Ghi chép VĂN
VIỆT
Nằm cạnh thác
Pongour và thác Gougah đầy huyền tích; hướng nhìn hồ Đại Ninh hàng ngàn ha sóng
nước hòa quyện với mây trời, làng chùa Phú An, Đức Trọng lại kể tiếp những câu
chuyện hành hương sau gần nửa thế kỷ sinh cơ lập nghiệp. Từ một vùng rừng núi
bạt ngàn, các nhà sư đã tu tập rồi dựng xây thành một miền thanh tịnh cho mọi
người tứ phương đến bái vọng, trút bỏ những buồn phiền lụy trong đời.
Anh cán bộ mặt trận xã Phú
Hội dẫn tôi đến Vĩnh Minh Tự Viện thăm tòa bảo tháp 3 tầng dựng lên bằng đá
tảng. Đây là một tòa tháp độc nhất vô nhị của Việt Nam, được dựng lên bởi 450
tấn đá chuyên chở từ Ninh Bình về. Những người thợ đá lực lưỡng và tinh xảo
cũng từ Ninh Bình đến Vĩnh Minh Tự Viện miệt mài, cật lực để hoàn thành bảo
tháp trong suốt 2 năm trời. Những khối đá chồng xếp lên nhau vút cao hình tháp
nhọn - không phải bằng mạch hồ vữa, xi măng kết dính, mà đan kết với nhau qua
những mộng đá chuẩn xác từng li một. Bảo tháp cao chừng mười mét; chu vi chân
tháp rộng chừng vài mươi mét vuông; nằm gọn trong khu lăng mộ chưa quá trăm mét
vuông, được ngắm nhìn từng mái tháp cong vút, những bức hoa văn điêu khắc mềm
mại trên đá. Sư thầy Nguyên Hiền, trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện cho biết tòa bảo
tháp đã xây dựng hết khoảng hai tỷ đồng, do Phật tử trong nước và nước ngoài
công đức. Phía dưới lòng bảo tháp là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Tâm
Thanh, người sáng lập nên Vĩnh Minh Tự Viện ngày nay.
Sư thầy Nguyên Hiền kể rằng
Vĩnh Minh Tự Viện xưa kia là một khu rừng hoang vắng. Năm 1972 được Hòa thượng
Thích Thiền Tâm ( một trong những người đầu tiên lập tịnh thất chân tu nơi làng
chùa Phú An) chỉ dẫn, Hòa thượng Thích Tâm Thanh dựng nên một thạch thất trên
đồi thuộc khuôn viên tu viện Hương Nghiêm. Hương Nghiêm là ngôi chùa đầu tiên
của đất Phú An. Sau những ngày thuyết pháp ở các trường Phật học Sài Gòn, Hòa
thượng Tâm Thanh về đây nhập thất tu tập thiền định. Đến năm 1983, Hòa thượng
Tâm Thanh mới lên đây trùng tu, mở rộng thành ngôi chùa lấy hiệu là Vĩnh Minh
Tự Viện. Hơn 40 năm tu học và hoằng pháp, Hòa thượng Thích Tâm Thanh viên tịch
vào ngày 02 tháng 4 năm 2004, hưởng thọ 74 tuổi. Công hạnh của Thích Tâm Thanh
với Vĩnh Minh Tự Viện rất vô cùng, các Hòa thượng, Tăng Ni, Phật tử bốn phương
cùng xây bảo tháp cho Ngài được hóa độ ra đi giữa bến giáo này.
Cách Vĩnh Minh Tự Viên một
vòng cung đường vài trăm mét là Phương Liên Tịnh Xứ do sư cô Bảo Đàn trụ trì.
Ngôi chùa tọa lạc trên quả đồi rộng lớn. Chảy vây bọc dưới chân đồi là dòng
sông Đa Nhim rào rạt ngày đêm, xanh mát suối nguồn. Những năm sáu mươi của thế
kỷ trước, Hòa thượng Thích Thiền Tâm từ
Gò Công, Tiền Giang lên đây tìm nơi lập thất. Năm 1992 Hòa thượng Thích Thiền
Tâm viên tịch. Sư cô Thu Nguyệt được phó chúc ( kế tục) trụ trì. Năm 2002, sư
cô Thu Nguyệt viên tịch. Sư cô Bảo Đàn trụ trì đến ngày hôm nay. Chư Tăng Ni,
Phật tử nhiều nơi trong nước về đây công đức lòng từ tâm, xây tháp mộ 7 tầng
vời vợi trên đồi cao thanh tịnh cho sư cô Thu Nguyệt nghìn thu viên mãn.
Anh Lê Hoàng, Phó Chủ tịch
xã Phú Hội thống kê toàn thôn Phú An có gần 2.200 nhân khẩu với 70 cơ sở thờ tự
( chùa, tịnh thất, niệm phật đường). Trong đó gồm 10 chùa lớn. Trong 4 xóm của
thôn Phú An, cơ sở chùa tập trung nhiều nhất là xóm I với con đường thảm nhựa
uốn lượn theo dòng sông Đa Nhim. Đi ngược dòng sông Đa Nhim là đặt chân lên
chiếc cầu treo dài 30 m, nối liền với thôn Thiện Chí ( Ninh Gia, Đức Trọng).
Làng chùa Phú An lại nằm ven Quốc lộ 20, chỉ cách Đà Lạt hơn 40 cây số. Cạnh
làng là thác Pongour, ngọn thác duy nhất của núi rừng Nam Tây Nguyên được trẩy
hội vào dịp rằm tháng giêng hàng năm. Phía đối diện với làng chưa đầy cây số là
thác Gougah, ngọn nước đổ xuống vực sâu
gần 20 m, gồm hai dải màu óng ánh vàng và màu trắng xóa bạch kim. Tương truyền
Gougah từng là nơi cất giấu báu vật của một hoàng hậu vua Chămpa.
Còn phía
trước là công trình thủy điện Đại Ninh tầm cỡ quốc gia. Tất cả nối liền với
nhau, tạo thành một quần thể du lịch đầy tiềm năng về sinh thái dã ngoại, hành
hương, ngưỡng vọng những phong cách kiến trúc kết hợp giữa cổ xưa và hiện
đại…nơi làng chùa Phú An này.
Phú An- Đà
Lạt tháng 9.2007