Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Bâng khuâng chiều tháp cổ

VĂN VIỆT
An Nhơn, Bình Định quê tôi là đất kinh thành Đồ Bàn với nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ trong quá khứ. Về quê lần này, bước lên giữa những tầng tháp cổ rêu phong, chợt bâng khuâng nhìn về phía hoàng hôn sẫm tím hướng trời tây. Thành quách, đền đài, những tượng thần, vũ nữ, linh vật…xa xưa lắm bỗng như đang hiện về chấp chới quanh đây…


Thực tình cũng đã gần một phần tư thế kỷ tôi mới được dịp đặt chân lên ngọn núi có tháp Bánh Ít “đứng xít Cầu Bà Di” quê tôi. Đây là thắng cảnh nổi tiếng đất Bình Định bởi những đường nét kiến trúc tuyệt mỹ, bên trong nó còn nhiều bí ẩn của vương triều Chăm Pa xưa. Câu ca dao mẹ hát ru tuổi bé thơ tôi trên chiếc võng đã thấm vào máu thịt tôi, truyền cho tôi một tình yêu thiết tha về một vùng đất quê hương non nước hữu tình bao bọc dưới chân đồi tháp cổ :“Tháp Bánh Ít đứng xít cầu Bà Di. Non xanh nước cũng xanh rì. Vào Nam ra Bắc cũng đi đường này.” 
Đó là đường Quốc lộ số I và đường sắt Bắc - Nam cùng chạy song song trên một nhánh sông Côn. Lữ khách trên đường thiên lý suốt dặm dài đất nước, có thể dừng chân ghé qua chiêm ngưỡng những ngọn tháp hình Bánh Ít trầm ngâm giữa trời cao đất rộng. Từng viên gạch kết dính lên nhau thành hàng hàng ngang dọc, vuông vắn, nối tiếp nới rộng ra và vút cao lên giữa không gian khoáng đạt đến tận cùng. Thuở ngồi ghế nhà trường phổ thông trung học vào những ngày chủ nhật., lũ học trò chúng tôi thường dắt xe đạp lên đây quây quần hết dưới chân tháp rồi vào trong lòng tháp, tựa lưng vào những bức tường in màu lửa nung trên tấm lưng áo màu trắng tinh…
Trường học chúng tôi ở sát cạnh Thành Bình Định ( nơi nghĩa quân Tây Sơn từng thắng lớn những trận đầu khởi binh), chỉ cách Tháp Bánh Ít chừng nửa giờ xe đạp. Không hiểu nhiều về biểu tượng cột linga – bệ yoni; biểu tượng của các thần siva…nhưng cứ nhìn ngắm những đường cong uốn lượn; những hình khối sắc nét phủ lác đác rêu phong, những hình bán nguyệt như chiếc vòng cung quá khổ từ nghệ thuật kết dính gạch nung…đã váng vất theo suốt hành trình đã gần nửa đời người trăm năm chìm nổi của tôi.       
Miền ký ức tháp cổ của tôi bên ngọn tháp Bánh Ít chon von trên núi; còn có tháp Cánh Tiên hàng trăm năm như phiêu diêu giữa những biển lúa rập rờn tươi mát. Đó còn là hai ngọn tháp Đôi đứng bên nhau như một cửa thành đón chào tao nhân mặc khách đến và đi nơi phố thị Quy Nhơn. Hay ngược lên đường Quốc lộ 19 chơi vơi cùng thế sự với tháp Dương Long qua thế kỷ này đến thế kỷ khác thăng trầm. Những hình thù từ những ngọn tháp ở đây luôn ám ảnh một lằn ranh trong tôi. Bên cạnh những pho tượng nữ thần, vũ nữ, tượng tu sĩ…sống động đến kỳ lạ; còn là những hình tạc loài rắn 5 đầu, hình nhân sư, phù điêu voi, phù điêu bò, các loài thân thú đầu chim…thấm đẫm màu sắc thần thoại, dữ dằn và thân thiện trộn lẫn vào nhau. Sau này những nghiên cứu khoa học đã cho rằng, những linh vật ấy là biểu trưng cho quyền uy của các vương triều Chăm pa cổ; ảnh hưởng của tín ngưỡng An Độ giáo; của triết lý năm hoạt động vũ trụ gồm Sáng tạo-Bảo toàn- Phá hủy - Hóa thân - Giải thoát…
Những tầng văn hóa tiềm tàng, sâu sắc qua hệ thống tháp Chămpa cổ Bình Định đang cuốn hút mạnh mẽ sự khám phá tìm hiểu, chiêm ngưỡng của các nhà khoa học, của những đoàn khách lữ hành trong và ngoài nước. Có những khát vọng thật lớn lao rằng nên sớm đề nghị UNESCO xếp hạng hệ thống tháp Chăm Bình Định thuộc di sản văn hóa thế giới. Biết được những thông tin đáng tự hào này, một chiều trên ngọn tháp Bánh Ít lòng tôi chợt bâng khuâng khi tìm lại một thời áo trắng nơi đây đã lùi dĩ vãng đã quá xa rồi…
Bình Định – Đà Lạt Hè 2007