Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Phát triển dâu tây dưới tán rừng

VĂN VIỆT
Được nhận quản lý, bảo vệ gần 15ha rừng cảnh quan gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở tiểu khu 144b, phường 8,  Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Lực đã tận dụng những khoảng không gian dưới tán thông xanh để phát triển đến 1,2ha dâu tây công nghệ cao, thu hút ngày càng nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Mỗi ngày hái 40kg dâu tây  dưới tán thông
Dưới tán thông mát rượi của mùa khô Đà Lạt năm 2016, tôi được người nữ quản lý của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Lực mời tham quan từng luống dâu tây sinh trưởng trong nhà kính hở. Gần một giờ đồng hồ xem cận cảnh cây dâu xanh tốt trên giá thể cách mặt đất hơn nửa mét và tự tay hái từng trái dâu thưởng thức, đã cho tôi những cảm nhận thú vị. Đó là một khoảng không gian 1,2ha hít thở trong lành nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, những chùm trái dâu chín mọng với vị ngọt thanh của giống Newzealand và vị chua thơm của giống Pháp. Bên cạnh đó là những giống cây atisô truyền thống canh tác không có mái che, cùng các giống cây mới lạ được tuyển chọn mua từ các nước Nhật, Mỹ, Pháp về thuần hóa phát triển dưới mái che ni lông như dưa hấu tí hon, cà chua ngọt, phúc bồn tử…Tất cả diện tích đang chăm bón không thuốc hóa học, nên chất lượng trái thu hoạch phần lớn được khách tham quan tin dùng. “Giá bán trái dâu tây của Công ty Hiệp Lực trong một năm qua đều giữ mức từ 250- 300.000đồng/kg ( giống Newzealand) và từ 150 – 200.000 đồng/kg ( giống Pháp). Đồng thời qua mỗi mùa tết ( trong 2 mùa tết vừa qua), công ty còn bán hàng trăm chậu dâu tây các loại theo đặt hàng trước của khách hàng trong và ngoài thành phố Đà Lạt. Người mua dâu tây chậu vừa sử dụng trang trí như cây cảnh trong vườn nhà, vừa thu hái trái ăn tươi…”- người nữ quản lý công ty này thông tin với phóng viên.
Đến quày hàng đặc sản Đà Lạt trong căn biệt thự giữa rừng thông trồng dâu tây là điểm tham quan cuối cùng của tôi. Ở đây, tôi ghi nhận khoảng 10 mặt hàng chế biến từ dâu tây (các loại mứt, nước cốt, rượu…) và atisô (bông, rễ phơi khô) sản xuất tại khu rừng này. Giám đốc Công ty Hiệp Lực, ông Hồ Đắc Hường dẫn tôi lên tầng trên của căn biệt thự thoáng mát để khảo sát quy trình chế biến dâu tây trong diện tích khoảng 50 mét vuông. Các công đoạn phân loại trái dâu tây, lên men, chiết xuất, đóng hộp, đóng chai…đều ngăn nắp, sạch sẽ, dậy mùi thơm tự nhiên. Giám đốc Hường chia sẻ: “Mỗi ngày công ty chúng tôi chế biến từ 15- 20kg dâu tây nguyên liệu thu hái, phân loại tại chỗ. Đây là những trái dâu tây khi thu hái vô tình bị gãy cuống, hình dáng không tròn đều, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo như dâu tây hái bán tươi. Công ty chúng tôi cam kết với khách hàng là tất cả sản phẩm chế biến từ dâu tây cũng như sàn phẩm bông, rễ atisô đều đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm…” Thực tế, nếu so mặt bằng giá thị trường thì giá các mặt hàng đặc sản dâu tây, atisô vừa sản xuất vừa chế biến của Công ty Hiệp Lực thường ở mức cạnh tranh khá tích cực.         
2 năm nhân rộng 1,2ha dâu tây nhà kính
Với những kết quả sản xuất dâu tây công nghệ cao dưới tán rừng nêu trên, ngày 22/12/2015, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Võ Ngọc Hiệp đã ký quyết định công nhận 1,2ha dâu tây nhà kính hở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Lực là  “điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao”. Nhìn lại sau hơn 2 năm xây dựng điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Hiệp Lực phải vừa sản xuất dâu tây nhà kính hở vừa tiếp cận kỹ thuật hướng dẫn từ những kỹ sư nông nghiệp và những nhà nông kinh nghiệm ở Đà Lạt. Lứa dâu tây đầu tiên dưới tán thông, công ty xuống giống trồng trên diện tích 1.000m², gồm giống cây cấy mô và giống cây ngó ( chiết tách cây con mọc dưới gốc cây mẹ), khoảng cách cây cách cây khoảng 0,3m. Tất cả 2 giống đều trồng trên chậu giá thể phối trộn tại chỗ, đặt trên giàn cao hơn mặt đất hơn 0,5m để cách ly mầm bệnh. 

Hệ thống nước tưới, bón phân nhỏ giọt được bơm lên từ giếng khoan đã đào sẵn. Thời gian từ khi xuống giống dâu tây đến khi bước vào thu hoạch khoảng 150 ngày đối với giống cây ngó và khoảng 180 ngày đối với giống cây cấy mô, đạt chất lượng trái như nhau, nhưng chênh lệch năng suất ước tỷ lệ 100% (cây cấy mô) và 70% ( cây ngó)…
“Cùng quy trình canh tác công nghệ cao, nhưng năng suất dâu tây dưới tán thông thấp hơn ở ngoài đồng khoảng 30%. Bù lại với cây dâu tây canh tác dưới tán rừng thông còn kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái. Bởi vậy, cứ sau mỗi vụ mùa thu hoạch, công ty chúng tôi tích lũy lợi nhuận cùng với nguồn vốn huy động được, đã liên tục mở rộng diện tích trồng dâu tây dưới tán rừng thông đến đầu năm 2016 hơn 1,2ha, dự kiến trong năm 2017 sẽ tăng lên 2ha. Hiện trung bình mỗi tuần đón trên 500 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức dâu tây tươi và mua hàng đặc sản Đà Lạt do công ty chế biến. Nhiều đơn vị lữ hành đang tiếp tục liên kết với công ty chúng tôi để tổ chức đưa thêm nhiều đoàn khách đến tham quan, trước mắt là trong dịp nghỉ hè năm 2016…”- Giám đốc Hồ Đắc Hường cho biết./.

THÁNG 3/2016