Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Tái canh cà phê trên vùng đất nhiều lợi thế

VĂN VIỆT
Di Linh là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ với nhiều lợi thế canh tác các loại cây công nghiệp nói chung, đặc biệt là cây cà phê. Thực tế sản xuất từ năm 2010 đến nay, Di Linh đã không ngừng bổ sung những kinh nghiệm, kỹ thuật tái canh cây cà phê ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

Cà phê tái canh tăng hàng năm
Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết, thực hiện chương trình tái canh cà phê từ năm 2010 đến nay, bà con nông dân huyện Di Linh đã trồng mới và ghép cải tạo thành công trên diện tích gần 11.145ha cà phê. Trong đó năm 2010 mới đạt diện tích hơn 1.135ha thì đến hơn 6 tháng đầu năm 2015, con số này đã tăng lên gần 2.215ha. Những giống cà phê cao sản được nông dân Di Linh chọn lựa để tái canh trên từng khoảnh vườn của mình gồm: TR4, TR9, TR11, TS1…Để tránh tình trạng nông dân mua giống cà phê tái canh kém chất lượng, Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều đợt kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn ký cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra. Tính riêng các loại cây giống cà phê tái canh được trồng có kết quả ở huyện Di Linh trong 2 năm qua gần 2,7 triệu cây. Cùng thời gian này, Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh đã tổ chức 35 lớp tập huấn trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê với gần 1.140 lượt người tham gia. Và đã có hơn 2.420 hộ gia đình được vay gần 200 tỷ đồng đầu tư tái canh cà phê theo quy hoạch.
Về nguyên nhân tái canh cà phê thành công trong 5 năm qua, Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh phân tích: Nhờ chính sách tín dụng cho tái canh cà phê được triển khai đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện cho người dân tính toán, cân đối nguồn vốn đối ứng của mình. Trong quá trình trồng mới, ghép cải tạo cà phê, người nông dân thường xuyên có “bạn đồng hành” là khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ kỹ sư của Trung tâm Nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh…trợ giúp, hướng dẫn từng công đoạn kỹ thuật phù hợp với điều kiện canh tác của từng diện tích đất vườn.
Đúc kết quy trình kỹ thuật mới
Tuy nhiên trong 5 năm qua, diện tích cà phê tái canh không thành công trên địa bàn huyện Di Linh vẫn còn chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Nguyên nhân được xác định do bà con nông dân xuống giống trồng ở những thời điểm cuối mùa mưa- đầu mùa khô, khiến cây bị chết vì thiếu nước tưới ở giai đoạn bám rễ, đâm chồi. Thêm vào đó, một số vườn cà phê trồng mới tái canh lại thiếu các biện pháp xử lý triệt để mầm bệnh trong đất, khi cây cà phê xuống giống trồng gặp mầm bệnh cũ tái sinh lây nhiễm thường phát triển rất chậm. Chưa hết, thay vì phải bố trí một khoảng thời gian trồng luân canh các cây trồng khác sau khi nhổ bỏ diện tích cây cà phê đã già cỗi, nhiều sâu bệnh, một số bà con nông dân lại trồng mới tái canh cà phê ngay sau đó, khiến nhiều loại bệnh hại tiếp tục sinh sôi, đặc biệt là bệnh tuyến trùng làm cà phê vàng lá, thối rễ.
Để khắc phục và hạn chế thấp nhất bệnh tuyến trùng khi tái canh cà phê, Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh đã thường xuyên khuyến cáo với bà con nông dân nên luân canh các loại cây trồng khác từ 1- 2 năm sau khi phá bỏ diện tích cà phê cũ. Có thể chọn các loại cây trồng luân canh như đậu đỗ, bắp…Mỗi lứa thu hoạch xong, thu gom toàn bộ thân, lá cây rồi vùi lấp vào trong đất để tạo nguồn dinh dưỡng mới cho những thời vụ trồng trọt tiếp theo. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phương pháp luân canh với cây trồng khác, công đoạn làm đất phải được tiến hành ngay thời điểm bước sang mùa khô. Dựa theo chiều ngang và chiều dọc của lô đất, sử dụng máy cày đất 2 lần với độ sâu 40cm. Đất phơi từ 1,5- 2 tháng, dùng máy bừa ở độ sâu 20- 30cm, đồng thời rải đều trên mặt đất khoảng 1.000kg vôi bột/ha. Đáng quan tâm là tiêu chuẩn chọn cây giống. Với cây thực sinh phải đạt từ 5- 6 cặp lá, đường kính gốc từ 3- 4mm, có một cọc rễ mọc thẳng. Với cây ghép gồm ít nhất 2 cặp lá, chồi được ghép tối thiểu 2 tháng trước khi trồng, chiều cao trên 10cm tính từ vị trí ghép. Thời vụ trồng tái canh cà phê trên đất Di Linh phải được triển khai vào đầu mùa mưa và hoàn thành trước mùa khô 2 tháng…

Trước nhu cầu tín dụng tái canh cà phê dự kiến mở rộng đối tượng thụ hưởng trong thời gian tới, bên cạnh việc rà soát những vườn cây giống đạt tiêu chuẩn công bố, huyện Di Linh đang đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng hỗ trợ xây dựng mới từ 5-8 vườn chồi cà phê đầu dòng đạt chất lượng cao trên địa bàn.
THÁNG 7/2015