VĂN VIỆT
Ra đời từ năm 2008, sản xuất rau VietGAP
đã nhanh chóng thâm nhập vào vùng nông nghiệp Lâm Đồng, mang đến lợi nhuận vượt
trội cho người nông dân. Đến nay, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh Lâm
Đồng tiếp tục đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích rau VietGAP trong trước mắt cũng
như trong lâu dài. Tuy nhiên lộ trình phía trước đang đối diện với nhiều nút
thắt cần tháo gỡ.
Dẫn đầu diện tích VietGAP cả nước
Theo ông Phạm Văn Hội ( Trung tâm Sinh thái nông
nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), diện tích trồng rau của Việt Nam bị suy
giảm trong giai đoạn năm 2009 – 2011 do hậu quả của lũ lụt cùng với những khó
khăn về thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, thị trường tiêu
thụ trong nước và thị trường xuất khẩu nhanh chóng khôi phục và mở rộng, đã tạo
cơ hội cho người nông dân phát triển nhiều diện tích và nhiều loại rau đạt giá
trị lợi nhuận cao hơn, trong đó có diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu
chuẩn VietGAP. Riêng ở tỉnh Lâm Đồng, đến đầu năm 2016 đã chiếm vị trí “số 1
cách biệt” trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rau VietGAP. Cụ thể, diện
tích rau VietGAP ở 4 tỉnh dẫn đầu cả nước gồm: Lâm Đồng hơn 1.300ha, Vĩnh Phúc
400ha, thành phố Hồ Chí Minh gần 270ha và Hải Dương hơn 130ha. Đánh gía chung
về kết quả sản xuất rau VietGAP ở Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng
Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nói thêm: “ Đặc
trưng rau VietGAP ở vùng cao nguyên Lâm Đồng là có thể sản xuất quanh năm với
đa chủng loại khác nhau, đạt chất lượng tươi ngon, đồng đều, thời gian bảo quản
dài. Sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng phần lớn đã hình thành các mô hình liên kết
theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh
nghiệp, nên đảm bảo ổn định thị trường đầu ra, hàng năm xuất khẩu sang các nước
Singapore, Đài Loan, Nhật Bản…chiếm tỷ lệ từ 3- 5% sản lượng rau toàn tỉnh… ”
Khảo sát của phóng viên tại các hợp tác xã, tổ hợp
tác, trang trại và hộ gia đình sản xuất rau VietGAP ở Đà Lạt và các vùng phụ
cận cho biết, lợi nhuận trên mỗi hecta sản xuất rau VietGAP trong 3 năm gần đây
đạt trung bình khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có không ít diện tích
trồng dâu tây Newzealand, các giống cà chua của châu Âu, châu Mỹ, các loại rau
baby, rau thơm châu Âu …đạt lãi trên 1tỷ đồng/ha/năm.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Để sản xuất trên 1 hecta rau theo tiêu chuẩn VietGAP
phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn ( từ 1,5- 2 tỷ đồng xây dựng nhà kính, hệ
thống tưới nước và bón phân tự động, chưa kể giá trị diện tích đất), kỹ thuật
canh tác hiện đại, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao năng lực
cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, chi phí phân tích mẫu đất,
nước, sản phẩm còn khá cao, hiệu lực của Giấy Chứng nhận VietGAP chỉ trong vòng
2 năm, giám sát định kỳ 1 năm/lần…nên đã gây không ít khó khăn cho người nông
dân khi tiếp cận sản xuất. Chi tiết hơn, bà Cao Thị Làn ( Khoa Nông lâm, Trường
Đại học Đà Lạt) phân tích hàng loạt khó khăn trong phát triển rau VietGAP Lâm
Đồng gồm: quy trình sản xuất với quá nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khắt khe; chi phí sản
xuất tăng cao hơn từ 10- 15% so với chi phí sản xuất truyền thống; giữa người
sản xuất với các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân phân phối chưa có liên hệ chặt
chẽ; vẫn còn nhiều diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không theo mùa
vụ, khó kiểm soát; phải ghi chép nhật ký sản xuất từ khâu chuẩn bị đất đến thu
hoạch, dán mã vạch; phải phân lô, mã hóa các lô sản xuất; một bộ phận thị
trường còn chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm rau VietGAP và rau không VietGAP…
Trong những khó khăn về sản xuất rau VietGAP ở Lâm
Đồng nêu trên, ông Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông
nghiệp Việt Nam) đã nhận diện 3 nút thắt chính cần tháo gỡ là: người sản xuất
rau không VietGAP vẫn còn thiếu thông tin và kỹ thuật sản xuất rau VietGAP để
chuyển đổi quy trình; người tiêu dùng thường thiên về khía cạnh “tiêu cực” của
thông tin (khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một vài trường hợp rau không
an toàn đánh tráo rau an toàn, thay vì nhận định thị trường rau an toàn đã được
kiểm soát, thì người tiêu dùng lại chuyển sang nghi ngờ “rau an toàn chưa chắc
đã an toàn” (!)); các đầu mối thu mua rau VietGAP không thể hiện được vai trò kiểm
soát mức độ an toàn của sản phẩm trước khi phân phối đến người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tháo gỡ những nút thắt
trong sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng, điều cần thiết bây giờ là quy hoạch và
thực hiện đầy đủ quy hoạch vùng sản xuất VietGAP của Đà Lạt và các vùng phụ
cận, kiên quyết không cho phép sản xuất rau không VietGAP ở những vùng quy
hoạch rau VietGAP. Tiếp theo cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế doanh
nghiệp, đào tạo nguồn lực, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp
trong vào ngoài nước đầu tư sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng; bố trí kinh phí hỗ
trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình VietGAP; xây dựng và ban hành quy
trình canh tác đối với từng loại rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
VietGAP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương
mại bằng các hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm, liên kết giới thiệu sản phẩm
rau VietGAP của Lâm Đồng đến nhiều thị trường trong nước và nước ngoài; đồng
thời tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ sản phẩm rau các loại từ các tỉnh khác
lưu thông về thị trường Lâm Đồng, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hiện
tượng giả mạo các sản phẩm rau VietGAP uy tín của Lâm Đồng./. THÁNG 3/2016