Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Ya Loan với công thức rừng- ruộng

VĂN VIỆT
( Giải Khuyến Khích Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm 2010)
Ya Loan tự phát hiện mình là người cả nghĩ. Rời bảng đen phấn trắng về buôn làng làm ruộng lại nghĩ đến nguồn nước. Chặn được dòng suối thì nghĩ đến thả con cá xuống nuôi. Bắt con cá bán cho con người có tiền quanh năm thì nghĩ đến giữ cây giữ rừng cho nước…Cứ nghĩ có cái này thì phải cần có cái kia, cuối cùng Ya Loan đã tìm ra công thức rừng – ruộng khiến ai cũng cảm phục.      

 Năm 2010 là năm thứ mười lăm, già làng Ya Loan ( 64 tuổi) dẫn nhánh suối nước về vườn nhà, ỡ thôn Ka Hót, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương để khép kín mô hình vườn- ao – chuồng - rừng ( VACR) với giá trị kinh tế cao. Từ mô hình VACR của già làng đã tích nước tưới tiêu mỗi năm hai vụ lúa cho dân làng, thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.
LÀM RUỘNG NGHĨ ĐẾN TÍCH NƯỚC
Ya Loan là người Chu Ru, sinh ra tại xã P’Ró, huyện Đơn Dương làm nghề nhà giáo tiểu học gần hết thập niên bảy mươi của thế kỷ trước ở các trường Trạm Hành của Đà Lạt và các trường Ka Đô, Thạnh Mỹ của huyện Đơn Dương. Đầu năm 1980, vì hoàn cảnh riêng, Ya Loan phải rời bục giảng về nhà làm ruộng trên 1,5ha của gia đình chia cho. Nhờ sẵn có cái chữ trong đầu nên sau mỗi ngày ra đồng là Ya Loan lại trằn trọc không yên : “Làm ruộng lúa độc canh mà lại trông chờ vào nước trời thì lo đủ cái ăn là giỏi lắm rồi; làm sao lo đến cái để dành nữa…”- Biết vậy mà Ya Loan thì lực bất tòng tâm. Mãi đến năm 1995, Ya Loan mới chuyển nơi định canh định cư mới từ xã P’Ró sang xã Tu Tra cùng thuộc địa bàn huyện Đơn Dương. Tại Tu Tra, Ya Loan dần huy động được nguồn vốn mượn vay khoảng 20 lượng vàng để đào ao, đắp đập thả cá trên 01 ha đất quanh vườn nhà. Ở dưới chân đập nước là 2 ha ruộng lúa được gia đình vợ cho canh tác. Ở bên trên phía đập nước vài cây số là dãy đồi rừng 36 ha được nhà nước giao quản lý bảo vệ nữa. “Có vườn, có ao, có rừng rồi thì không lẽ mình lại không làm được cái chuồng để nuôi con trâu, con bò, con heo và những con gà, con vịt hay sao…”-  Ya Loan kể lại cái mô hình VACR của mình đã  cố gắng hết công sức và tiền bạc của gia đình và những người thân thuộc mới xây dựng thành dáng, thành hình và đi vào “hoạt động” trong năm 1995.  
Điểm nhấn của trang trại Ya Loan là chiếc ao hồ đào xong có độ sâu chừng 4 m, dẫn nước suối tự chảy vào tích nước dâng lên cao khoảng 3m; còn lại 1m trồng cỏ sữa phủ xanh thành bờ đập sinh thái và để cắt hái làm thức ăn cho bò. Ya Loan còn trồng trên đường đi ven hồ với nhiều cây xanh như sung, bơ, trâm, sanh, si, liễu, lựu, tre, trúc…để cây bám rễ giữ bờ đập kiên cố hơn. Được sự chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương, Ya Loan lên đơn vị nuôi trồng thủy sản của nhà nước tại xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng để mua 1 tạ cá giống các loại phi, mè, trắm, chép…về thả nuôi xuống hồ. Rồi thường xuyên đọc sách báo, nghe đài, biết được cá sẽ tăng trọng và sinh sản đạt chất lượng khi nuôi trong môi trường nước có dòng chảy tự nhiên, Ya Loan đã lắp đặt 500 mét ống dẫn nước vào và nước ra cho hồ, đường kính của ống khoảng hơn 10 cm. Đường ống dẫn nước vào ao nối từ nhánh suối tự chảy ở chân núi phía sau vườn nhà. Đường ống dẫn nước ra ao là tưới trực tiếp xuống ruộng lúa của Ya Loan và ruộng lúa của bà con buôn làng, cả thảy khoảng 4 ha. Hàng ngày ra ao vào đầu giờ buổi sáng để cho cá ăn cám bột mua ngoài chợ hoặc các loại đậu, bắp, cỏ, lúa lép…tận dụng trong ruộng vườn nhà. Kết quả năm đầu tiên, Ya Loan thu bán tại chỗ được 4 tấn cá thịt. 
Và với 2 ha ruộng lúa tưới tiêu từ ao thủy lợi tại chỗ, đã thu về 2  vụ lúa đạt hơn 2O tấn. Tương tự với 2 ha lúa của dân làng được tưới tiêu miễn phí từ hồ cá thủy lợi của Ya Loan, cũng thu về 2 vụ lúa, cân được hơn 20 tấn. Từ năm thứ hai đến nay, sản lượng lúa xung quanh khu vực hồ nước thủy lợi nuôi cá của Ya Loan tiếp tục tăng thêm mỗi ha trên dưới 4 tấn nhờ chủ động được việc phòng chống hạn. Ngày mùa thu hoạch lúa ở đây thật vui. Hàng chục người cùng xuống đồng gặt hái theo hình thức đổi công lẫn nhau. Riêng sản lượng cá trong hồ của Ya Loan cũng tăng thêm hàng năm trên dưới 1 tấn thịt. Gộp chung diện tích khai hoang sau mười lăm năm, Ya Loan đã mở rộng trang trại lên đến 7 ha. Bên cạnh ao cá, ruộng lúa còn có đàn bò, đàn heo, đàn dê, đàn gà vườn; các diện tích trồng bắp, đậu, tre, trúc của trang trại; cộng với công việc quản lý và bảo vệ trên 36 ha rừng …thì tính trung bình từ mấy năm gần đây, Ya Loan đạt nguồn thu lãi ròng mỗi năm ước tính đôi, ba trăm triệu đồng.
“LÊN RỪNG, XUỐNG RUỘNG, RA AO…QUEN RỒI”
Theo Ya Loan, bây giờ cứ mỗi sáng thức dậy lên rừng, xuống ruộng, ra ao thấy nước vẫn giữ màu xanh như đọt lá chuối là đạt yêu cầu. Bởi đó là màu xanh trong nước có rong rêu và các vi sinh vật khác đang sinh sôi thành nguồn thức ăn thích hợp nhất của cá nuôi. Để tạo ra màu nước xanh này, Ya Loan đã thả nuôi nhân giống thành công hàng ngàn con ốc trai dưới đáy hồ. Hàng ngày mỗi con ốc trai là mỗi chiếc máy lọc nước tự nhiên cho không khí nước trong lành và dồi dào dưỡng chất để nuôi cá thịt trong ao được lớn nhanh hơn. “Con ốc trai dưới đáy hồ cứ tự nhiên lọc nước, tự nhiên sinh sản vì ở đầu nguồn con suối là có 36ha cây rừng và đất rừng của tôi luôn bảo vệ, chăm sóc tốt, được nhà nước nghiệm thu trả tiền công đầy đủ hàng năm…”- Ya Loan bộc bạch.
Bà con buôn làng thôn Ka Hót, xã Tu Tra, Đơn Dương hiện vẫn sử dụng hồ đập nước nuôi cá và làm thủy lợi của già làng Ya Loan như của nhà mình vậy. Trang trại Ya Loan không xây hàng rào, không dựng cổng, người buôn làng có thể vào ra bất cứ giờ nào ở ban ngày cũng như ban đêm. Đường ống dẫn nước từ hồ đến ruộng lúc nào cũng để sẵn cho dân làng, chỉ cần kéo thấp đường ống xuống so với mặt nước hồ là dẫn nước chảy trực tiếp vào ruộng. Ya Loan đang dạy tiếng dân tộc bản địa Tây Nguyên hàng tuần cho cán bộ công chức huyện Đơn Dương. Ngoài giờ dạy, Ya Loan thường thường trực ở trang trại, sẵn lòng trao đổi, truyền đạt những công thức VACR cho bà con buôn làng khi đến tham quan, tìm hiểu. Dẫn tôi dạo một vòng trang trại của mình, Ya Loan kể rằng thỉnh thoảng cũng có vài loài thú hoang như khỉ, vượn và các loài chim quý hiếm như chim ó, chim bìm bịp. chim chào mào… về đây leo trèo, bay đậu làm tổ trên những tán cây xanh ven hồ. Cách đây mấy tháng, một con chim ó từ đâu đó sa cánh xuống bờ cỏ trang trại, Ya Loan đã có mặt kịp lúc đưa nó về trong nhà cứu chữa. Ya Loan cho chim ó ăn bắp, đậu, lúa…hái tại trang trại sau độ tuần lễ đã cất lên tiếng kêu trong vắt, ngân dài; không còn tiếng kêu khàn đặc, hụt hơi như trước đã bị người thợ săn nào đó bắn bị thương. Chim ó hiện đang được chăm sóc riêng biệt trong một lán trại riêng, bên cạnh là vòm cây bơ cổ thụ, một loài bơ sáp đang được cơ quan nông nghiệp địa phương đến chiết cành và lấy hạt về nhân giống đại trà cho nông dân Lâm Đồng. 
Bất chợt, Ya Loan kéo tôi ngồi xuống dưới một bộ bàn ghế lõi cây xoài ( nghe nói đây là phần gỗ lõi cây xoài đã tự ngã đổ sau sáu, bảy trăm năm tuổi tồn tại) rồi hỏi : “Anh có nghe thấy gì không ? ” Tôi trả lời ngay “cảnh sơn thủy hữu tình như thế này thì nhiều thứ để nghe thấy lắm…” “Tôi muốn nói riêng tiếng thú hoang mà…” Thì ra nãy giờ từ trong rừng trang trại Ya Loan vọng lại tiếng vượn hú gọi bầy từng hồi vun vút, chỉ cần lắng lại chú ý một chút là nghe ra rất rõ…
Ya Loan kể thêm, nhiều lần về thăm quê Đơn Dương, hai người anh ruột là Việt kiều Mỹ cứ trầm trồ cảm phục và nài nỉ học hỏi kinh nghiệm theo mô hình VACR của Ya Loan. Càng học hỏi càng thích thú quá nên hai người anh Việt kiều của Ya Loan đã tìm mua được đất ở vùng Di Linh của Lâm Đồng và vùng Thị Nghè của Sài Gòn, và đang hình thành bước đầu theo mô hình trang trại VACR của ya Loan. Ước nguyện mở trang trại từ hai người anh Việt kiều của Ya Loan trước mắt là có nơi chốn đi về thăm viếng, vui thú điền viên; sau nữa là để lại cho con cái thừa kế về nước đầu tư làm kinh tế lâu dài. Riêng trang trại của Ya Loan hiện đang có sức hấp dẫn khá lớn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đặt chân đến . 
“Đã có nhiều doanh nghiệp bảo tôi sang nhượng lại hết trang trại VACR với giá 5 tỷ đồng rồi đến 7 tỷ đồng để chuyển nghề lên phố huyện, phố tỉnh buôn bán. Tôi trả lời ngay với họ là không thể sang nhượng lại được. Bởi tôi đã gắn bó máu thịt, tôi quen rồi với công việc hàng ngày lên rừng, xuống ruộng, ra ao…Nếu hôm nay ra phố làm ăn thì biết bao giờ tôi mới buôn có bạn, bán có phường bằng như người ta được…”- Già làng Ya Loan nói thật bụng và mời tôi ở lại thưởng thức món rượu vang hạt lựu khá đặc biệt, được chế biến từ cây nhà lá vườn trong trang trại VACR này…Đơn Dương- Đà Lạt tháng 8/2010