Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Thi hành án Đà Lat- Lâm Đồng "chơi chữ"

VĂN VIỆT
Gần 4 năm, bà T phải ra vào không biết bao lần ở cơ quan thi hành án Đà Lạt để yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc ông B ( chồng) và  bà L (vợ ) phải  trả nợ gần 140triệu đồng nhưng vẫn không có kết quả.  Mặc dù đây là án có điều kiện thi hành, nhưng Chi cục Thi hành án Đà Lạt lại trả lời “do chấp hành viên chưa tác nghiệp tiếp”; còn Cục Thi hành án Lâm Đồng trả lời   “thiếu kiên quyết chứ không phải trì hoãn thi hành án” (?!)

THI HÀNH ÁN ĐÀ LẠT… “CHƯA TÁC NGHIỆP TIẾP”
Theo bản án phúc thẩm ngày 20/11/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng và Quyết định thi hành án ngày 22/12/2008 của Chi cục Thi hành án thành phố Đà Lạt, bà T. được thi hành án gần 140 triệu đồng, buộc bà L phải trả hơn 107 triệu đồng và cùng với người chồng là ông  B phải trả hơn 32 triệu đồng.
Sau khi hết thời gian tự nguyện thi hành án của ông B, bà L, THA Đà Lạt đã xác minh các tài sản để cưỡng chế do bà T cung cấp gồm 01 chiếc xe máy, 01 căn nhà sở hữu chung tại đường Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt cùng thu nhập lương hàng tháng tại Công ty Công trình đô thị Đà Lạt. Tuy nhiên, trong gần 4 năm qua, THA Đà Lạt chỉ tiến hành các công việc lấy lệ như: Mời ông B, bà L đến làm việc; gửi công văn đến Công ty Công trình đô thị Đà Lạt đề nghị cung cấp thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khác của ông B…
THA Đà Lạt đã biện minh cho lý do chưa tổ chức cưỡng chế các tài sản vừa nêu để thi hành án trả nợ nhanh chóng cho bà T: Chiếc xe máy đã không thể hiện trong biên bản cung cấp thông tin của bà T; căn nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt là sở hữu chung của ông B ( con) với người cha là ông L là “ tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án của ông B chỉ có 32.108.000 đồng, nên chấp hành viên chưa giải quyết…” Và với việc không khấu trừ thi hành án từ khoản tiền lương và các khoản thu nhập khác của ông B, THA Đà Lạt thanh minh một cách quá đơn giản và hết sức vô trách nhiệm: “ …Chấp hành viên có gửi công văn đề nghị Công ty Công trình đô thị Đà Lạt cung cấp số tiền lương và các khoản phụ cấp khác mà ông B được hưởng để khấu trừ thi hành án, nhưng chưa được trả lời. Từ đó đến nay, chấp hành viên cũng chưa có tác nghiệp tiếp để xác minh điều kiện thi hành án của ông B… ” (?!) Đây là những cách hành xử của THA Đà Lạt đã cố tình vi phạm điều 45, 46, Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định sau 15 ngày không tự nguyện thi hành án có điều kiện, cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế…
Theo trình bày của bà T khi bà cung cấp 01 chiếc xe máy của bà L đang sử dụng thì chấp hành viên THA Đà Lạt, bà Võ Thị Hồng Nhung đã ghi trên bìa hồ sơ thi hành án và hứa miệng sẽ tiến hành xác minh, nhưng hoàn toàn không thực hiện. Trong khi bà L sử dụng chiếc xe máy hàng ngày từ nhà ra phố, rất nhiều quen mặt đã thấy, đã biết, nhưng THA Đà Lạt đã không chủ động lập thành văn bản, không kiểm tra thực tế như vậy, đã gián tiếp “bật đèn xanh” cho bà L tẩu tán rồi lấy đó tạo thành chứng cứ không có điều kiện thi hành án “… đối chiếu hồ sơ, không có biên bản nào thể hiện bà T cung cấp chiếc xe máy của bà L cho THA Đà Lạt…” (?!)   

THI HÀNH ÁN LÂM ĐỒNG “CHƠI CHỮ” VÀ SAI LỖI CHÍNH TẢ
Ngày 23/7/2012, ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Lâm Đồng ký văn bản số 16, trả lời  khiếu nại của bà T. đã sai quá nhiều lỗi chính tả ngay từ những dòng đầu. Đó là “thi hành án” ghi thành “thi gành án”; “thành phố” ghi thành “thành phốp”; “phải trả” ghi thành “phảu trả”; “Chi cục” ghi lặp lại 2 lần thành “Chi chục”. Đề cập đến gần 4 năm không tổ chức thi hành án có điều kiện cho bà T, Cục này đã “chơi chữ” rằng do THA Đà Lạt “thiếu kiên quyết” chứ không phải “trì hoãn”.
Theo từ điển của Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin tại Hà Nội, xuất bản vào tháng 01/2007,  “kiên quyết” là “không thay đổi ý  kiến”; và “trì hoãn” là “để chậm lại, làm kéo dài thời gian”. Suy ra “thiếu kiên quyết thi hành án” là “thay đổi ý kiến ” thi hành án, gây ra việc thi hành án “chậm lại, làm kéo dài thời gian”. Như vậy việc chấp hành viên THA Đà Lạt, bà Võ Thị Hồng Nhung đã “thiếu kiên quyết” thi hành án là nguyên nhân gây ra hệ quả “ làm kéo dài thời gian” ( trì hoãn), nhưng Cục THA Lâm Đồng lại cố gồng lên “chơi chữ” thiếu chuẩn xác, cộng với những lỗi chính tả như trên, liệu có là thể hiện sự biện bạch, bao che khỏa lấp của THA cấp trên đối với thái độ tắc trách của THA cấp dưới nói chung và của chấp hành viên Võ Thị Hồng Nhung nói riêng, vi phạm Điều 136, Hiến pháp : “Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ  chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”    .
Tháng 8/2012
PHẢN HỒI
Cuối tháng 12/2012, Chấp hành viên Võ Thị Hồng Nhung đã có văn bản khấu trừ 30% thu nhập của ông B để thi hành bản án nói trên. Dẫu quá chậm nhưng động thái này đã thể hiện sự "thành thật" khắc phục một phần hậu quả trì hoãn thi hành án do bà Nhung đã để xảy ra...
Đà Lạt Tháng 01/2013