VĂN VIỆT
Khi vừa được cấp Chứng nhận quy trình sản xuất đạt chuẩn hữu cơ, thương hiệu cà phê Bean Cầu Đất, Đà Lạt đã được đối tác ngoài nước đặt mua với khối lượng và giá cả tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ các dòng sản phẩm cà phê hữu cơ xuất khẩu ở đây đều sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị trên tổng diện tích 30ha, người nông dân hợp tác đều được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch theo nhu cầu.
Qua giữa tháng 5 mùa mưa Đà Lạt
đang “khởi động”, phóng viên ra vùng ven đô xã Xuân Trường và xã Trạm Hành độ
cao 1.600m khi cây cà phê arabica tiếp tục cắt cành, tỉa tán và bón phân nuôi
trái phát triển mỗi ngày. Trong đó vùng chuyên canh 30ha cà phê thương hiệu
Bean Cầu Đất bón toàn bộ phân hữu cơ hòa tan trực tiếp với nước mưa nuôi dưỡng
từng bộ rễ cây. Đây là lần bón phân đầu tiên trong ba lần đến năm lần mỗi năm đối
với cây cà phê arabica hữu cơ liên kết giữa 7 nông hộ ở đây với Công ty TNHH
MTV Cầu Đất Bean. Hai lần đến bốn lần bón phân còn lại được tiến hành trong tháng
8 và tháng 11 tới. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu chiếm 60- 70% chế biến phụ phẩm tại
chỗ và 30- 40% mua về từ các nguồn nhập khẩu chất lượng cao.
“Hàng năm sau khi thu hoạch hoàn thành vụ mùa, toàn bộ 30 ha diện tích cà phê arabica liên kết với công ty chúng tôi được tận dụng phụ phẩm vỏ cà phê, vật liệu thực bì thân, cành, lá phối trộn với nguyên liệu phân bò, dê, gà rồi ủ với men vi sinh hoai mục trong thời gian từ 4- 5 tháng. Khi đưa trở lại cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây cà phê, nguồn phân bón thuần chất hữu cơ này không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn bảo vệ an toàn cho môi trường…”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean Bùi Xuân Thắng cho biết.
Cùng với đó, trên từng diện tích cà phê arabica sản xuất liên kết vừa nêu, Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean chế biến tại chỗ chế phẩm sinh học dạng dung dich bơm phun phòng, trừ các loại bệnh hại và xua đuổi côn trùng, sử dụng phần lớn vào thời điểm thời tiết thay đổi thất thường trong ngày, trong tháng, trong năm. Nguyên liệu chế biến thuốc sinh học từ các loại cây gừng, ớt, tỏi với rượu gạo. Qua đó, nông hộ đã tiết kiệm hàng năm hơn 50% tiền mua chế phẩm sinh học bảo vệ sinh trưởng an toàn cho cây cà phê arabica liên kết.
Để tổng hợp thành quy trình mẫu
canh tác cà phê arabica hữu cơ trên độ cao 1.600m so mới mặt biển của vùng sinh
thái Cầu Đất, Đà Lạt, Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean cùng 7 nông hộ liên kết phải
giảm dần và đi đến chấm dứt bón phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật qua
hơn 5 vụ mùa. Cụ thể trong 2 năm trước khi hội đủ các thông số cấp Chứng nhận sản
xuất hữu cơ, trên tổng diện tích 30 ha cà phê arabica thay thế lần lượt 70% và
100% lượng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sang chế
phẩm sinh học.
Kết quả vụ thu hoạch trong 4 năm
sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê arabica của thương hiệu Bean Cầu Đất liên kết
với nông dân giảm sản lượng từ 40- 50% so với khi sản xuất vô cơ. Đến vụ mùa năm
thứ 5 hoàn chỉnh quy trình hữu cơ, năng suất cà phê arabica hữu cơ khôi phục trở
lại 80- 85% với trung bình 12 tấn tươi/ha, tương ứng với hơn 2 tấn nhân/ha chất
lượng cao. Đáng nói ở khâu đầu ra, sau khi được “cấp bằng” canh tác hữu cơ, thương
hiệu sản phẩm cà phê arabica Bean Cầu Đất tiêu thụ xuất khẩu và thị trường
trong nước với giá tăng thêm từ 10- 15%: các biệt có thời điểm tăng lên đến 20%.
Đến thời điểm tháng 5/2024, vùng chuyên canh 30ha cà phê arabica xã Trạm Hành liên kết giữa Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean với 7 nông hộ đã vận hành khép kín từ kỹ thuật chăm sóc đến thu hoạch và chế biến, phân phối cho thị trường. Theo đó các dòng sản phẩm Bean Cầu Đất được thị trường tin dùng gồm cà phê hạt nhân xanh, cà phê mật ong, cà phê tự nhiên. Nguyên liệu chiếm tỷ lệ 30% đưa vào chế biến rang nguyên hạt, xay bột; 70% hạt nhân cung ứng cho đối tác trong và ngoài nước.
“Tính chung đến đầu năm 2024,
cà phê Bean Cầu Đất arabica hữu cơ xuất khẩu hơn 40% tổng sản lượng hạt nhân xanh,
hạt rang qua sơ chế, chế biến tại chỗ. Thị trường xuất khẩu phần lớn qua các nước
Úc, Hàn Quốc, Saudi Arabic…Trên cùng đơn vị diện tích cà phê arabica tại khu vực
Cầu Đất, Đà Lạt, giá trị thu nhập sản xuất hữu cơ tăng thêm 10- 15% so với sản
xuất vô cơ…”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean Bùi
Xuân Thắng đánh giá.
THÁNG 5/2024