VĂN VIỆT
Bước vào tháng tư hàng năm, các vùng
chuyên canh cà phê Lâm Đồng lại tích cực triển khai tái canh trồng mới hoặc
ghép cải tạo những diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Từ thực tiễn tái
canh cà phê ở Lâm Đồng, đã đúc kết khá nhiều kinh nghiệm rút ngắn thời gian
canh tác, tăng năng suất vượt trội từ quy mô sản xuất hộ gia đình.
Tái canh không luân canh
Kết thúc niên vụ 2015- 2016, hộ gia đình anh Đoàn Văn
Điểu ở xã Hòa Ninh, Di Linh đạt năng suất trung bình 7 tấn nhân/ha cà phê tái
canh bằng hình thức ghép cải tạo đã hơn 8 năm. Nếu cộng tổng sản lượng trên
diện tích 2,5ha cà phê ghép cải tạo thì niên vụ 2015- 2016, hộ gia đình anh
Điểu đạt thu nhập tăng thêm khoảng hơn 1 tấn nhân so với niên vụ 2014 – 2015. Một
trong những kinh nghiệm đáng kể của hộ gia đình anh Điểu là việc chọn tạo giống
cây ghép và giống cây thực sinh sạch bệnh, thực hành ghép cải tạo vào những lúc
tiết trời dịu mát, hoặc sau ngày mưa xuống là trồng mới tái canh đại trà, chứ không
nhất thiết phải mất thời gian luân canh các loại cây hoa màu từ 2- 3 năm. Từ
đó, bên cạnh việc cung cấp mầm chồi cà phê đầu dòng, anh Điểu đã mạnh dạn xây
dựng vườn ươm sản xuất cây giống cà phê ghép và cà phê thực sinh, góp phần đáp
ứng nhu cầu tái canh cà phê hàng năm của nông dân các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà. Mùa tái
canh cà phê năm 2016, ước có hơn 200 hộ nông dân ở 3 huyện này đã đặt mua anh
Điểu khoảng 900 ngàn cây cà phê ghép và cà phê thực sinh.
Ở xã Hòa Trung cùng huyện Di Linh với hộ gia đình anh
Đoàn Văn Điểu, hộ gia đình nông dân Hoàng Trung Kiên đã chia sẻ kinh nghiệm tái
canh cây cà phê của mình: “ Tính đến năm 2010, trên diện tích 3ha già cỗi của
gia đình tôi vẫn đạt năng suất không quá 1,5tấn nhân/ha. Vườn cà phê sinh
trưởng không đồng đều, phần nhiều diện tích bị nấm bệnh gây hại làm rụng lá,
khô cành. Thu nhập không đủ bù đắp chi phí. Đến đầu mùa mưa năm 2012, gia đình
tôi quyết định đào bỏ 1,2ha/3ha cà phê để tái canh trồng mới ngay sau đó, thay
vì phải chờ thời gian luân canh với các loại cây hoa màu khác…” Trong đó, anh
Kiên trồng mới cây cà phê ghép cao sản trên 1ha; còn lại 0,2ha trồng cây cà phê
thực sinh từ hạt lai đa dòng. Sau 2 năm tích cực chăm sóc, niên vụ 2014- 2015,
anh Kiên bắt đầu thu bói với 3 tấn nhân/ha và niên vụ 2015- 2016 ước đạt 4 tấn
nhân/ha. Dự báo năng suất sẽ tăng cao hơn nữa trong những niên vụ tiếp theo.
Cũng với hình thức tái canh không luân canh, năm 2012,
hộ gia đình anh Đoàn Văn Dậu ở xã Liên Hà, huyện Lâm Hà quyết định huy động cơ
giới đào bỏ 01ha cà phê già cỗi, năng suất và chất lượng kém để chuyển sang tái
canh trồng giống cà phê mới cao sản. 2 năm sau, khi cây cà phê tái canh đợt này
cho trái bói, anh Dậu nhổ bỏ tiếp 01ha cây cà phê cũ để trồng cây cà phê giống
mới. Và 0,8ha diện tích cà phê già cỗi còn lại, anh Dậu ghép cải tạo bằng mầm
chồi cao sản vào đầu năm 2015, đến nay đều phát triển khá xanh tốt. Riêng diện
tích 1ha cà phê tái canh đợt đầu, gia đình anh Dậu ước thu hoạch khoảng 6 tấn
nhân/ha trong niên vụ 2015- 2016.
Nhất giống, nhì phân…
Đạt được năng suất cà phê tái canh vượt trội nêu trên,
kinh nghiệm trước hết với hộ gia đình anh Đoàn Văn Dậu là chọn cây giống sạch
bệnh, cứng cáp, khỏe mạnh; sau khi trồng phải làm bồn tủ gốc, trồng các loại
cây họ đậu che phủ đất và cây bắp che nắng, chắn gió tạm thời. Trước khi xuống
giống trồng mới, phải thu gom toàn bộ thân, cành, lá, rễ của cây cà phê đã đào
bỏ, đồng thời vận chuyển ra ngoài xa khu vườn để tiêu hủy. Dùng máy xới đất 2
lần ở độ sâu 40cm theo chiều dọc và chiều ngang của vườn. Bón 1,5 tấn vôi/ha để
xử lý sạch đất. Trộn đều phân chuồng với phân vi sinh và đất bón vào mỗi hố đào
(80cm x 80cm x 80cm). Sau 3 tháng trồng mới phải thăm vườn hàng ngày, sử dụng
các chế phẩm sinh học, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép với
liều lượng được hướng dẫn sử dụng để bơm tưới lên từng hàng cây cà phê, phòng
trừ các bệnh tuyến trùng, nấm bệnh gây hại…
Với hộ gia đình anh Hoàng Trung Kiên thì có thêm kinh
nghiệm phòng trừ nấm bệnh, tuyến trùng gây hại cây cà phê giống mới bằng cách
phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi trồng khoảng 10 ngày. Trên từng hố đào,
anh Kiên bón lót thêm phân vô cơ bên cạnh phân hữu cơ, khi đặt cây cà phê xuống
trồng phải theo nguyên tắc đào hố phải sâu, nhưng trồng phải cạn, nhằm tránh
tình trạng cây bị úng nước trong mùa mưa, tạo điều kiện phát sinh các loại nấm
bệnh gây hại bộ rễ.
Anh Kiên phân tích: “ Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng
của cây cà phê, cần sử dụng phân bón cân đối, phù hợp trên diện tích đất vườn
của mình, ưu tiên bón các loại phân hữu cơ vi sinh. Mùa khô thường tưới nước 2
lần cho cây cà phê ra hoa, đậu trái đồng loạt. Nên tạo tán, hãm ngọn cây phát
triển ở chiều cao 1,2m, vì nếu để cây cà phê cao sản giống mới sinh trưởng với
chiều cao từ 1,3 đến 1,5m thì những cành ở tầng phía dưới sẽ bị khô, ảnh hưởng
đến năng suất thu hoạch chung…”./.
THANG 3/2016