Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Nông nghiệp tuần hoàn- còn dồi dào tiềm năng

Bài 2/ Ổn định những mô hình tuần hoàn

VĂN VIỆT

Ở huyện Đơn Dương, vùng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng từ những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ đã chủ động xây dựng và phát triển ổn định những mô hình trồng trọt và chăn nuôi tuần hoàn, kết quả đang mở ra định hướng nhân rộng quy mô, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường trước mắt cũng như lâu dài.

Chế biến 70% lượng phân bón hữu cơ cho 15ha cây trồng

Ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương có Trang trại Thiên Sinh, một mô hình mẫu trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung về xây dựng hoàn thành mô hình nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn sau hơn 15 năm quy hoạch, bố trí các khu chức năng sản xuất, chăn nuôi theo vòng tròn trên tổng diện tích 15 ha. Trong đó có gần 10 năm qua, phóng viên mỗi lần đến đây đều được ghi nhận những thông tin chuyển đổi của chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng (sinh năm 1973), người luôn tâm huyết với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo quy mô trang trại lớn  của mình. Như đầu năm 2024, phóng viên tiếp tục ghi chép vào cuốn sổ tay 38 con bò thịt cao sản của Thắng được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ. Thắng nói: “Đây là kết quả sau mười năm nhập khẩu các giống bò thịt cao sản nguồn gốc từ châu Âu, châu Úc rồi thuần hóa sinh sản và tăng trọng thành công tại trang trại hữu cơ của chúng tôi thuộc vùng đất xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Đến nay quy trình chăn nuôi tuần hoàn của trang trại đã ổn định từ nguyên liệu đầu vào đến phụ phẩm đầu ra đều được chế biến, sử dụng tại chỗ, tiết kiệm một khoản đầu tư đáng kể hàng năm… ”

Theo đó với tổng số 15 ha sản xuất, chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ tuần hoàn tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương đến đầu tháng 5/2024, Trang trại Thiên Sinh giành 3 ha chăn nuôi bò thịt cao sản và 12 ha canh tác rau, củ, quả. Cụ thể trong 3 ha (1ha bằng 10.000m2) phân bổ chăn nuôi tại trang trại gồm: 500m2 chuồng trại, 500m2 khu hầm tái tạo phân bón hữu cơ, 1.000m2 sân thả rông bò tắm nắng, ăn cỏ tự nhiên. Còn lại 28.000m2 chuyên canh trồng cỏ voi làm thức ăn chăn cho bò. Từ quy trình sản xuất, chăn nuối “tương tác” với nhau, Trang trại Thiên Sinh đã tối ưu hóa khẩu phần thức ăn hàng ngày cho đàn bò thịt hữu cơ cao sản tại chỗ với mức tính mức dinh dưỡng bình quân mỗi con bò như: buổi sáng với 7 kg cỏ ủ chua theo kỹ thuật riêng biệt; buổi trưa với 15 kg cỏ tươi ngay khi thu hoạch, buổi tối với 10kg phụ phẩm từ rau, củ, quả hữu cơ...   

Kết quả đến đầu tháng 5 năm 2025, Trang trại thu hoạch làm thức ăn chăn nuôi và chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp tuần hoàn với mỗi ngày trên dưới 500 kg rau, củ, quả hữu cơ trên 12 ha canh tác trong và ngoài nhà kính; mỗi tháng trên 50m3 (1m3 tương đương 700kg)  phân bón tươi phối trộn trong đệm lót sinh học, ủ với men sinh học khoảng 2 tháng đưa trở lại vườn sản xuất để tái tạo dinh dưỡng cho đất, nước và cây trồng. Tính riêng lượng phân bón hữu cơ đã “tự sản tự tiêu” tại Trang trại Thiên Sinh chiếm tỷ lệ khoảng 70% nhu cầu luân canh quay vòng và chuyên canh 15ha nhiều loại cây trồng khác nhau.

Xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn

Đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm: Mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tại Trang trại Thiên Sinh, xã Ka Đơn, Đơn Dương với đồng cỏ làm thức ăn nuôi bò, chất thải của bò ủ hoai mục làm phân bón hữu cơ để trồng rau, củ, quả. Thêm vào đó phụ phẩm từ quá trình thu hoạch, sơ chế rau, củ, quả sử dụng làm thức ăn cho bò. Tổng diện tích mô hình 12ha rau, củ, quả các loại, 3ha trồng cỏ và xây dựng chuồng trại chăn nuôi 38 con bò thịt. Nhờ sản xuất tuần hoàn khép kín, sản phẩm đạt chất lượng tiêu thụ theo hợp đồng tại siêu thị các đô thị lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, tổng thu nhập trung bình khoảng 3,6 tỷ đồng/năm.

Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, ở huyện Đơn Dương còn có 2 mô hình nông nghiệp tuần hoàn cũng đang hoạt động ổn định và phát triển khả quan. Đó là mô hình tận dụng khoảng 35.000 -36.000m3 phụ phẩm mỗi năm từ quá trình canh tác, thu hoạch, đóng gói hoa cắt cành, hoa chậu trên diện tích 200ha nhà kính tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, xã Đạ Ròn. Phụ phẩm ở đây được tập kết riêng một khu vực, sử dụng máy băm thành từng đoạn 10 -15cm, sau đó phối trộn với phân bón và chế phẩm men vi sinh như Trichoderma spp, mật rỉ đường để ủ làm phân bón hữu cơ. Sau thời gian 3 – 4 tháng, công ty sử dụng hệ thống máy đảo trộn điều hòa nhiệt độ, phụ phẩm hoàn toàn được ủ hoai mục và đưa vào tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Ước tính sơ bộ mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm mỗi năm tiết kiệm chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh từ 12.000-12.500 tấn phân. Và đó là mô hình sản xuất rau, cỏ, bắp và nuôi trùn quế tuần hoàn tại Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế, xã Quảng Lập. Sản phẩm của mô hình là phân trùn quế tái sử dụng cho sản xuất rau, cỏ, bắp; còn lại cung cấp cho nông dân ở địa phương sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 30-50% so với chăn nuôi bò bán phân tươi giá thấp, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường để phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển nông nghiệp và bảo vệ rừng; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường từ nguyên liệu địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản theo quy trình khép kín; công nghệ, tái chế, tái sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên phụ phẩm cây trồng và phân chuồng tươi từ chăn nuôi trên địa bàn…

CÒN NỮA

tháng 5/2024