Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Dã quỳ thuở ấy

VĂN VIỆT

Chiều đông se sắt giá buốt đưa tôi trở về những vạt dã quỳ xưa hai mươi năm. Chỉ còn lại một khoảng trời quạnh vắng, tìm đâu nữa những sắc màu vàng rượi mải miết dài, mải miết quanh co theo những góc phố Đà Lạt nội ô thuở ấy …

Đeo chiếc ba lô rời quân ngũ cộm dày biển cát người lính đảo, tôi lạ lẫm đặt chân lên phố núi Đà Lạt đúng vào lúc những rặng dã quỳ bung vỡ những đài hoa muộn mằn. Hàn thử biểu hiển thị ba tháng mùa xuân sắp hết. Nhưng mùa kế tiếp không phải là mùa hạ ngập nắng theo chu kỳ bốn mùa của xứ trùng dương. Mà đó là mùa quỳ vàng héo rũ báo hiệu một mùa mưa lê thê vây phủ. Bà tôi cho tôi lưu cư trên một căn gác nhỏ trên đỉnh đầu dốc Phan Bội Châu, nhìn sau lưng dốc là khoảng vực sâu dựng đứng nghiêng xuống thung lũng chợ lớn Đà Lạt. Những ngày dầm mưa, cả triền đồi bao quanh chợ lớn chạy dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, ôm vòng con dốc Lê Đại Hành được trùm bưng  kín một màu xanh đen đậm của dã quỳ. Rẽ sang đường Lê Thị Hồng Gấm bây giờ nữa. Hai mươi năm trước con đường chưa mở, nó kết liền với một khu vườn đồi biệt thự giữa rậm rịt dã quỳ. 
Hồi đó chưa đủ đèn điện thắp sáng nên khi màn đêm trùm lên khiến những dãy đồi chằng chịt hoa dại dã quỳ trung tâm thành phố gần như cách biệt một khoảng không gian huyền hoặc, khó nhận ra được bóng người.
Mãi sau này tôi mới biết dã quỳ là một loài cây - hoa không cần chăm nuôi vẫn lăn lóc sống còn. Bấy giờ có vẻ con người xứ lạnh nơi đây khá thờ ơ hoặc thậm chí còn hắt hủi với quỳ nữa. Có lẽ bản năng của quỳ cũng biết số phận hẩm hiu sinh ra từ đất trời nên không dễ mà chờ mong những ban phát, ân huệ dù chỉ thảng hoặc của con người. Hàng năm quỳ đón mùa mưa đổ nước như cơn khô khát vật vã trở mình. Ngấu nghiến “ăn” mưa rồi dẫn lưu thành những chất dinh dưỡng cho xanh lá xanh cành, bám rễ giữ chân vào lòng đất lạnh. 
Ai đó vô tình để mắt một chút vạt quỳ trước góc vườn mình, rất dễ thấy qua vài ngày mưa tuôn xuống, quỳ nảy nở lớn rất nhanh như cơn gió thổi. Tạo hóa không cho quỳ một loài thân gỗ mộc chắc khỏe; chỉ là một loài thân thảo yếu đuối dễ cho con người khi giận dữ  nó, vứt bỏ nó. Nhưng bù lại, tạo hóa cho quỳ có nội lực tự duy trì sự sống của nó từ trong “cõi chết”. 
Có thể một phần thân, rễ, một mảnh thân quỳ nhỏ bị băm vằm, đẽo gọt, bị chôn lấp dưới lòng đất sâu suốt sáu tháng mùa khô trong năm; ấy vậy mà chỉ tháng đầu trời mưa, mỗi sáng mở mắt ra đã thấy một “công dân” dã quỳ mới không mời đã len vào từng sân nhà ai đó; chúm chím những nụ chồi non hoang dại, ngẩn ngơ. 
Đã thế, quỳ còn thiêu thân đến mức cứ vươn cành bò nhánh ra đường để rồi gánh nhận những nhát chặt cắt bực dọc, lạnh lùng của con người. Đỉnh con dốc đường Phan Bội Châu nơi tôi ở là trung tâm của trung tâm thành phố thiên đường du lịch. Mùa mưa thuở ấy cứ sáng ra rồi chiều về trời lạnh lắm, lạnh tím tái như muốn đông cứng thân người. Bởi sức vóc tràn căng nhựa sống vừa bước qua tuổi hai mươi, tôi vùng ra khỏi chăn nệm từ tinh mơ mỗi sáng với vài bước khởi động là băng tuyết trong người tan chảy ra hết, và nhờ thế được ngắm thành phố sớm mai hiện ra trong sương khói mong manh; sương choàng qua những vạt quỳ xanh thẫm. 
Nhìn gần hơn thì đây dã quỳ cuốn bên chân mình từ phố Phan Bội Châu chạy quanh đến khu Hòa Bình, xuôi tiếp con dốc hẹp xuống đường Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định; gặp đường Phan Đình Phùng rồi mải miết chạy xa nữa, xa ngút mắt đến tận rừng sâu. Buổi sáng khác, chạy dài xuống hướng đông cũng vài sải chân đổ dốc là lọt thỏm giữa bốn bề dã quỳ. Dã quỳ sum suê bên bờ hồ Đội Có, qua ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng chạy suốt bên sườn dốc Đồi Cù rộng lớn giáp với Vườn hoa thành phố, lên trường Đại học Đà Lạt, giáp với ngã Năm đường Phù Đổng Thiên Vương. Nhìn qua bên kia hồ Xuân Hương trước Khách sạn Palace là cả một triền đồi dã quỳ nhấp nhô, bấu víu lấy những gốc thông già lắc lư trước gió. Ngược về đường Bùi Thị Xuân thẳng lên Phù Đổng Thiên Vương đi về hướng Đa Thiện… đều rất thưa thớt phố nhà; chỉ dã quỳ với dã quỳ ngập kín lối đi…
Cái “tết dân sự” đầu tiên của tôi giữa thành phố dã quỳ sau hơn ba năm hưởng “tết quân sự” ở xứ cát trắng Cam Ranh. Trời Đà Lạt lập xuân bỏ lại ba tháng mùa đông với dã quỳ ướp nhuộm rực vàng trong tôi. Mà sao với tuổi vào đời lính và với tuổi bước ngoặt vào “đời dân sự” trong tôi sắc vàng lại có sự trùng hợp thật lạ kỳ. Ba mùa xuân trong quân ngũ Cam Ranh, tết về lòng mỗi người lính chúng tôi chợt rạo rực bởi không gian mai vàng trải rộng ra như tấm thảm nhung vỗ cánh lồng lộng giữa biển trời. Chờ đến chiều ba mươi tết, quân nhân chúng tôi thong dong ra đồi cát chọn một cành mai ưng ý đưa về từng tiểu đội trang trí đón giao thừa. Lính mà! Kỷ luật thì như sơn như thép.
 Chính môi trường kỷ luật mà mỗi người lính được xây dựng những ý thức chung, trách nhiệm chung trước vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước. Ý thức ấy bắt đầu từ những hành động gắn chặt với cuộc sống sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu hàng ngày. Và việc chọn một cành mai vàng mà không làm tổn hại một cây mai vàng trong cả đồi cát mai vàng, cả dãy núi trùng điệp mai vàng, là sự ứng xử thường trực  từ lương tâm, trách nhiệm của người lính, thể hiện sự thân thiện của màu xanh người lính với màu xanh thiên nhiên. Đem chất lính vào đời thường nơi phố Đà Lạt đồi dốc lượn lờ, với một cành dã quỳ nở muộn trong tôi cũng bỗng thấy xao lòng. 
Tôi là thế hệ thứ ba của người miền trung bờ tre gốc rạ vượt đèo lên Đà Lạt định cư. Hai thế hệ đến phố dã quỳ trước tôi cũng đến ba chục năm về sau. Những câu chuyện kể đêm ba mươi tết quây quần bên thùng bánh chưng trước hiên phố nhà về nẻo đường sinh cơ, lập nghiệp Đà Lạt là những ngọn đồi, bờ suối, triền dốc…man mác dã quỳ. Chuyện chia tay gia đình, người yêu đi cầm súng chiến đấu qua những mùa quỳ cháy bỏng khát vọng; chuyện nên duyên nên nghĩa tình tào khang sau những mùa quỳ vàng nở; chuyện những thành viên họ hàng lớn lên háo hức chinh phục miền trí thức, in dấu chân đi qua những rặng dã quỳ theo từng ngày tháng…của gia đình tôi năm nào cũng vang vang sao mà ấm cúng, trìu mến vô cùng
Nhưng rồi thời gian lại trôi mau, trở thành những cơn lốc cuốn đi biền biệt những thời khắc lắng lại khi xuân về, tết đến với dã quỳ, với tôi, với những người thân thuộc nhất của mình. Theo dòng chảy khắc nghiệt ấy, cuộc sống lại quay cuồng gấp gáp với những cuộc chạy đua hơn kém, giàu nghèo, thành bại…xâm nhập, bùng vỡ từ những góc phố nhỏ bé nhất. Rồi thành phố tiện nghi, văn minh và công nghiệp hối thúc trong từng bữa ăn giấc ngủ. Để đến lúc tìm một góc khuất cho mình quay gót lại thì những cuốn lịch ngày tháng cứ trút rơi qua năm năm, mười năm và bây giờ đã hai mươi năm. Cảm giác một thời đi mau như những con tàu vĩnh viễn rời bến sân ga, không một lời vẫy chào hẹn ước. 
Giờ đây thành phố dã quỳ Đà Lạt hai mươi năm biến đổi giàu có với hệ thống đường nhựa êm ru bước chân qua. Những con dốc phố bất chợt cao vút, bất chợt loanh quanh của đường Phan Bội Châu, Ba Tháng Hai, Bùi Thị Xuân, Trương Công Định, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đại Hành …hiện giờ đã san sát những căn nhà hiện đại, xếp chồng từng hộp, từng hộp bê tông chót vót trên đỉnh đầu, ngợp choáng khi ngước mắt lên nhìn. Sự thịnh vượng đã dập vùi không thương tiếc những cụm dã quỳ chưa bao giờ vàng úa trong tôi.


Nơi tôi ở căn gác nhỏ đỉnh dốc đường phố Phan Bội Châu hai mươi năm ấy bây giờ đã thành bình nguyên, nhường chỗ cho không gian phố phường nhộn nhịp kẻ bán người mua. Bà tôi - thế hệ thứ nhất lưu cư từ đồng bằng lên phố dã quỳ - nay đã vĩnh hằng về với tổ tiên. Thế hệ thứ hai - hàng bậc sinh thành ra tôi - giờ đang tuổi chiều vàng với cháu con, vơi đầy phước đức một đời. 

Thế hệ thứ ba một thời với tôi vẫn ngập chìm trong vòng xoáy của kinh tế thị trường, rượt đua với giàu sang phú quý. Chỉ có riêng tôi hàng năm - sau những giờ phút rong ruổi khắp miền thông tin, trở về với mùa đông Đà Lạt rét giá - lại đau đáu về một miền dã quỳ xưa ấy nơi nội ô phố mộng mơ giờ tìm đâu nữa…
Đà Lạt cuối đông 2006