Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Tái cơ cấu cây trồng - cần những giải pháp đồng bộ

VĂN VIỆT
Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi ngành nông nghiệp Lâm Đồng phải tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó tạo ra những mặt hàng nông sản phát huy lợi thế so sánh không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn phải tăng cường khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường nhập khẩu đến từ các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu trên thế giới.

Bài 1, Những cây trồng chủ lực vẫn còn “thiếu lực”
So với mặt bằng chung cả nước, nông dân Lâm Đồng có kinh nghiệm mười năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm thế mạnh như rau, hoa, chè, cà phê…Tuy nhiên do thiếu nhiều nguồn lực đầu tư, nên vẫn còn tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún; sản xuất chưa gắn kết với công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu mới chiếm tỷ lệ từ 10- 15% trên tổng sản lượng hàng năm.
Phát triển chưa cân đối từng loại cây trồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 5 năm trở lại đây, cơ cấu cây trồng ở Lâm Đồng đầu tư phát triển vẫn chưa cân đối giữa các loại rau, hoa, chè, cà phê với các loại cây đặc sản, cây dược liệu. Cụ thể, sau 5 năm trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng, diện tích và sản lượng cây rau và hoa đều tăng trưởng nhanh (54.000ha rau với 2 triệu tấn/năm, tăng 28,5% diện tích và 58,3% về sản lượng; 7.650ha hoa với 2,7tỷ cành/năm, tăng 50% diện tích và 220% sản lượng). Đáng kể trong đó với diện tích ứng dụng công nghệ cao vào canh tác cây trồng đạt doanh thu vượt trội gồm: gần 12.700ha rau đạt từ 450- 500 triệu đồng/ha/năm và hơn 2.400ha hoa đạt từ 800 – 1.200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp từ 1,5- 2 lần giá trị sản xuất cây trồng bình quân trong tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật cùng 200 vườn ươm, hàng năm sản xuất 30 triệu cây giống invitro và 2 tỷ cây giống thương phẩm chất lượng cao, phục vụ theo nhu cầu chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao đến từng nông hộ.
Với hơn 152.000ha, cây cà phê chiếm diện tích canh tác nhiều nhất so với các loại cây trồng khác ở Lâm Đồng. Tỷ lệ diện tích phân bổ với cây cà phê vối gần 90%; còn lại hơn 10% là cây cà phê chè. So sánh trong cơ cấu toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng thì cây cà phê chiếm 45% giá trị sản xuất với 73% hộ dân nông thôn tham gia. Đến nay, Lâm Đồng có gần 28% diện tích cà phê sản xuất bền vững theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest… 
Đồng thời đã thực hiện tái canh trồng mới và ghép cải tạo trên tổng diện tích gần 25.000ha cà phê, đạt năng suất trung bình 4- 6tấn/ha, các biệt có diện tích đạt trên 7- 8 tấn/ha. Tương tự, cây chè Lâm Đồng có diện tích lớn nhất cả nước với 23.500ha, đạt năng suất bình quân gần 11 tấn/ha. Trong đó có hơn 5.800ha diện tích chè ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất lên từ 18 – 20 tấn/ha, doanh thu từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều thương hiệu chè đã và đang khẳng định giá trị trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: chè B’Lao, chè Cầu Đất, Haijih, Tâm Châu…    
Tuy nhiên, trong lúc 4 cây chủ lực rau, hoa, chè, cà phê phát triển khá “sôi động” thì cây dược liệu và cây đặc sản Lâm Đồng lại “trầm lắng” hơn. Thống kê đến nay, Lâm Đồng hiện có gần 140ha cây dược liệu các loại (diệp hạ châu, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, nấm dược liệu…), gần 120ha dâu tây, 100ha atiso. “Nhìn chung những diện tích cây dược liệu và cây đặc sản chưa có đủ các nguồn lực để phát triển thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tương xứng với tiềm năng đất đai, khí hậu, sinh thái của vùng đất cao nguyên Lâm Đồng. Các hoạt động gắn kết giữa sản xuất với thương mại, du lịch gặp nhiều hạn chế, nên giá trị canh tác cây dược liệu và cây đặc sản trên từng diện tích đất vẫn còn thấp, thậm chí vẫn đang xuất hiện nhiều diện tích canh tác atisô với nguồn giống đã thoái hóa nhiều năm …”-một chuyên gia nông nghiệp nhận định.
Gần 32% diện tích canh tác đạt giá trị thu nhập thấp
Song hành với những bước chuyển đổi theo hướng an toàn và bền vững nêu trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp trong nước đồng tình với đánh giá những mặt tồn tại rằng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực rau, hoa, cà phê, chè của Lâm Đồng đang ở mức thấp trên thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân được nhìn nhận với nguồn giống cây rau, hoa các loại hàng năm vẫn nhập về từ nước ngoài chiếm tỷ lệ đến 85%, đã góp phần tăng mức đầu tư sản xuất và cấu thành giá thành sản phẩm hàng hóa lên cao. Trong khi đó, việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm rau, hoa từ sản xuất đến thu mua, chế biến và phân phối mới đang xây dựng ở mức mô hình, nên chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các khâu trung gian với nhiều chi phí bất hợp lý. Rồi cây cà phê phải thực hiện tái canh trồng mới và ghép cải tạo đến 40.000ha vào năm 2020. Quá trình sản xuất và thu hoạch, cây cà phê Lâm Đồng luôn gặp những khó khăn như: chủ động nước tưới mới đạt hơn 26% diện tích, những biện pháp tưới tiết kiệm chưa triển khai phổ biến; tỷ lệ thu hoạch cà phê xanh và tổn thất sau thu hoạch đang ở mức cao. Với cây chè, thực trạng đáng quan tâm là người sản xuất hiện còn đang thu hái 90% sản lượng chè búp tươi bằng phương pháp thủ công; diện tích cây chè hạt, chè quá chu kỳ kinh doanh năng suất thấp chiếm tỷ lệ đến 50%. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến chè thành phẩm chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận ISO 22000, ISO 9001: 2008, HACCP…chỉ chiếm 11% sản lượng. Vẫn chưa hết chè thương phẩm Lâm Đồng có dư lượng hóa chất vượt chỉ tiêu quy định của một số thị trường tiêu thụ trên thế giới…
Ở phạm vi rộng hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phân tích: Những khó khăn do biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai xảy ra, đã và sẽ xuất hiện các loại dịch bệnh mới khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng. 
Trong khi đó, nhiều diện tích đất đai canh tác ngày càng bị thoái hóa; ước tính gần 32% diện tích vẫn đạt thu nhập thấp (dưới 50 triệu đồng/ha/năm), tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do gặp nhiều trở ngại về trình độ, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật sản xuất mới cũng như vận hành các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại. Về lâu dài, thách thức lớn nhất đối với các giải pháp trọng tâm về tái cơ cấu cây trồng ở Lâm Đồng là phải đáp ứng năng lực cạnh tranh về mẫu mã, giá cả, chất lượng, thương hiệu sản phẩm…đối với các thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại như: WTO, AFTA, TPP…

THANG 3/2016