VĂN VIỆT
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lâm Đồng đã đề nghị các cấp thẩm quyền của tỉnh và trung ương bố trí các nguồn
vốn để nâng cấp, sửa chữa 30 công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trên
địa bàn. Đây là những hồ đập được đầu tư khai thác khá lâu, nhưng do xây dựng không
đồng bộ, nay đã bồi lắng nghiêm trọng, năng lực tưới tiêu đang suy giảm hàng
ngày…
Thống kê cho biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 426 công
trình thủy lợi với hơn 973km kênh mương. Với tỷ lệ kiên cố hóa gần 60%, đến nay
hệ thống kênh mương thủy lợi của Lâm Đồng đã chủ động dẫn nước tưới cho 138.000ha
diện tích gieo trồng hàng năm, trong đó có gần 56.000 ha được tưới trực tiếp,
tăng hơn 23.000 ha so với năm 2010. Những năm qua, Lâm Đồng đã tích cực rà
soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thi công hoàn thành những công trình dở dang
như hệ thống kênh mương Tuyền Lâm- Quảng Hiệp và xây dựng, nâng cấp những công
trình hồ đập trong nhiều vùng sản xuất trọng điểm gồm: hồ Đắc Lây, kiên cố hóa
kênh mương Đạ Tẻh, hồ Tân Hiên, Đơn Dương, hồ Đông Tây Di Linh…
Đáng quan tâm với 426 công trình thủy lợi nói trên thì
có gần 220 hồ và liên hồ chứa tương ứng với mực nước dâng bình thường khoảng
3.000ha, tổng dung tích gần 500 triệu m³. Trong đó chỉ có 24 hồ chứa đạt dung
tích từ 1 triệu m³ trở lên, còn lại đa số hồ chứa đều
đạt dung tích dưới 1 triệu m³. Mô hình quản lý, khai thác công
trình thủy lợi trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay được phân cấp cụ thể: Ở cấp tỉnh có
mô hình Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng đang
quản lý các công trình thủy lợi có quy mô lớn; ở cấp huyện có Trung tâm Quản lý
và Khai thác công trình công cộng vừa làm chủ đầu tư, vừa quản lý các công
trình thủy lợi, giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường; ngoài ra còn giao cho
UBND cấp xã, Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện, doanh nghiệp, Hợp tác xã trực
tiếp quả lý…Hàng năm, bên cạnh việc vận hành cung cấp nước tưới trên
từng vùng nông nghiệp trọng điểm chuyên canh cây lúa, cây công nghiệp dài ngày,
rau, hoa công nghệ cao, các mô hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong
tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên kiểm tra tình hình an toàn hồ đập, xây dựng và
thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai một cách chủ động, giảm thiểu
tối đa những thiệt hại xảy ra.
Tuy nhiên nếu so với yêu cầu quản lý, khai thác thủy
lợi ngày càng cao thì bộ máy quản lý hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng. Trong khi
đó, phần lớn số hồ chứa nước quy mô nhỏ, nằm rải rác, phân tán ở nhiều vùng
sâu, vùng xa, việc điều tiết nước chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của người
vận hành, chưa tuân thủ theo một quy trình thống nhất. Một số hồ đập khác còn
thiếu cả hệ thống quan trắc và hệ thống thông tin liên lạc, gây rất nhiều khó
khăn trong công tác điều hành khi có mưa lũ. Nguyên nhân được xác định về mặt
chủ quan là do kết quả thi công, thiết kế không đảm bảo chất lượng, một số hồ
đập đất bị thấm nước nhiều hơn mức bình thường. Tình trạng vi phạm hành lang
bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn diễn ra phổ biến, thảm thực vật trên lưu vực
hồ đập không được bảo vệ, chăm sóc, khi gặp mùa lũ, nước tập trung khá nhanh và
gây bồi lắng cho lòng hồ. Nguyên nhân về mặt chủ quan là một số hồ đập bị xuống
cấp trong thời gian dài, nhưng nguồn kinh phí hạn chế, không được sửa chữa nâng
cấp kịp thời.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, nâng cao hiệu quả quản lý,
khai thác, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên đà phát triển đột phá đi
lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang đặt ra các giải pháp về
củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Theo
đó, trên từng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy
lợi phải rà soát, phân tích, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực để làm
cơ sở xây dựng chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó,
các chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã đề xuất xây
dựng đề án phát triển hệ thống ao hồ nhỏ, theo phương thức nhà nước và nhân dân
cùng làm, trong đó tổng nguồn vốn nhà nước đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, dự kiến
sẽ tăng thêm diện tích tưới tiêu từ 6.000- 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp trong
thời gian tới./.
THÁNG 7/2015