BÀI 1, Từ VietGAP, hữu cơ đến tuần hoàn
VĂN VIỆT
Trang trại Nguyễn Thanh Hải và
Trang trại Hiếu Linh tổng cộng diện tích hơn 2,5 ha tọa lạc dưới thung lũng
xanh thuộc khu vực Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương trong nhiều năm
qua được khách tham quan nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, thương nhân biết đến
bởi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận từ VietGAP sang hữu cơ theo
chuỗi giá trị gia tăng. Đến đầu năm 2024, bước chuyển mình của mô hình thực hành
sản xuất theo một vòng tuần hoàn đối với 2 trang trại này đã tiếp tục khẳng định
tính hiệu quả, thiết thực trên từng luống cây trồng.
Tăng gấp đôi giá trị nông sản tuần hoàn
Trong tháng 4/2024, phóng viên
được trải nghiệm một công đoạn trong chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cũa
Trang trại Nguyễn Thanh Hải và Trang trại Hiếu Linh nói trên. Mỗi trang trại luân
canh sản xuất từ 15- 20 loại rau khác nhau. Trong đó Trang trại Nguyễn Thanh Hải
sản xuất 0,7 ha nhà kính và 0,8 ha ngoài trời, nương theo địa hình bậc thang từ
thung lũng sâu vươn lên sườn đồi đất nông
nghiệp, bao quanh với những cánh rừng thông quanh năm xanh ngát. Lúc này trang
trại của Hải đã qua một năm cấp Chứng nhận sản xuất hữu cơ và khoảng 5 năm Chứng
nhận VietGAP, nên không gian canh tác tuyệt nhiên không còn một chút dấu vết hoặc
thoảng mùi nồng nặc nào của hợp chất phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật lưu
lại. Từng công đoạn sản xuất diễn ra khá nhịp nhàng, đồng bộ với khu chăm sóc tưới
nước phun mưa, nhỏ giọt tự động vận hành, khu cắt cành, tỉa lá và khu thu hoạch
sản phẩm kết hợp thu gom nguyên liệu phụ phẩm để chế biến phân bón hữu cơ nuôi
dưỡng cho lứa cây trồng tiếp theo.
Chủ nhân Nguyễn Thanh Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, trang trại 1,5 ha của Hải mỗi ngày phân loại trên dưới 150 kg phụ phẩm gốc rễ, thân cành, bẹ lá, củ, quả không đạt yêu cầu về hình dáng, khối lượng để tập kết tại một khu vực riêng, phối trộn với men sinh học khoảng 3 tháng sau trở thành thành phẩm phân bón vi sinh cho cây trồng thương phẩm. Hải ước tính: “Mỗi năm trên 1,5 ha canh tác, trang trại sử dụng khoảng 50 tấn phân hữu cơ mua về. Chuyển sang sản xuất tuần hoàn ban đầu, trang trại chế biến tại chỗ khoảng 30% khối lượng phân bón hữu cơ theo nhu cầu. So với sản xuất thông thường, năng suất cây trồng tuần hoàn giảm khoảng một nửa, ngược lại giá tiêu thụ sản phẩm tăng hơn gấp đôi…”
Tọa lạc bên cạnh Trang trại
Nguyễn Thanh Hải, Trang trại Hiếu Linh mới bước vào sản xuất tuần hoàn khép kín
trên diện tích 1 ha từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi ngày giữ lại hơn 100 kg phụ phẩm
cây trồng để biến thành 10 lít nước phân vi sinh sau hơn 30 ngày xử lý với chế
phẩm sinh học. Quy trình này phản ánh kết quả chuyển đổi theo tiêu chuẩn VietGAP
từ năm 2017 sang tiêu chuẩn hữu cơ vào năm 2019. Bà Lê Thị Thu Hậu, chủ Trang
trại Hiếu Linh chia sẻ: “ Qua nhiều năm thay thế quy trình canh tác trở về với
thiên nhiên, đặc biệt theo quy trình sản xuất tuần hoàn khép kín, Trang trại chúng
tôi mới giải phóng hết dư lượng hóa chất từ phân bón và thuốc trừ sâu còn lại
trong đất, nước và không khí, phục hồi môi trường tự nhiên cho cây trồng sinh
trưởng…” Theo đó vào thời điểm tháng 4/2024, Trang trại Hiếu Linh sản xuất tuần
hoàn khép kín trên diện tích 1ha thu hoạch mỗi ngày 100 kg lá tươi atiso, 45 kg
lá tươi bồ công anh đưa vào máy chế biến 2- 3 ngày, lần lượt cho thành phẩm 4
kg cao và 3 kg trà. Tính chung trong một tháng, Trang trại Hiếu Linh trồng, thu
hoạch và chế biến trên dưới 200 kg thành phẩm hữu cơ xếp hạng OCOP 3 sao gồm các
loại trà tía tô, bồ công anh, gừng, sả; các loại bột rau, củ, quả, lợi nhuận
cao hơn sản phẩm tươi từ 15- 20%...
Phụ phẩm rau, củ, quả trở thành phân bón cho sản xuất
Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần
hoàn ở Lâm Đồng thực tế đã được triển khai từ nhiều năm trên địa bàn. Cụ thể tại
Trang trại Nguyễn Thanh Hải và Trang trại Hiếu Linh ở huyện Lạc Dương nói trên hoạt
động sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo chu trình
khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình sản xuất này trở thành đầu
vào của quá trình sản xuất tiếp theo thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công
nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Qua đó khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu này một cách tiết kiệm, hiệu
quả, giảm thiểu lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất
lượng cao và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh
thái và sức khỏe con người.
Nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành chiến lược phát triển bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy việc xây dựng và triển khai “Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030” nhằm tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn tăng cường khả năng ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu…
*THÁNG 5/2024