Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Tái cơ cấu câu trồng - cần những giải pháp đồng bộ.

Bài 2, Đột phá từ 3 chương trình trọng tâm
VĂN VIỆT
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định 3 chương trình trọng tâm để tiếp tục tái cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa là: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi giống cây trồng và tái canh cà phê. Để đưa 3 chương trình trọng tâm đi vào thực tiễn canh tác từng loại cây trồng phù hợp với từng vùng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực…,nhà nông luôn rất cần sự liên kết đồng hành thường xuyên, liên tục và thực chất hơn của các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp…

Tăng năng suất các loại cây trồng từ 3- 5%/năm
Thuận lợi nhiều về điều kiện thổ nhưỡng vùng cao nguyên với khí hậu ôn hòa, vị trí địa lý với những khu rừng giáp ranh các địa phương lân cận để khoanh vùng khống chế dịch bệnh gây hại cây trồng, nhưng đồng thời cũng đang đối diện không ít những khó khăn, thách thức về năng lực cạnh tranh với nông sản hàng hóa toàn cầu, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang tiếp tục tận dụng khai thác những ưu đãi về thiên nhiên, vượt qua những hạn chế, tồn tại trong canh tác, nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đến năm 2020 như: tăng năng suất các loại cây trồng từ 3- 5%/năm; giảm tổn thất các loại nông sản xuống dưới 10%; tăng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; có ít nhất 50% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững; giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50triệu đồng/ha/năm xuống dưới 20%. Đặc biệt, Lâm Đồng tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu toàn ngành nông nghiệp với tỷ trọng trồng trọt chiếm từ 70- 75%; đạt doanh thu trên một đơn vị diện tích đất từ 180- 190 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2015, doanh thu trên một diện tích đất trồng trọt ở Lâm Đồng đạt 145 triệu đồng/ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2010 và vượt 20% so với kế hoạch đề ra. Như vậy, trong 5 năm tới, Lâm Đồng sẽ tăng thêm doanh thu trên một đơn vị diện tích đất sản xuất từ 35- 45 triệu đồng/ha/năm. Để “gặt hái” đạt và vượt mức doanh thu này, trước hết, Lâm Đồng chú trọng mở rộng khoảng 50% diện tích rau được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,           kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến, trong đó ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến cà chua; đồng thời phát triển công nghệ sau thu hoạch hoa (sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản). Ở lĩnh vực tiêu thụ rau, hoa, Lâm Đồng khuyến khích việc xây dựng ngày càng nhiều các mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp…để khép kín quy trình sản xuất, chế biến đáp ứng với nhu cầu thị trường cạnh tranh. 
Nhấn mạnh điều này, một văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: “Phải tập trung nguồn lực xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu Công nghiệp- nông nghiệp và Dự án Phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư. Đến năm 2018, hình thành và đưa vào hoạt động Khu Công nghiệp nông nghiệp Tân Phú, Đức Trọng; Trung tâm Sau thu hoạch rau và Chợ Đầu mối tiêu thụ hoa, đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng rau, hoa của cả nước và khu vực Đông Nam Á…”   
Tiếp theo, chương trình chuyển đổi giống cây trồng còn được chú trọng thực hành trên những diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể, ghép cải tạo và tái canh trồng mới hơn 5.800ha điều; cải tạo 3.000ha vườn tạp để trồng mới cây ăn quả giá trị cao như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bơ..; chuyển 7.000ha chè hạt sang trồng giống chè cành cao sản; luân canh rau, màu trên đất lúa 1 vụ; phá bỏ những diện tích cà phê, chè không còn phù hợp để phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản…
Chương trình trọng tâm thứ 3 nhằm góp phần tăng năng suất cây trồng từ 3- 5% là thực hiện tái canh cà phê bằng hình thức trồng mới, ghép cải tạo đến năm 2020 đạt gần 40.000ha. Hiện ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang triển khai 6 nhiệm vụ chính trong chương trình tái canh 40.000ha cà phê trên địa bàn gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về mục đích, yêu cầu, sự cần thiết thực hiện kế hoạch tái canh cà phê; mở rộng diện tích cà phê được cấp chứng nhận UTZ, 4C, VietGAP, RA…; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện phù hợp lộ trình tái canh cà phê hàng năm; chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cà phê; nghiên cứu, chọn tạo để nhân rộng các giống cà phê năng suất và chất lượng cao; thực hiện một số cơ chế ưu đãi đối với chương trình tín dụng tái canh cà phê…
  Ngoài ra đối với riêng cây chè, Lâm Đồng đã thông qua chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến theo hướng sản xuất chè  ô long, chè xanh chất lượng cao, giảm tỷ trọng sản xuất chè đen; đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất, chế biến chè lớn nhất Việt Nam, trong đó sản phẩm chè ô long đạt năng suất và chất lượng cao ở tầm quốc tế. Cuối cùng là cây dược liệu và cây đặc sản, Lâm Đồng tập trung phát triển các loại cây đặc hữu như: 125ha atisô, 70ha diệp hạ châu, 50ha cỏ ngọt, 30ha thông đỏ, cùng nhiều diện tích nuôi trồng đồng hạ thảo…Và Lâm Đồng cũng đồng thời hướng đến trở thành trung tâm sản xuất cây dược liệu và sản xuất đông trùng hạ thảo của Việt Nam và thế giới.    
Đồng bộ triển khai các nhóm giải pháp vào thực tiễn sản xuất
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, những nhóm giải pháp đột phá trong tái cơ cấu cây trồng trong 5 năm tới được xác định gồm: quy hoạch diện tích sản xuất trong nhà kính, nhà lưới ở Đà Lạt và các vùng phụ cận một cách phù hợp, lâu dài, sử dụng một số giống cây không trồng trong nhà kính, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu, ứng dụng trồng thử nghiệm giống chiếu xạ, giống biến đổi gien và giống có ưu thế lai; thực hành công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tự động, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; phát triển các công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản; thực hiện tốt công tác dự báo thị trường; kiểm soát chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí an toàn, vệ sinh và truy xuất nguồn gốc; đào tạo nghề nâng cao cho nông dân tiếp cận và vận hành các thiết bị nông nghiệp mới; xã hội hóa nguồn vốn đầu tư với phương thức “ nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ vật tư”; rà soát các cơ chế, chính sách tái cơ cấu cây trồng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn sản xuất…
Thiết nghĩ, những nhiệm vụ, kế hoạch và mục tiêu phấn đấu tái cơ cấu cây trồng theo lộ trình hàng năm sẽ nhanh chóng hiện thực hóa khi triển khai những nhóm giải pháp nhịp nhàng, đồng bộ nêu trên, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chủ trì với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành chức năng cùng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong tất cả các thành phần kinh tế nói chung, đối với người nông dân nói riêng./.
THÁNG 3/2016