VĂN VIỆT
Gần mười năm chuyển đổi “vai trò” của hoa Đà Lạt từ sản phẩm thương phẩm cắt cành sang sản phẩm phục vụ du lịch tham quan, trải nghiệm, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xã Xuân Thọ đã cho thấy sự năng động, hiệu quả của nhà nông khi thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất trên khu vực.
Nhà nông Nguyễn Văn Trung sinh
ra ở vùng đất tiềm năng nông nghiệp xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đúng vào năm
thống nhất đất nước 1975, lớn lên học xong phổ thông rồi trở lại công việc gắn
bó với đồng rau, vườn hoa quanh vùng. Cách đây hơn 7 năm, phóng viên không mấy khó
khăn khi tìm đến khu vườn hoa cẩm chướng chất lượng cao ở xã Xuân Thọ của chủ hộ
gia đình Nguyễn Văn Trung đang bước vào thời kỳ thu hoạch, đóng gói xuất khẫu
sang Nhật Bản. Điều bất ngờ ở đây khi phía Nhật Bản đã chủ động khảo sát, lựa chọn
nhà nông Nguyễn Văn Trung với nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác hoa, rau nói
chung, hoa cẩm chướng nói riêng để kết nối tiêu thụ. Lúc này trên diện tích khoảng
10.000m2 sản xuất với hệ thống thiết bị hiện đại được lắp đặt, nhà nông
Nguyễn Văn Trung đã chuyển đổi luân canh từ các loại rau sang các loại hoa thương
phẩm, trong đó hoa cẩm chướng được người Nhật tổ chức thu mua mỗi ngày trung bình
trên dưới 3.000 cành, cá biệt có ngày lên đến 5.000 cành, tương ứng với tỷ lệ
60% sản lượng thu hoạch. Trong kết quả này, nhà nông Trung đã đầu tư đồng bộ hệ
thống tưới nước kết hợp với bơm phun chế phẩm sinh học phòng, chống dịch bệnh từ
trên giàn cao xuống tán lá; bón phân vi sinh nhỏ giọt trực tiếp nuôi bộ rễ cây
dưới đất; hàng ngày điều hòa ánh sáng, nhiệt độ phù hợp sinh trưởng cho cả vườn
hoa...
Quy trình canh tác hoa cẩm chướng
xuất khẩu nói riêng, các loại hoa thương phẩm cao cấp nói chung của nhà nông Nguyễn
Văn Trung ở xã Xuân Thọ đến nay vẫn tiếp tục áp dụng, bổ sung phù hợp với điều
kiện thời tiết, khí hậu và xu hướng phát triển của thị trường. Theo đó, qua hơn
7 năm, nhà nông Nguyễn Văn Trung đã chuyển đổi 20.000m2 diện tích đất
bậc thang trồng rau, củ, quả sang chuyên canh hoa cẩm tú cầu, đạt giá trị lợi
nhuận gia tăng. Năm đầu tiên cẩm tú cầu thu hoach cắt cành ở đây, phóng viên trải
nghiệm cùng chủ nhân Nguyễn Văn Trung với chiếc xe máy chạy vòng quanh cánh đồng,
mỗi ngày vận chuyển lên khu sơ chế, đóng gói trên dưới 3.000 cành, chuyển đến trong
ngày đến các đầu mối tiêu thụ trong nước. Và sau hơn 7 năm trở lại, phóng viên tiếp
tục hòa mình với cánh đồng cẩm tú cầu của nhà nông Nguyễn Văn Trung, nhưng đã lâu
hoa không còn cắt cành bán ra mà chuyển đổi sinh trưởng tự nhiên ngoài trời, làm
“vai trò” phục vụ khách du lịch thưởng lãm, khám phá nét đẹp đổi màu từ trắng, xanh
đến hồng, lam tín mỗi ngày.
Ghi nhận của khách du lịch trong và ngoài nước đến đây cho thấy cánh đồng cẩm tú cầu của nhà nông Nguyễn Văn Trung hiện giờ với “ không gian thoáng, rộng rãi, hoa siêu to, góc ảnh nào chụp cũng khá đẹp. Rất yêu hoa cẩm tú cầu. Ở đây còn có nhiều loại nước trái cây tươi ngon để chọn lựa, xem như một điểm cộng lớn. Các nhân viên cánh đồng rất thân thiên. Có dịp du lịch Đà Lạt nên bố trí thời gian đến cánh đồng cẩm tú cầu…” Theo đó, phóng viên trải nghiệm khi từ đường nhựa lớn rẽ vào chỉ vài trăm mét là đậu ô tô giữa khu vực rộng đến 8.000m2. Mở cổng trước khi bước xuống cánh đồng hoa là khu vực khoảng 1.000m2 nghỉ chân, thưởng thức một trong hàng chục loại nước giải khát từ nguyên liệu cây trái của cao nguyên Đà Lạt- Lâm Đồng. Từ tiểu cảnh này nhìn toàn cảnh cánh đồng hoa cẩm tú cầu bậc thang 20.000m2, trong đó xen canh hàng chục cây hoa mai anh đào, hàng trăm mét vuông các loại hoa cánh bướm, hồng ri, nữ hoàng xanh, bất tử khoe sắc hàng ngày. Điểm nhấn check in ở đầu cánh đồng cẩm tú cầu với “nấc thang thiên đường”, “nhịp cầu trái tim”; xuống giữa cánh đồng với cây cầu vàng dài 70m, hình vòng cung được nâng đỡ bởi hai bàn tay khổng lồ; con đường hoa thiên lý đưa bước chân du khách ngắm nhìn gần hơn từng đóa hoa kết thành một quả cầu hoa, lữ khách tha hồ thu vào những góc ảnh gần – xa đa sắc màu đặc trưng núi đồi, hoa, rau cao nguyên ôn đới Đà Lạt…
Chủ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết, cánh đồng cẩm tú cầu ở xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt chính thức chuyển đổi “vai trò từ năm 2017, đến năm 2018 được công nhận là 1 trong 30 mô hình du lịch canh nông trong tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm giữa tháng 4/2024, mỗi ngày đón trung bình 200 lượt khách trở lại, dự kiến Lễ 30/4 tới sẽ tăng từ 500 lượt người trở lên. “Hoa cẩm tú cầu tiếp tục thâm canh theo giải pháp không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, đảm bảo môi trường trong lành, sạch đẹp cho khách tham quan. Qua đó tạo thêm việc làm ổn định thu nhập cho lao động địa phương, không còn lo lắng thị trường đầu ra lâu dài như khi còn sản xuất cắt cành thương phẩm. Từ nay đến cuối năm 2024, tiếp tục làm mới những tiểu cảnh hoa các loại bên cạnh nâng cao kỹ thuật chăm sóc những thửa hoa cẩm tú cầu chủ lực, đáp ứng sự mong chờ của khách du lịch mỗi lần lên phố núi Đà Lạt… ”
tháng 4/2024