Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Thông điệp từ Trúc chỉ XQ Đà Lạt

VĂN VIỆT 
Trong một dịp tham gia các chương trình lễ hội lớn ở Cố đô Huế, Đà Lạt, anh Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Đà Lạt đã có cuộc “hội ngộ trúc chỉ” không hẹn trước với họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học nghệ thuật Huế. Đồng thanh tương ứng, Võ Văn Quân đã cùng với Phan Hải Bằng “di thực” sản phẩm Trúc chỉ về trưng bày và làm chất liệu nền thêu mới sản phẩm tranh XQ Đà Lạt nói riêng và tranh thêu XQ trong và ngoài nước nói chung.

Ngày 01/9/2012, XQ Đà Lạt Sử quán chính thức khai trương khu vực triển lãm “Nghệ thuật Trúc chỉ” tại đường Mai Anh Đào, Đà Lạt, là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. Tại đây, họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng tạo ra sản phẩm Trúc chỉ đã cho biết, Trúc chỉ có nghĩa là giấy làm ra từ tre. Với bảy bước chuyển hóa từ tre thành Trúc chỉ là: Đầu tiên tre được bóc vỏ, chặt bỏ mắt, chẻ nhỏ rồi ngâm trong nước khoảng một đêm, sau đó nấu với nước vôi khoảng 12 tiếng đồng hồ. Các công đoạn tiếp theo gồm xả sạch và phân loại các loại xơ tre, nghiền nhỏ thành bột giấy và xeo giấy. Riêng quy trình xeo giấy gồm 2 phương pháp: Thứ nhất, bột giấy tre được cho vào bể sâu, dùng gậy đánh cho tan đều trong nước; múc bột giấy trải ra thành tệp, đưa vào máy ép trước khi phơi khô.Thứ hai, cho bột giấy vào khung ngâm trong bể cạn, vỗ đều trước khi vớt ra. Dùng nước phun vào mặt giấy để tạo ra các hình hoa văn chìm rồi đem phơi khô…
Họa sĩ Bằng nói: “Tên Trúc chỉ được dịch giả, nhà nghiên cứu Huế, Bữu Ý trực tiếp định danh cho. Tôi rất xúc động bởi sự tận tâm và nhiệt tình của anh chị em nghệ nhân, nghệ sỹ XQ Đà Lạt Sử quán đã cùng đưa nghệ thuật Trúc chỉ  đến ngày một gần hơn với công chúng Đà Lạt và công chúng là khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt… ”Trong một không gian hơn trăm mét vuông lung linh sắc màu tại XQ Đà Lạt Sử quán,  nghệ thuật Trúc chỉ được tôn vinh bởi nghi lễ trao “Tính toàn vẹn của giá trị tưởng niệm làng quê Việt Nam …” qua những tấm Trúc chỉ với nhiều hình dạng hoa văn chìm nổi, mới lạ, cuộn tròn thành hình những đốt tre đặt lên từng đôi tay cho khách quan sát, khám phá. Rồi bước chân vào trong phòng triển lãm, hàng chục sản phẩm Trúc chỉ đã đưa khách trở về quanh cảnh làng quê Việt Nam với những cuốn vở giấy tre, những chiếc quạt tre, chiếc đèn lồng, chiếc album ảnh và đặc biệt là những nét chữ, những bức tranh thêu từng đường kim mũi chỉ mềm mại của nghệ nhân XQ “phối màu” trên từng “đường gân thớ thịt”, từng hoa văn của Trúc chỉ, hiện ra những hình ảnh thân thương, thiêng liêng của làng quê Việt Nam gắn với biết bao kỷ niệm của từng tuổi thơ của mỗi người. Đêm hội tôn vinh Trúc chỉ càng về đêm càng ấm nống lên với khói lửa đốt sáng bập bùng giữa trời, bay lên hòa quyện vào khoảng không gian của ký ức quê ngay từ bài hát “Đường xưa lối cũ ” mở màn được trình bày bởi nhóm “Những nghệ sĩ về đêm” của XQ Đà Lạt Sử quán.  
Cảm xúc với nghệ thuật Trúc chỉ, người sáng lập tranh thêu XQ Việt Nam, anh Võ Văn Quân bộc lộ cảm xúc của mình rằng, Trúc chỉ bên cạnh hiệu quả sử dụng làm chất liệu nền cho sản phẩm tranh thêu tay đặc sắc mới cho thị trường là sản phẩm của tính văn hóa và tính nhân văn. Hầu hết con người Việt Nam khi sinh ra được mẹ- cha ru hời đong đưa trên chiếc nôi tre kẽo kẹt, được nuôi dưỡng lớn lên từng ngày trong ngôi nhà dựng nên với những rường cột bằng tre gân guốc. Rồi cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất và thăng tiến trong một đời người Việt Nam hàng ngày vẫn sử dụng những vật dụng tre như đũa tre, đòn gánh tre, chiếc thúng tre, nia tre, rổ tre, gáo tre, bàn ghế tre…Nhà nghiên cứu Nguyễn  Đắc Xuân thì bày tỏ : “ Nhìn ngắm tờ Trúc chỉ với những đường vân chìm nổi, uốn lượn, đậm nhạt, tôi tưởng tượng đến khuôn mặt nào đó, tưởng tượng đến trời mây, đến núi rừng…và đến cả số phận con người. Tuy trừu tượng nhưng rất gần gũi với tôi. Tôi ước mơ được gửi lại đời sau những bài thơ sáng tác thời trai trẻ của tôi trên giấy tre nghệ thuật mang tên Trúc chỉ này…”
Nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ có bề dày sáng tạo nghệ thuật trong nước đánh giá, sáng tác nghệ thuật lên một tờ Trúc chỉ hết sức công phu, có lẽ còn công phu hơn cả việc làm sơn mài. Nhưng có lẽ từ sự công phu này, Trúc chỉ khi ra đời đã cống hiến cho con người dùng làm những sản phẩm tranh in dân gian, vẽ chân dung, vẽ thiết kế, làm vật dụng trang trí nội thất…Và nay dùng làm thành sản phẩm tranh thêu Trúc chỉ của XQ Đà Lạt - Việt Nam, mang thông điệp “một sự trở về chính là nỗi hoài nhớ về lũy tre làng, nơi sinh ra và nuôi dưỡng những giấc mơ, những kỷ niệm tuổi thơ; nơi mà từ đó ra đi, đi mãi đôi khi quên lối về…” ( Lời của họa sĩ Phan Hải Bằng). Và họa sĩ Phan Hải Bằng đã cảm nhận trở lại thông điệp từ Trúc chỉ trưng bày và Trúc chỉ tranh thêu ở XQ Đà Lạt là kết quả của phép cộng gặp gỡ, trở thành tri kỷ giữa họa sĩ với anh Võ Văn Quân, người sáng lập tranh thêu XQ Việt Nam với cùng chung khát vọng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên cơ sở làm mới những giá trị truyền thống của người dân quê đất Việt. Đà Lạt tháng 9.2012