VĂN VIỆT
(GiẢI BA Cuộc thi viết về du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2006)
Bản đồ du lịch Đà Lạt đã ghi thêm một “nét son” mới với “địa danh” vừa lạ và…dường như cũng rất quen quen: Thung lũng Vàng. Trên nền một quần thể thiên nhiên núi rừng ngút ngàn, hồ nước mênh mông…những “chủ nhân ông” đã ngày đêm miệt mài với những tìm tòi, khám phá, tôn tạo thành những khu du ngoạn lý tưởng cho du khách gần xa.
Thông
điệp dưới tán thông ngàn của Thung lũng Vàng được gửi đến tất cả mọi người khi
đặt chân đến là “Nẻo về của Ý”. Nó được khắc lên một phiến đá gần như vĩnh cữu
với những chứng tích thời gian. Ông Trần Đình Lãnh, Giám đốc Công ty Cấp nước
Lâm Đồng và là “thủ lĩnh” của một tập
thể lớn đã “nghĩ lớn” ra việc hình thành khu du lịch này bắt đầu từ “nẻo về của
Ý”. Đó là một “Ý tưởng” chung nhất được chắt lọc lại từ vô vàn ý tưởng rồi kiên
trì mở hướng đi vào tương lai phát triển du lịch sinh thái bền vững. Nghĩ lại
hơn hai chục năm về trước, khi ra đời và vận hành Nhà máy nước Suối Vàng giữa
bốn bề núi non heo hút bóng người. Dù chỉ cách trung tâm thành phố Đà Lạt chưa
quá 15 cây số, những cán bộ-công nhân viên của nhà máy nước phân công vào đây
làm việc được hiểu là được tạo môi trường thử thách để rèn luyện trưởng thành.
Đường đất đỏ cao nguyên quanh năm đi lại trắc trở. Cứ đôi ba năm lại phải một
lần luân chuyển cán bộ công nhân viên từ nhà máy nước ở phố thị vào nhà máy
nước Suối Vàng và ngược lại. Bao năm trăn trở, dằn vặt, chợt bật lên câu hỏi
quanh mình: Xây dựng khu vực thư giãn cho cán bộ công nhân viên nhà máy ngay
giữa “thâm sơn ” này, sao lại không nhỉ?
Ấp
ủ, dự định, ước mơ…về một khu vườn sinh thái hài hòa giữa thiên nhiên và nhân
tạo cứ lớn dần, lớn dần. Đến những năm cuối thập kỷ “chín mươi” của thế kỷ
trước, hệ thống máy móc, thiết bị cấp nước tiếp tục được trang bị hiện đại từ
Đan Mạch. Việc tăng cường một bộ máy nhân sự cho đủ “chất” và “lượng” vào đây là vô cùng cấp bách. Đồng
thời bên trong những chế độ ưu đãi theo quy định của nhà nước cũng rất cần
những quan tâm khác về cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ một
cách linh hoạt nhất, kích thích họ làm việc tốt hơn, gắn bó với nhà máy hơn.
Thế là khu vườn cảnh quan đầu tiên hình thành trong phạm vi 3 ha dưới tán rừng,
gồm những cụm cây, hoa đặc hữu; gỗ, đá cảnh sưu tập trên đất Lâm Đồng. Nay đã
mở rộng thành một điểm du lịch hấp dẫn, kỳ thú với 15 ha rừng thông tăm tắp vươn
cao, thẳng hàng, ngay lối. Những cụm “đảo bonsai” cổ xưa; những loài tùng,
bách, pơ mu, thông đỏ, du sam…quý hiếm; và cả từng cụm hoa sim tím, hoa mua
tươi đỏ… bây giờ có thể hình dung những chuỗi ngày dài kỳ công gieo ươm, tạo
cảnh của những “nghệ nhân kiêm nhiệm” trong Thung lũng Vàng này.
Say
sưa trong bàn tay, trí tuệ với sinh cảnh, những “nghệ nhân kiêm nhiệm” ở Thung
lũng Vàng đã dần dần khám phá ra những nét đẹp tĩnh lặng đến mê hồn; “tác tạo
những “tác phẩm” hết sức độc đáo. Vừa đặt chân đến thưởng ngoạn, du khách không
khỏi ngạc nhiên bởi ấn tượng mạnh mẽ từ kết cấu, thiết kế của cánh cổng chào
đón khách đồ sộ mà lại sinh động, uyển chuyển. Cánh cổng rộng 5m; cao cũng đến
gần 10 m hầu như đều xây dựng bằng sắt tận dụng gồm những “phi”, “cuốt”, “tơ”,
“van”…của đường ống dẫn nước, kích cỡ khá lớn kết dính với nhau. Dẫn vào khu du
lịch là con đường nhựa rộng hai làn xe ô tô mát rượi giữa rừng thông nguyên sơ.
Đây rồi Thung lũng Vàng. Phiến đá hình bảo kiếm bộc bạch với lữ khách khi lần
đầu tâm sự qua dòng chữ: “Nẻo về của “Ý””. Dừng chân suy tưởng trước một sự xếp
đặt tinh tế với những vật thể chính từ “kho phế liệu” nhà máy nước Đà Lạt gồm
sắt, đá, gỗ…bấu chặt lấy nhau. Những hình thù trực quan đó là: Cây mỏ neo nặng
2,3 tấn; cả trăm khoen mắt xích ( một khoen nặng 50 kg) viền quanh; cỗ bán xe
gỗ quay đều với vòng quay của muôn đời; và cạnh đó là cây cột đá nặng 10 tấn,
cao đến 5m lừng lững giữa gió núi, mưa ngàn của vũ trụ vô cùng tận, không sắc,
không hình…
Thung
lũng Vàng năm nay sẽ tiếp tục mở rộng thành 175 ha. Rừng thông trải dài ra,
trùng trùng cây xanh cao vút, ôm trọn trong vòng tay người; tán thông phủ dày
trên thảm cỏ mượt mà. Bên dưới thung lũng là hồ nước có bề mặt rộng hơn năm
ngàn mét vuông, lòng nước sâu đến 10m, có thể du thuyền dưới cái nắng mềm mại
của cao nguyên nhiều tiếng đồng rồi thả mình giữa rừng thông vi vu, bâng khuâng
tiếng gió vờn quanh..Một dịp đến Đà Lạt, chọn một ngày đắm mình vào thiên nhiên
Thung lũng Vàng với những “nẻo đường của “Ý””, bỗng chốc ta thấy mình sao
còn…xa lạ với mình quá để thốt lên câu tự hỏi mình “Tôi là ai mà yêu quá đời
này…” !./.