Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hướng mở nào cho nghề thủ công ?


KỲ II:  KHÔI PHỤC TỪ XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐIỂM
VĂN VIỆT
Sau hơn một năm điều tra, khảo sát 30 cơ sở hộ gia đình đang giữ nghề sản xuất hoa khô, hoa gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa…tập trung trên các địa bàn phường 10, xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch của Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt đã chọn cơ sở Hoa khô Hiếu ở xã Trạm Hành để xây dựng thành mô hình hợp tác xã điểm, mở ra những hướng phát triển khả quan ban đầu.

Đến thời điểm đầu tháng 9/2012, ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết đã hoàn thành hơn 90% các “hạng mục” của Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất hoa khô, hoa gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa phục vụ cho dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt ”. Trong đó đáng kể trước hết là Dự án đã vận động góp vốn cho hợp tác xã hoạt động, bổ sung hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý, tham mưu UBND thành phố Đà Lạt ra Quyết định “nâng cấp” cơ sở Hoa khô Hiếu thành tổ chức sản xuất tập thể tư có cách pháp nhân mới vào tháng 4/2012 với tên gọi : Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp tổng hợp Trạm Hành, địa chỉ số 5/1, thôn Trạm Hành, xã Trạm Hành, Đà Lạt. Ngành nghề sản xuất kinh doanh là ngành hàng thủ công mỹ nghệ hoa khô, hoa gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa.
Trước đó, Dự án đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về những nội dung cơ bản Luật Hợp tác xã, những quy định về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tề thị trường. Qua tập huấn, Dự án đã vận động 15 người tự nguyện tham gia làm xã viên đóng góp vốn, tán thành điều lệ và phương án hoạt động theo mô hình hợp tác xã xây dựng điểm trong thành phố Đà Lạt. Đồng thời trước khi chính thức bước vào sản xuất các sản phâm hoa khô mới, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho những lao động đã làm việc tại cơ sở Hoa khô Hiếu thời gian qua và dạy nghề mới cho người lao động lần đầu tiên vào làm việc trong mô hình hợp tác xã Trạm Hành; tập huấn trực tiếp giữa người thợ lâu năm với người mới vào nghề, giữa người dạy nghề trong các cơ sở  tập trung với người thợ lâu năm ( học nâng cao) và với người thợ mới ( học cơ bản từ đầu). 
Kết quả qua hơn 3 tháng tập huấn, hơn 20 lao động của Hợp tác xã Trạm Hành đã sản xuất hàng loạt tác phẩm hoa khô, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa với những “hình dáng” độc đáo mới, sau đó đưa vào trưng bày và định giá kinh doanh tại các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Lạt như: Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ, Khu Du lịch Viện Sinh học Tây Nguyên, Khách sạn Sammy…
Ngoài ra Dự án còn đưa các sản phẩm thủ công này đi triển lãm tại Hội chợ thương mại ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng và Hội chợ thương mại khu vực miền Trung, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và tại tỉnh Bình Thuận. “Qua lấy ý kiến của khách du lịch trong và ngoài nước và khách hàng đã đặt mua thường xuyên qua từ các hội chợ, đều nhận được sự đánh giá khá cao về đa dạng mẫu mã thiết kế và giá cả cạnh tranh của các sản phẩm thủ công do người lao động của Hợp tác xã Trạm Hành sản xuất..”- Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt, Nguyễn Đình Thiện nói.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Trạm Hành, Đà Lạt, ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết thêm: Tính riêng sau 3 tháng đi vào sản xuất theo mô hình điểm, Hợp tác xã Trạm Hành đã “xuất xưởng” trên 1.250 sản phẩm hoa khô, hoa gỗ trang trí các loại, đạt doanh thu ban đầu khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh nguyên liệu hoa cắt cành cao cấp, hoa dại mua về sấy khô, hợp tác xã còn tận dụng các phế phẩm như vỏ bìa ván, vỏ cành cây, vỏ trái cây rừng, gốc cây cà phê…để “chế tác” ra các mặt hàng thủ công chính gồm hoa khô treo tường, bình hoa khô để bàn, hoa khô trang trí, các hoa ghép từ những mảnh gỗ vụn. Khai thác thị trường tiêu thụ bên cạnh việc trưng bày bán tại các điểm du lịch trong thành phố Đà Lạt còn tổ chức đưa khách đoàn về Trạm Hành trực tiếp tham quan từng công đoạn sản xuất thủ công của hợp tác xã.  
Cũng theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Trạm Hành, Đà Lạt, ông Nguyễn Trọng Hiếu, dẫu bước đầu phải vượt qua những khó khăn về nguồn vốn góp của xã viên, về cách thức quản lý, về cách tiếp cận với thị trường du lịch, nhưng kết quả nổi bật là hợp tác xã đã tìm thấy hướng đi cho riêng mình. Đó là phải chủ động sản xuất theo kế hoạch hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành từ cấp thành phố đến cấp tỉnh, sản xuất những dòng sản phẩm phù hợp theo từng giai đoạn dự báo với sức mua của thị trường du lịch và sức mua từ hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương.
Và ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt cũng nói thêm rằng, Dự án xây dựng mô hình điểm hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở Trạm Hành sẽ tiếp tục hoàn thành 10% “hạng mục” còn lại đến hết năm 2012. Đó là hoàn thiện phương án gắn kết giữa sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã Trạm Hành với những dịch vụ tham quan du lịch trong thành phố Đà Lạt và trong tỉnh Lâm Đồng; tiếp tục mở những khóa đào tạo mới để nâng cao tay nghề cho xã viên hợp tác xã; triển khai thêm nhiều chuyến xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm thủ công của hợp tác xã đến với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau trong nước; cuối cùng là đúc kết những kinh nghiệm thành công để nhân rộng mô hình từ việc xây dựng điểm Hợp tác xã Trạm Hành; tham mưu chính quyền thành phố Đà Lạt quy hoạch mới các khu vực thích hợp về đặc điểm dân cư, đặc điểm địa bàn để hình thành từng bước các làng nghề thủ công trong thành phố. “Mục đích hướng tới là luôn tạo ra sự đa dạng và có nghệ thuật mới mẻ của sản phẩm thủ công thành phố du lịch Đà Lạt, tạo ra trên từng sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao từ thị trường trong nước vươn ra đến thị trường quốc tế… ”-Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt, Nguyễn Đình Thiện nói.
Tháng 9.2012