Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Trồng dâu nuôi nuôi tằm theo hợp đồng xuất khẩu

VĂN VIỆT

Hơn 200 nông hộ các vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng hợp đồng với Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh ở khu vực Đông Anh, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà trồng dâu nuôi tằm quanh năm, tạo nguồn nguyên liêu kén ổn định để chế biến sản phẩm tơ đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan...

Vào thời điểm cuối tháng 5/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng bắt đầu triển khai chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm kén trong 2 năm tới giữa Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh với 80 nông hộ ở địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng, tổng diện tích 250ha- 300ha dâu tằm, mỗi năm thu hoạch khoảng 900 tấn kén, đạt tổng công suất chế biến khoảng 120 tấn tơ; đồng thời xây dựng thêm một hệ thống kho lạnh thứ 2 với công suất bảo quản kén sau thu hoạch khoảng 70 tấn. Trước đó Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh đã xây dựng kho lạnh đầu tiên hoạt động đến nay với công suất khoảng 50 tấn kén, thời gian bảo quản đảm bảo chất lượng kén đưa vào dây chuyền máy móc chế biến sản phẩm tơ xuất khẩu khoảng 90 ngày.

Trước đó, trong năm 2023, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, thu hút 70 nông hộ tại các xã, thị trấn thuộc khu vực Nam Ban, huyện Lâm Hà và 2 xã Liên Hiệp, Binh Thạnh, huyện Đức Trọng, quy mô mỗi hộ canh tác trung bình 0,3ha đến 1 ha diện tích dâu tằm. Riêng Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh chủ trì chuỗi liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư trang bị hệ thống máy phát điện dự phòng công suất 200KVA và hệ thống lò hơi công suất 4 tấn. Qua đó công ty đã tiết kiệm đáng kể nhiên liệu vận hành 6 dây chuyền chế biến tơ, bảo vệ môi trường, chất lượng hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được nâng cao. “Thời gian qua do mưa bão hoặc những sự cố bất khả kháng, dẫn đến cúp điện lưới, công ty chúng tôi với hơn 100 công nhân phải tạm nghỉ công việc vận hành chế biến tơ, không tính lương. Bên cạnh đó, chất lượng tơ chế biến gián đoạn, nên giá trị xuất khẩu không cao. Từ khi đầu tư lắp đặt máy phát điện dự phòng tại nhà máy, việc sản xuất tiến hành liên tục bàn giao ca thông suốt trong ngày… ” Giám đốc Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ.

Cũng theo hạch toán của Giám đốc Nguyễn Ngọc Huy, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh bao tiêu giá kén trung bình 202.000 đồng/kg, kết quả mỗi năm nông hộ liên kết trồng 1ha cây dâu và nuôi 10 hộp tằm, đạt lãi trung bình trên dưới 350 triệu đồng. “Công ty luôn bao tiêu kén của nông hộ liên kết cao hơn giá thị trường trung bình 2.000 đồng/kg, thanh toán đầy đủ tiền ngay sau khi thu mua. Nếu giá kén giảm xuống trong ngày hôm sau, công ty vẫn trả tiền cho nông dân bằng giá của ngày hôm trước. Để đảm bảo chất lượng kén chế biến đạt chất lượng xuất khẩu, công ty thường xuyên hướng dẫn và giám sát quy trình canh tác cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm của nông dân phù hợp trên từng khu vực sản xuất…”, Giám đốc Huy nói thêm.

Bên cạnh sản phẩm kén của nông hộ liên kết được bao tiêu phần lớn, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh còn thu mua 40- 50% sản lượng kén của cả trăm nông hộ sản xuất dâu, nuôi tằm trong và ngoài huyện Lâm Hà. Từ nguồn nguyên liệu kén này, thống kê trong 2 năm vừa qua, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh chế biến xuất khẩu mỗi năm 120 tấn tơ, tương ứng với giá trị kim ngạch trên 9 triệu USD.    

Đến nay vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng của Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh phát triển khoảng 300ha với hơn 200 hộ. Đây là kết quả gần 15 năm công ty và nông hộ hợp tác sản xuất theo hợp đồng. Xuất phát ban đầu một cơ sở sản xuất tơ thủ công tiêu thụ trong nước, thành phẩm một ngày khoảng 50 kg, liên kết 10 nông hộ sản xuất 2 ha dâu tằm.  Gần 7 năm sau -  năm 2016 thành lập Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh nâng quy mô liên kết 20 nông hộ sản xuất 6 ha dâu tằm, đầu tư 2 dây chuyền máy móc chế biến 60kg tơ/ngày.  

Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng kén nguyên liệu đầu vào hợp đồng thu mua của nông hộ kết hợp với đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất, tăng cường nhiều hình thức xúc tiến thương mại, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh ở khu vực làng nghề Đông Anh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đã tạo ra những bước chuyển động qua từng giai đoạn chiến lược dài hạn nêu trên, góp phần mở ra những kỳ vọng mới về nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng nói riêng, toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung.

THÁNG 5/2024