Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Phòng chống thiên tai cần tăng cường phối hợp

VĂN VIỆT

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết diễn biến trong vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng ngày càng thất thường và cực đoan. Để giảm thiểu thiệt hại xảy ra trong năm 2024, công tác phòng chống thiên tai toàn tỉnh cần tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả hơn nữa.  

Thiệt hại hơn 70 tỷ đồng

Thống kê trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất, hậu quả làm 9 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 236 căn nhà, 336 ha cây trồng, hư hỏng 4 công trình thủy lợi, 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, sạt lở 230m đường giao thông; ngập úng cục bộ các huyện Đạ Huoai, huyện Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt. Ước tổng thiệt hại hơn 70 tỷ đồng.

Cùng với đó, hạn hán năm 2023 diễn ra cục bộ một số khu vực sản xuất cách xa hệ thống thủy lợi. Triển khai phòng chống cấp bách và lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thực hiện với tổng kinh phí hơn 172,6 tỷ đồng. Trong đó các công trình hồ đập, đê điều bị hư hỏng, xuống cấp, trọng điểm xung yếu được đầu tư sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, đảm báo an toàn.


“Thiên tai bão lũ ở Lâm Đồng không bị ngập lụt diện rộng và ngập lâu như vùng đồng bằng duyên hải Trung bộ, nên không cần thiết phải sơ tán diện rộng, chỉ sơ tán tại chỗ. Các trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa cộng đồng và công trình công cộng khác được thường xuyên đầu tư nâng cấp, kết hợp làm địa điểm sơ tán khi xảy ra thiên tai”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng cho biết đây là một trong những phương châm “bốn  tại chỗ” ứng phó, khắc phúc hậu quả thiên tai trong năm 2023.

Cũng với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), toàn tỉnh kiện toàn lực lượng xung kích cấp xã hơn 8.800 người, trong đó chiếm tỷ lệ 85% tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng phòng chống thiên tai. Với Sở Công thương đã tổ chức dự trữ mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhiên liệu thiết yếu trong mùa mưa bão. Đồng thời rà soát, yêu cầu chủ hồ, đập thủy điện, đơn vị khai thác khoáng sản tổng kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại hồ chứa thủy điện, khai trường khai thác mỏ; khuyến cáo người dân không đi lại, tiếp cận gần khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đuối nước; xây dựng kịch bản chủ động ứng phó các tình huống xảy ra.

Ngoài ra trước mùa mưa lũ năm 2023, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các địa phương trong tỉnh tập trung thi công dứt điểm các hạng mục; kiểm tra, khắc phục những hư hỏng của công trình giao thông; dự báo những tình huống xảy ra để có phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt…

Phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”

Kết quả nổi bật trong phòng chống thiên tai năm 2023 cho thấy, toàn tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại hạn hán, đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh còn đầu tư nâng cao năng lực phòng chống thiên tai đối với công trình hồ đập, thủy lợi, kè chống sạt lở bờ sông…trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng, nhiều loại hình thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản hiện vẫn khó dự báo như giông sét, lốc xoáy, mưa đá, sương muối, lũ quét…Trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai còn chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực còn hạn chế và phân tán, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ cho phòng chống thiên tai.


Dự báo thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10/2024, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo ứng phó và xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, cầu yếu, đoạn đường đèo thường sạt lở để sửa chữa, khắc phục, cảnh báo đề phòng. Đặc biệt chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó cứu nạn, cứu hộ đến nơi an toàn; hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”.

THÁNG 5/2024