớn khôn, nhưng trên ngón tay áp út vẫn tươi nguyên chiếc nhẫn cưới năm xưa. “Nó là một vật chứng nhắc nhở tôi phải làm tròn hơn bổn phận của một người chồng, người cha trong nhà !”-Ja Toa tự vấn mình. Công việc của anh hiện tại là cán bộ địa chính của xã Tu Tra. Và tôi cũng được biết rằng, bất kỳ lý do gì mà bên này trả lại chiếc nhẫn cưới cho bên kia thì phải chấp nhận lệ làng…phạt một trâu ! Chưa hết còn phải gánh chịu năm này qua tháng khác trước miệng đời thị phi là kẻ bội nghĩa, vong tình; mang tiếng không đẹp đến thanh danh cả họ tộc nữa…
·       Nỗi niềm người thợ già
Buôn Ma Đanh có nghề truyền thống chế tác nhẫn bạc duy nhất ở xã Tu Tra. Những người tìm được bạn đời tâm đầu ý hợp như Ja Toa, Ma Quin…bao giờ cũng rất trân trọng những kỷ vật thiêng liêng ấy. Không chỉ người Ma Đanh mua nhẫn bạc Ma Đanh mà các  buôn làng người Chu Ru trong và ngoài xã cũng lặn lội đến Ma Đanh tìm mua cho ngày vui của mình. Nhưng đó là thời đã qua xa lắm. Từ làng nghề kim hoàn nhẫn bạc Ma Đanh nay chỉ còn sót lại hai người thợ: một già một trẻ. Ông già tên Ja Quân, tuổi đã “tám sáu”-dù đã hết “tuổi trời” nhưng còn sống ngày nào, ông luôn gắng sức truyền giữ nghề cho người con rể. “Chỉ còn đúc mỗi ngày năm, ba chiếc thôi. Đúc cho con cháu trong dòng tộc là chính. Người làng mua nhẫn cứ thưa thớt dần đi !” Nhớ về tuổi thơ, ông bồi hồi: Mới năm lên mười, ông đã được thân phụ dạy nghề cho. Học đến đâu cảm giác thích thú đến đó, năm mười ba tuổi tay nghề đã thành thạo; tự chế ra các loại nhẫn bán “lưu động” đổi gạo, bắp nhiều nơi trong huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Nhưng đến lúc…mười mấy năm nay, tuổi cao rồi, sức tàn lực kiệt, đâu còn dẻo dai để thả bước đi bán kim hoàn nơi xa nữa.
Đi vào phía buồng trong, cụ già Ja Quân đem ra những dụng cụ đúc bạc tự chế trông là lạ làm sao. Chiếc nồi nấu chảy bạc vừa bằng ngón chân cái, làm bởi đất sét và…phân trâu. Khuôn đúc bạc nặn ra từ nguyên liệu sáp ong, chỉ dài hơn mười phân, hình ống tròn to hơn ngón tay cái một chút. Trên miệng phễu đính chặt một mảnh nan tre làm nền cho dòng bạc nóng chảy đổ xuống. Dưới cùng đường ống là 3 ô tròn đều theo kích cỡ đường kính trung bình của vòng ngón tay người bình thường. Già Quân đưa tôi ra “lò đúc” bên góc sân nhà. Đó là một căn chòi hình vuông chừng bốn mét vuông, che chắn cũ kỹ những tấm bao tời. Lắp đặt chiếc bếp “mô phỏng” theo “thiết kế” của các “lò rèn”. Hai ống nhôm to như hai bắp chân dựng cao hơn nửa thước. Hai thanh gỗ quấn chặt lớp vải hai đầu thành “bít tông ” vận hành lên xuống bằng tay, tạo ra không khí dẫn vào bếp lửa. Già thao tác thuần thục, chuẩn xác từng công đoạn nhỏ, từ nấu chảy bạc đến đổ bạc vào khuôn đúc. Già giải thích: Củi đun phải chọn đúng củi siêu  ( lọai cây tạp, bụi rậm nhưng rất khó tìm). Phải lấy đất lở trong mùa mưa để nung, trộn với phân con trâu đực trên dưới hai tuổi, chế thành những chiếc nồi chịu những độ nóng thay đổi của lửa. “Nhớ quạt lửa tăng giảm vừa phải; chọn đúng lúc độ nóng chảy của bạc là đổ vào đúc ngay. Làm chậm một chút, bạc sẽ cháy, coi như bỏ đi !” –Già Quân tiết lộ. Mới hay, căn chòi đúc bạc phải nằm cách biệt với sinh hoạt gia đình, giúp người thợ đúc tập trung tâm trí hơn khi vào việc. Trong căn chòi này hồi đầu tháng rồi, già Ja Quân cho “ra lò” 10 chiếc nhẫn đủ kiểu hoa văn theo đặt hàng của một vị khách từ Sài Gòn. “Tôi phải làm vì con rể tôi cứ chê ít, bỏ đi làm vườn. Không biết mai sau, chúng nó có  giữ được nghề này…” Quả là day dứt cho nỗi niềm của già làng Ja Quân !
·        Tìm lại…bao giờ?
Nhưng dẫu sao thì đã có những tín hiệu khả quan phát đi từ người thợ bạc trẻ nơi Ma Đanh tên là Ja Tuất. Năm nay 26 tuổi, Ja Tuất học nghề từ người cậu họ của già làng Ja Quân từ 6 năm về trước. Học say sưa, bền chí. Người thầy trước khi qua đời đã kịp truyền lại tất cả những bí quyết nghề cho Ja Tuất. Song ban đầu cũng không thóat khỏi cảnh “chợ chiều” như vòng nhẫn của già làng Ja Quân, mỗi tháng Ja Tuất “tự sản, tự tiêu” chỉ quá hơn trăm chiếc. Đến khi tỉnh và huyện xuống đặt hàng 500 chiếc nhẫn chế tác mới, Ja Tuất mới thực sự mừng lắm, thực sự lấy thêm nhiều lạc quan, quyết tâm theo đuổi nghề này đến trọn đường.
Trở lại gặp lãnh đạo xã Tu Tra đều nhận được sự “đồng điệu” rằng phải giữ; phải khôi phục; phải phát triển làng nghề đúc những chiếc vòng nhẫn bạc dùng khi cầu hôn-trước hết là ở thôn Ma Đanh; sau đó tìm cách thu hút nhanh hơn “khách hàng truyền thống” ở những buôn làng lân cận. Vậy bao giờ sẽ…? Bí thư xã Trần Quang Tuấn tiếp nhanh lời của tôi: “Rất nhiều nhã ý quan tâm từ huyện lên tỉnh đến các địa phương bạn đưa ra nhằm trưng bày, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ..cho sản phẩm nhẫn bạc của Tu Tra.
 Chúng tôi đang tích cực xác lập mối quan hệ những nơi này, khi có kết quả sẽ chính thức động viên bà con phát triển lại nghề, nhưng cũng đồng thời khuyên họ hãy sử dụng nhiều hơn những sản phẩm của nghề mình, góp phần bảo tồn bản sắc tốt đẹp ngàn đời của dân tộc mình …”
Chiếc vòng cầu hôn từ buôn Ma Đanh hẻo lánh bắt đầu ra mắt quan khách trong và ngoài nước giữa ngày lễ hội du lịch lớn nhất Đà Lạt-niềm tự hào không riêng với đồng bào thiểu số ở Đơn Dương. Từ đây không dừng lại ở ý nghĩa này, nó sẽ trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo cho ngành du lịch nơi cao nguyên Lâm Đồng; nơi thiên đường du lịch Đà Lạt…Cứ mường tượng đến ngày đó khiến trong tôi lại khấp khởi, rộn ràng…
Đơn Dương-Đà Lạt tháng 7-2005