Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa với kỷ lục ướp hoa tươi mới

VĂN VIỆT
Kỷ lục gia Nguyễn Công Hóa ở Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt đã được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam” với ngành nghề ướp hoa tươi. Trước khi nhận được danh hiệu cao quý này, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa đã xác lập kỷ lục mới với “Bức tranh 3D hoa đào bằng nghệ thuật hoa tươi ướp đầu tiên của Việt Nam”.  

Đa dạng tranh 3D từ hoa Đà Lạt ướp tươi
Trước đó, vào năm 2009, nông gia Nguyễn Công Hóa được giới thiệu trên nhiều phương tiện truyền thông trong nước khi lần đầu tiên được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ép hoa tươi ” tại Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Động lực này đã thôi thúc ông Hóa không ngừng tìm tòi, ứng dụng mới nhiều kỹ thuật ép hoa tươi với chất lượng ngày càng nâng cao, đồng thời sáng tạo đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp từ các vật liệu hoa, cành, lá của cây bonsai ướp tươi. Trong đó sản phẩm nổi trội là vào mùa xuân năm 2014, ông Hóa cùng các cộng sự của mình đã hoàn thành một bức tranh 3D, diện tích 1,2m x 0,8m, đóng khung bốn bên bằng vật liệu gỗ gõ đỏ. Bên trong gắn 7 lớp kính trong suốt đan cài giữa những thân, cành, lá, hoa anh đào ghép của Đà Lạt rực rỡ màu hồng của hoa ướp tươi. Những bóng đèn led khi bật sáng lên trong bức trang 3D này, người xem được thưởng lãm không gian thu nhỏ của một cội hoa anh đào Đà Lạt lấp lánh sắc hồng xuống mặt hồ nước phẳng lặng, trên trời có vài làn mây nhè nhẹ bay qua. 
Ông Hóa kể lại: “Chúng tôi phải áp dụng chuẩn xác kỹ thuật ướp tươi tất cả 1,8kg hoa anh đào nguyên liệu ( loại hoa bích đào ghép của Thung lũng hoa đào Mười Lời, Đà Lạt) để có 1,2kg hoa anh đào thành phẩm, sau đó cẩn thận trả lại vị trí từng đóa hoa anh đào thành phẩm trên kết dính trên từng cành, nhánh cây như đang bung nở giữa môi trường tự nhiên. Sau khi bức tranh được xác lập kỷ lục về nghệ thuật ướp tươi hoa đào đầu tiên tiên tại Việt Nam, chúng tôi đã bán theo giá tỏa thuận với một Việt kiều Pháp là 310 triệu đồng…”  
Cũng trong năm 2014, trong hàng chục bức tranh phong cảnh Đà Lạt tạo nên bằng vật liệu hoa tươi ướp theo kỹ thuật 3D, ông Nguyễn Công Hóa đã chọn ra 2 bức tranh ưng ý nhất tham gia cuộc thi sáng tạo sản phẩm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp mới phục vụ du lịch và xuất khẩu tỉnh Lâm Đồng. Cuộc thi đã thu hút khoảng 120 bức tranh các loại tham gia, kết quả 1 trong 2 bức tranh hoa tươi ướp 3D của ông Hóa đã đoạt giải Nhất, được Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cấp Giấy Chứng nhận. 
 Đắt hàng hoa sen Tháp Mười ướp tươi mới
Với việc sở hữu 2 kỷ lục và được bình bầu là 1 trong 8 nhà sáng nghiệp của Việt Nam, cùng đón nhận cả chục Bằng khen cấp tỉnh, cấp trung ương, đến năm 2015, kỷ lục gia Nguyễn Công Hóa đã nhanh chóng thuyết phục Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam”, đặc biệt đã cùng với 36 nghệ nhân trong cả nước được Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức mời gặp mặt, chúc mừng. Tiếng lành vang xa, một công ty xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp từ tỉnh Đồng Tháp lên Đà Lạt mời gọi kỷ lục gia Nguyễn Công Hóa hợp tác sản xuất hoa sen Đồng Tháp Mười ướp tươi. Theo đó, công ty này chịu trách nhiệm đầu tư vốn, cung cấp nguyên liệu hoa sen tươi, bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa sen ướp tươi với giá ấn định ngay từ lúc bắt đầu sản xuất, phân chia một khoản lãi đáng kể cho 2 bên. 
Bên kỷ lục gia Nguyễn Công Hóa chịu trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới để ướp hoa sen tươi giữ được màu sắc tự nhiên lâu bền, đảm bảo số lượng sản phẩm xuất bán hàng tháng theo hợp đồng. Kết quả cuộc triển lãm đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp với 300 sản phẩm hoa sen ướp tươi đã thu hút rất đông khách tham quan, khám phá. Đến ngày thứ 2 của cuộc triển lãm, hơn 300 cành hoa sen ướp tươi của nghệ nhân Nguyễn Công Hóa đều được khách tham quan lần lượt đến mua hết.
Qua 2 tháng đầu năm 2016, mỗi tháng, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa vẫn sản xuất đều đặn hơn 500cành hoa sen ướp tươi theo hợp đồng liên kết với một công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp ở tỉnh Đồng Tháp nêu trên. Tuy nhiên, hiện còn nhiều lời mời từ doanh nghiệp Nhật Bản để cùng hợp tác sản xuất hoa ướp tươi hơn 10 loại hoa Đà Lạt và loài hoa sen Đồng Tháp Mười, nhưng nghệ nhân Nguyễn Công Hóa phải tạm thời từ chối vì không đủ nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi tháng theo yêu cầu. 
Thiết nghĩ, vấn đề này rất đáng quan tâm đối với các cấp, ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng và của thành phố Đà Lạt trong kế hoạch phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp của địa phương trước mắt cũng như lâu dài./.
THÁNG 3/2016